Trực tiếp tháo gỡ vướng mắc phát sinh
Chính trị - Ngày đăng : 06:35, 28/02/2012
Nếu có sự giám sát tối cao của Quốc hội một cách toàn diện về lĩnh vực giao thông, chắc chắn sẽ thu được những kết quả khả quan. Ảnh: Huy Hùng
Năm 2008, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) khóa XII đã thực hiện giám sát chuyên đề về "Việc thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT". Đây là tiền đề quan trọng cho việc QH sửa đổi toàn diện và thông qua Luật Giao thông đường bộ năm 2008. Khi đó, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh (QPAN) Lê Quang Bình, Trưởng đoàn Giám sát đã nhận định, có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng ùn tắc giao thông và khiến tai nạn giao thông (TNGT) ngày càng gia tăng. Đó là ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông kém, công tác điều hành, quản lý Nhà nước còn nhiều hạn chế. Đặc biệt, nguyên nhân chính là sự mất cân đối giữa cơ sở hạ tầng giao thông và sự gia tăng đột biến các phương tiện giao thông cá nhân. Để giải bài toán này, mấu chốt là phải nâng cao nhận thức của người tham gia giao thông, tăng cường công tác quản lý Nhà nước, cân đối giữa tốc độ xây dựng, phát triển cơ sở hạ tầng giao thông với tốc độ phát triển của các phương tiện giao thông cá nhân. Mặt khác, với tốc độ phát triển kinh tế xã hội nhanh như nước ta, vấn đề quy hoạch giao thông cần phải tính tới tầm nhìn 30 năm, 50 năm và thậm chí xa hơn.
Bốn năm đã qua, những kiến nghị từ đợt giám sát vẫn còn nguyên giá trị thời sự. Hằng năm, số người chết vì TNGT vẫn tăng cao. Theo số liệu từ Bộ GTVT, bình quân mỗi năm cả nước có gần 12.000 người chết và 9.300 người bị thương do TNGT. Con số này như cách ví von của một vị bộ trưởng bằng 75% số người bị thương và bằng 156% số nạn nhân nếu so sánh với thảm họa kép sóng thần và động đất xảy ra tại Nhật Bản hồi đầu năm 2011. Tình hình nghiêm trọng đến mức Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng phải đề xuất "cách chức lãnh đạo tỉnh nào nếu để TNGT gia tăng liên tiếp trong 3 năm". Còn theo đánh giá của các tổ chức quốc tế, Việt Nam hiện đứng thứ tư về số người chết vì TNGT trên thế giới sau Trung Quốc, Mỹ, Thái Lan. Trung bình mỗi ngày có 30-35 người chết vì TNGT. Không chỉ có tai nạn, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ cũng đang là vấn nạn, đặc biệt là tại các TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh.
Từ đó đến nay, QH chưa có dịp đánh giá, nhìn nhận lại vấn đề này một cách toàn diện. Và theo đánh giá của nhiều đại biểu QH, 4 năm sau đợt giám sát về "Việc thi hành pháp luật bảo đảm TTATGT" mọi việc có chuyển biến nhưng sau đó dường như đang chững lại?
Trước thực tế trên, tại kỳ họp thứ hai QH khóa XIII, khi bàn về chương trình giám sát năm 2012, nhiều đại biểu đã đề nghị QH tiến hành ngay các đợt giám sát về chấp hành bảo đảm pháp luật ATGT. Tại diễn đàn QH, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng tha thiết đề nghị QH giám sát tối cao và ra các nghị quyết chuyên đề đối với các vấn đề còn tồn tại, đặc biệt là vấn đề TNGT, ATGT và công tác giao thông để động viên, huy động cả hệ thống chính trị, toàn thể người dân đẩy lùi vấn nạn này. Còn Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng để kiềm chế và loại bỏ tai nạn, ùn tắc giao thông cần phải có nhiều giải pháp, chính sách trong đó có những nội dung nằm ngoài thẩm quyền của Chính phủ mà cần sự quyết định của QH. Hoặc có những vấn đề cần sự đồng thuận mạnh mẽ của người dân thông qua những quyết định của QH với tư cách là cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất như cân đối ngân sách hay xử lý những bất hợp lý, chồng chéo trong các luật về giao thông... Do vậy, với chức năng giám sát tối cao sự vào cuộc trở lại của QH với vấn đề này sẽ là rất cần thiết góp phần tháo gỡ trực tiếp những khó khăn, vướng mắc phát sinh ngay trong quá trình thực hiện.
Bốn năm trước, khi UBTVQH thực hiện giám sát chuyên đề "Việc thi hành pháp luật về bảo đảm TTATGT" đông đảo cử tri đã bày tỏ sự đồng tình và cho rằng QH đã chọn đúng, chọn trúng vấn đề "nóng", bức xúc của xã hội. Song nhiều người cũng bày tỏ tiếc nuối khi QH đã không tiếp tục thực hiện quyền tái giám sát đối với lĩnh vực trên theo từng năm, từng quý mà đã để vụ việc "trôi" đi một cách đáng tiếc. Theo nhìn nhận của không ít đại biểu QH, điều này là biểu hiện của một thực tế chung hiện nay: QH giám sát nhưng chưa sát, đặc biệt hậu giám sát vẫn là khâu yếu.
Cử tri mong muốn ngoài sự nỗ lực, quyết tâm của Chính phủ và chính quyền địa phương các cấp, nếu có sự giám sát tối cao của QH - cơ quan quyền lực cao nhất của Nhà nước một cách toàn diện về lĩnh vực giao thông, chắc chắn chúng ta sẽ thu được những kết quả khả quan.
Năm 2012 được chọn là năm ATGT. Đây cũng là năm đầu tiên thay vì chỉ có tháng ATGT hoặc tuần ATGT, Chính phủ đã lên kế hoạch hành động cho cả một năm. Chủ đề của năm được xác định là thiết lập trật tự, kỷ cương giao thông trong phạm vi cả nước và chống ùn tắc giao thông ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. |