Đôi bên "cãi lý", nhạc sĩ được gì?

Văn hóa - Ngày đăng : 01:07, 28/02/2012

(HNMO) - Mấy ngày gần đây, việc “lời qua tiếng lại” của Cục nghệ thuật biểu diễn (NTBD) và Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) lại làm “nóng” dư luận. Vấn đề không mới, vẫn là về bản quyền tác phẩm âm nhạc.

Cục NTBD và VCPMC "đấu lý" căng thẳng trong nhiều ngày nay (Từ trái sang phải: Ông Vương Duy Biên - Cục Trưởng Cục NTBD và nhạc sĩ Phó Đức Phương, giám đốc VCPMC)


Sự việc xem ra chưa thể gói lại, bởi đến nay hai đơn vị này vẫn chưa ngừng đấu lý và đôi bên đều đưa ra lời phân tích cái sự chưa đúng của nhau trên trang web chính thức của mình.

* Khi “người nhà” cãi nhau…

Sự việc bắt đầu từ ngày 16/2, khi VCPMC (do nhạc sĩ Phó Đức Phương đứng đầu) tổ chức cuộc họp thông báo tình hình hoạt động của đơn vị này trong năm 2011. Tại cuộc họp có sự tham gia của hơn 30 nhạc sĩ lão thành, vấn đề được đưa ra bàn luận sôi nổi xoay quanh hiện tượng nhiều “bầu sô”, đơn vị tổ chức biểu diễn không nộp tiền tác quyền cho các nhạc sĩ mà vẫn được cơ quan quản lý cấp phép.

Nhiều nhạc sĩ lên tiếng, cho rằng lý do khiến phía tổ chức biểu diễn “lờ lớ lơ” tác quyền là vì cơ quan quản lý việc cấp phép biểu diễn, trong đó có Cục NTBD, đã cấp phép tổ chức biểu diễn mà không đòi hỏi phía xin cấp phép phải trả tiền tác quyền cho các tác giả trước khi nộp hồ sơ.

Sau cuộc họp, các nhạc sĩ đã ký vào một bản kiến nghị chung và ngày 22/2, VCPMC đã gửi bản kiến nghị với chữ ký của nhiều nhạc sĩ lão thành lên Cục NTBD.

Về vấn đề liên quan, trong buổi họp báo tại Bộ VHTT&DL (diễn ra cùng ngày với cuộc họp nói trên của VCPMC), ông Phạm Đình Thắng, Cục phó Cục NTBD đã trả lời rằng: Cơ quan quản lý nhà nước không có trách nhiệm đòi tiền tác quyền cho các nhạc sĩ. Đó là quan hệ mang tính dân sự, do các cá nhân tự thỏa thuận.

Câu trả lời của Cục NTBD đã tạo nên những phản ứng khác nhau trong giới. Qua báo chí, một số người như nhạc sĩ Phú Quang, Quốc Trung đã tỏ thái độ không đồng tình với cách làm của VCPMC.

Bài viết đăng trên website của Cục NTBD


Việc càng lúc càng như “lửa đổ thêm dầu”. Ngày 24/2, trên website của VCPMC đăng tải bài viết “Nên hiểu luật và phát ngôn có trách nhiệm?”, có ý “phản pháo” đối với ý kiến của nhạc sĩ Phú Quang, Quốc Trung và đưa ra lập luận “bắt lỗi” Cục NBTD. Chỉ một ngày sau đó (25/2), trên website chính thức của Cục NTBD xuất hiện liên tiếp hai bài viết, trong đó có ý công kích cách làm việc của VCPMC. Với ngôn từ không chút nể nang, bài viết đăng trên website của Cục NTBD cho rằng “VCPMC đã lừa dối các nhạc sĩ”, và phân tích những bất cập trong cách thức hoạt động hiện nay của Trung tâm VCPMC, điển hình là việc tự đưa ra mức thu tác quyền không hợp lý, tự ý thu phần trăm hoa hồng, không công khai hợp đồng uỷ thác thu tiền tác quyền của các nhạc sĩ…

