Bài 2: “Húc đầu vào đá”!

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:23, 28/02/2012

(HNM) - Cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đã hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn Hà Nội gắn liền với cải tạo đô thị cũ là yêu cầu bức thiết hiện nay. Tuy nhiên, đây là công việc không dễ dàng, thậm chí có đồng chí lãnh đạo thành phố đã phải thốt lên: "Như húc đầu vào tường đá".

Kiên gan bám trụ

Dự án cải tạo nhà A1, A2 khu tập thể Nguyễn Công Trứ (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) là một trong những ví dụ tiêu biểu cho thấy cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ hư hỏng, xuống cấp trên địa bàn thành phố khó khăn như thế nào. Đã rất nhiều lần, đã rất lâu, dự án này trống giong cờ mở nhưng đến giờ vẫn chưa vào đâu. Thậm chí, mặt bằng dự án vẫn chưa giải phóng nổi.

Lối vào nhà A2, khu tập thể Nguyễn Công Trứ.

Lối vào khu A2 đã gần như hoang phế, gạch vữa chất đống, rác rưởi ngập lên. Nhà ông Đoàn Xuân Thắng, số 8 A2, rộng 31m2 nhưng có tới 4 hộ - ba thế hệ - chung sống. Cả nhà 12 nhân khẩu, cũng may cơi nới thêm thành ra rộng được 60m2. Sau khi khu nhà được phá dỡ một phần, ông Thắng nói "bẩn thỉu, chuột bọ lắm". Mới đây, một người em ông Thắng đã phải đi thuê chỗ khác. Tuy vậy, ông Thắng vẫn không đi đâu được bởi còn cửa hàng trông giữ, rửa xe ở mé ngoài mang lại thu nhập chính cho cả gia đình. Đã vậy, hai đứa con nhỏ đều học gần đó, một cháu học Trường Đoàn Kết (phường Phố Huế), một cháu học Trường Trần Nhân Tông (phường Đồng Nhân). - Nếu chuyển đến khu tái định cư ở Vĩnh Hoàng (quận Hoàng Mai) thì gia đình tôi sống bằng gì, các cháu đi học như thế nào? - ông Thắng đặt vấn đề.

Trước đó, ngày 23-9-2011, Sở Xây dựng Hà Nội đã có công văn "hỏi" Bộ Xây dựng về thẩm quyền cưỡng chế khi thực hiện phá dỡ, xây dựng lại nhà A1, A2 này. Đến giờ, ông Mai Xuân Cung, Tổ trưởng tổ dân nhà A2 cho biết hiện vẫn còn 14 hộ "bám trụ". Tổ trưởng tổ dân nhà A1, ông Lê Văn Hiệp, cho biết nhà A1 còn 26 hộ ở lại.

Ông Đặng Văn Cảnh, số nhà 41 A1, một trong những hộ chưa đi, cho biết: Tôi mở doanh nghiệp từ năm 2000, sinh hoạt, làm ăn ở đây đã quen. Tôi có đề xuất với đơn vị thực hiện dự án là thông báo cho gia đình 15 ngày trước khi phá dỡ, tôi sẽ chấp hành.

Nhà ông Đoàn Xuân Thắng, một trong những hộ dân còn bám lại.

Công ăn việc làm và chuyện học hành của con cái là hai trong số những lý do khiến nhiều hộ dân ở đây kiên trì bám trụ. Nhiều người dân đã "trót" di dời đến khu tái định cư than thở: - Đến khu ở mới rộng rãi, sạch sẽ hơn nhưng chúng tôi không biết làm gì mà ăn? Hơn hai năm qua (tính từ lúc chuyển đi - PV), tiền hỗ trợ đã tiêu hết, ngày ngày lại đưa đón con cái đi học gần nơi ở cũ rất bất tiện. Mà ở đây, được mỗi cái rộng rãi chứ nước nôi đúng là nỗi kinh hoàng. Nhiều hôm, mở vòi không biết chảy ra là nước lọc hay nước cống?

Song băn khoăn, bức xúc không chỉ có thế.

Khi người dân thất vọng

Đứng nói chuyện với tôi ngay dưới tấm bảng phối cảnh dự án A1, A2 "hậu tái thiết", ông Phạm Ngọc Dưỡng, số nhà 39 A2, bức xúc: Đến thời điểm này gia đình tôi đi đã được 2 năm 8 tháng rồi mà vẫn chưa giải phóng xong mặt bằng trong khi trước đây "họ" hứa chỉ 3 năm là "về".

