Tổ chức trọng thể lễ hội Hai Bà Trưng
Xã hội - Ngày đăng : 16:39, 27/02/2012
Trong diễn văn khai mạc, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Đinh Thị Lan Duyên khẳng định: Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng là kết tinh của quá trình đấu tranh kiên cường bất khuất của người dân Việt cổ, là bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa còn là minh chứng cho khả năng và sức mạnh lớn lao của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Biểu diễn võ thuật tại lễ hội |
Với đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", sau khi Hai Bà Trưng tạ thế, nhân dân nhiều nơi đã lập đền thờ để ghi nhớ công đức. Trong đó, có miếu thờ Hai Bà ở phường Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng). Ngôi đền ban đầu gần kề bờ sông Hồng trên bãi Đồng Nhân, nhưng đến năm 1819 bãi lở, dân làng dời đền vào vị trí phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng ngày nay.
Gắn với truyền thuyết này, hôm qua (26-2) nhân dân hai phường Đồng Nhân và Bạch Đằng (quận Hai Bà Trưng) đã thành kính dâng hương hoa, quả phẩm tại Miếu thờ Hai Bà Trưng bên sông Hồng; tổ chức lễ cấp Thuỷ, rước nước sông Hồng về Đền thờ Hai Bà Trưng để tiến hành lễ mộc dục theo nghi thức cổ truyền… Nhân dịp này, nhân dân các xã Mê Linh, Hát Môn, Phụng Công, quê hương Hai Bà cũng về dâng hương, tế lễ tại khu di tích Đền thờ Hai Bà Trưng.
Biểu diễn nghệ thuật ở Lễ hội hai Bà Trưng |
Sau lễ mít tinh, lễ hội Hai Bà Trưng tiếp diễn với nhiều hoạt động văn hóa, thể thao đặc sắc như: Biểu diễn chèo, quan họ, võ thuật, cờ tướng, cờ người, viết thư pháp...Điều đáng nói là tất cả các hoạt động trên diễn ra trong an toàn, trật tự, không có nạn ăn xin, móc túi, cờ bạc trá hình; giá gửi xe đúng như quy định (2.000 đồng/xe máy, 1.000 đồng/xe đạp). Các “ông đồ”, “bà đồ” tặng chữ miến phí, còn người xin chữ nếu muốn đóng góp một chút tâm thành thì bỏ tiền vào thùng quyên góp ủng hộ người nghèo của quận. Những hoạt động này đã góp phần tạo nên nét đẹp văn hóa ở lễ hội Hai Bà Trưng.