Sự việc như “vết dầu loang”, khi Cục NTBD cho rằng bản kiến nghị mà VCPMC gửi trước đó vào ngày 22/2, có chữ ký của nhiều nhạc sĩ, thực chất có nội dung tố cáo Cục, mà quan trọng hơn là VCPMC đã thực hiện việc này không đúng quy định khi để các nhạc sĩ ký khống vào giấy trắng rồi mới cho soạn thảo kiến nghị. Cục NTBD “dọa” kiện VCPMC, mời cơ quan chức năng vào cuộc để làm rõ sự việc nếu như trung tâm này không “tự rút kinh nghiệm”.


Các bên “cãi nhau”, sa đà trong sự tự bảo vệ, có ích gì cho việc thúc đẩy xã hội thực hiện nghĩa vụ về bản quyền nói chung, bản quyền âm nhạc nói riêng trên tinh thần tôn trọng pháp luật, tôn trọng quyền lợi hợp pháp của nhạc sĩ.

* Quyền lợi của tác giả được bảo vệ thế nào?

VCPMC được thành lập vào năm 2002, hoạt động trên danh nghĩa một tổ chức nghề nghiệp thuộc Hội Nhạc sĩ Việt Nam. Từ khi ra đời đến nay, đây không phải lần đầu tiên trung tâm này nhận được những phản hồi, thắc mắc, sự hòai nghi của giới nhạc sĩ. Tuy nhiên, có lẽ đây mới là lần đầu VCPMC bị “công kích” mạnh mẽ và trực diện đến thế. Hội Nhạc sĩ Việt Nam, nơi ra quyết định thành lập VCPMC hiện vẫn chưa có ý kiến về vấn đề liên quan.

Khách quan mà nói, có thể thấy cách thức vận hành của VCPMC có khá nhiều sự bất hợp lý nhưng cũng không thể phủ nhận trung tâm đã mang lại lợi ích đáng kể cho nhiều nhạc sĩ và việc có một tổ chức nghề nghiệp đứng ra bảo về quyền lợi hợp pháp cho các nhạc sĩ là cần thiết. Điều quan trọng là phải lập một lộ trình hoạt động chặt chẽ cho tổ chức này với kế hoạch cụ thể, chi tiết về các mức phí, phụ phí phù hợp, công khai về các khoản thu, chi…

Các nhạc sĩ trông chờ vào biện pháp cụ thể từ phía cơ quan quản lý trong việc bảo vệ quyền lợi cho mình (Ảnh chụp các nhạc sĩ trong cuộc họp ngày 16/2/2012)


Nhưng VCPMC “gương mẫu”, “cải tổ” rồi thì vẫn chưa đủ, cần phải có sự hỗ trợ của cơ quan quản lý nhà nước. Sự hỗ trợ không phải vì quyền lợi của VCPMC hay bất cứ cá nhân nào trong trung tâm này, mà vì lợi ích chính đáng ở mức phù hợp của các nhạc sĩ, trên cơ sở tôn trọng các luật, quy định hiện hành. Trong trường hợp này, điều mà dư luận chờ đợi ở cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Cục NTBD, có thể là những giải pháp, thậm chí chỉ là động thái nhằm giúp cho việc thực hiện các điều luật về bản quyền được tốt hơn.

Về vấn đề này, liệu những động thái, những gì diễn ra trên địa bàn TP Hồ Chí Minh có thể là bài học kinh nghiệm cần được tham khảo?

Quản lý hoạt động biểu diễn nghệ thuật hiên đang gặp không ít bất cập, do ý thức chấp hành luật chưa nghiêm của một số tổ chức, cá nhân, và do cả văn bản pháp quy hiện vẫn chưa đủ chặt chẽ, chi tiết. Liệu trong Dự thảo Nghị định về hoạt động biểu diễn đang tiến hành, cơ quan quản lý có nên tính đến việc này, nhằm tạo “chuẩn” cho việc thực hiện quyền tác giả?

Hoàng Quyên