Trong khi một số hộ không chấp nhận phương án đền bù nên vẫn bám trụ thì hồ nghi là tâm lý chung của người dân. Ông Cảnh nói: Giờ có xuống (khu tái định cư - PV) thì không biết bao giờ mới được trở về. Tiến độ dự án quá chậm, "họ" nói 3 năm nhưng theo tôi phải 10 năm.

Một người dân đã đi nhưng hối, "không biết bản thân quyết định sai hay đúng". Ông Đoàn Xuân Thắng giải thích: Thông tin dự án không rõ ràng. Tôi gắp thăm được tầng 17 nhưng vừa rồi nghe đâu dự án chỉ được xây tối đa 13 tầng, thế là thế nào? Trong khi đó, đến giờ, dự án này đâu đã được triển khai, mặt bằng vẫn chưa xong. Lắm người tặc lưỡi "biết thế không đi". Còn một số người ở lại lo lắng, không biết ngày nào "về". Đến tháng 6 này là tròn 3 năm từ lúc di dân rồi...

Và thế là dù hai tòa nhà A1, A2 đã hoang tàn, mấy chục hộ dân vẫn trụ lại. Trong khi đó, một vị tổ trưởng dân phố cho biết: Ở khu tái định cư, nhiều hộ dân đã xuất hiện tâm lý "đòi về" vì lâu dài chưa biết ra thế nào còn trước mắt, họ không biết kiếm sống bằng gì.

Đi tìm giải pháp

Tại sao cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ bị hư hỏng, xuống cấp lại như "húc đầu vào tường đá"? Tại Nhà nước chưa có cơ chế hấp dẫn, tại doanh nghiệp không mặn mà và người dân không có niềm tin hay còn bởi những nguyên nhân nào khác? Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, người từng tham gia thiết kế, xây dựng nhiều khu nhà tập thể cũ, cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ - một phần của cải tạo, quy hoạch đô thị cũ, phải bảo đảm hài hòa ba lợi ích: Lợi ích của Nhà nước (chính quyền đô thị), lợi ích của chủ sở hữu (chủ yếu là căn hộ, một số khác có thêm cửa hàng) và lợi ích của chủ đầu tư: - Trước hết, chủ sở hữu được cải thiện về điều kiện ăn ở với diện tích lớn hơn trước, chất lượng tốt hơn. Với chính quyền đô thị, một mặt đây là cơ hội để cân đối lại các nhu cầu trong đô thị cũ như trường học, siêu thị, công trình công cộng, mặt khác còn làm đẹp đô thị, tạo ra các khu đô thị đa chức năng mới. Còn với nhà đầu tư, mục tiêu của họ là lợi nhuận. Tỷ suất nào là hấp dẫn? Nếu dựa vào chính sách phát triển nhà ở xã hội hiện nay thì chưa đủ - ông Phạm Sỹ Liêm cho biết.

Lý giải tình trạng dự án cải tạo, xây dựng lại các chung cư cũ đều đang ì ạch, ông Phạm Sỹ Liêm cho rằng cơ quan chức năng có trách nhiệm khởi xướng quy hoạch, điều hành dự án, người dân phải ủng hộ chứ không thể chỉ nêu lên rồi bỏ đấy, bỏ mặc doanh nghiệp với người dân trong khi một bên chỉ lo lợi nhuận, một bên chăm chăm quyền lợi. Người dân phải hiểu, cải tạo - thực ra là tái thiết - là cơ hội của họ chứ không phải họ là nạn nhân của những xáo trộn. Mặt khác, kinh nghiệm triển khai ở nhiều nơi là họ thực hiện nguyên tắc 3I: Thông tin minh bạch, kịp thời (infomation), khuyến khích, tạo điều kiện công ăn việc làm (incentive) và cuối cùng mới là cấm, cưỡng chế (inhibit) đằng này ta làm gần như lộn ngược.

Trên thực tế, những điều này đều đúng với các hộ dân kiên gam bám trụ ở nhà A1, A2 Nguyễn Công Trứ. Ông Dưỡng, như nhiều người dân khác ở đây, đã chuyển đến khu tái định cư nhưng vẫn phải quay về mới có kế sinh nhai.

Đã nghiên cứu rất kỹ phương pháp tái thiết của Thụy Điển, ông Phạm Sỹ Liêm đề xuất: Nên chăng thí điểm mô hình hợp tác xã trong cải tạo, xây dựng lại các khu tập thể cũ. Khi đó, chính người dân được tham gia vào quá trình tái thiết (góp vốn bằng quyền sở hữu) thì các dự án mới hy vọng tháo gỡ được những vướng mắc hiện nay.

Trung Hưng