Thi sính Quỳnh Anh gửi “thư kêu cứu”: Cũng chỉ tại người lớn!
Văn hóa - Ngày đăng : 12:36, 26/02/2012
Cô bé Quỳnh Anh và mẹ trong tập 7 phát sóng trên truyền hình |
Sự việc thí sinh Quỳnh Anh bị loại ở tập thứ 7 phát sóng chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam”, sau đó mẹ em đã lên sân khấu chỉ trích BGK đã gây nhiều chú ý trong những tuần qua. Sự việc còn đươc làm “nóng” liên tục khi mẹ thí sinh này còn đăng đàn “tố” BTC “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” đã cắt ghép, dàn dựng nhằm bôi nhọ, làm ảnh hưởng tới thí sinh Quỳnh Anh. Chưa hết, mẹ thí sinh Quỳnh Anh còn nói rằng, đã bị MC của chương trình (nghệ sĩ Quyền Linh) xúi giục lên sân khấu giật micro và chỉ đạo phải nói theo hướng dẫn.
Tất nhiên, BTC chương trình đã phủ nhận những cáo buộc trên. Cựu người mẫu Thúy Hạnh, một thành viên của BGK cũng lên tiếng phủ nhận những lời tố cáo này. Sự việc trên những tưởng lắng xuống, nhưng bất ngờ là vào ngày 24/2 vừa qua, trên trang web chính thức của trường Quốc tế Châu Á - Thái Bình Dương, nơi bà Nguyễn Thị Ngọ (mẹ bé Quỳnh Anh) đang làm Chủ tịch HĐQT, xuất hiện bức thư “kêu cứu khẩn cấp” của Quỳnh Anh. Bức thư còn gây “sốc” hơn khi có viết đích danh địa chỉ gửi đến là Phó Chủ nhiệm Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng Quốc hội.
Trong bức thư có đề tên người viết là thí sinh Quỳnh Anh khẩn thiết được đại biểu Quốc hội “cứu cháu và gia đình” và yêu cầu “điều tra ngay sự việc gian dối mang danh “truyền hình thực tế này”.
Bức thư có đoạn viết: “Tiết mục dự thi của cháu khi đưa lên truyền hình đã bị cắt ghép đến từng câu nói và điều chỉnh âm thanh bài hát để biến một câu chuyện của cô bé 15 tuổi đi thi hát bình thường trở nên vô cùng lố bịch, kệch cỡm, kiêu căng, đáng ghét và cực kỳ bất tài theo một kịch bản soạn sẵn của Ban tổ chức, gây scandal để kiếm tiền quảng cáo thật nhiều (clip thi của cháu chiếu trên truyền hình có chèn quảng cáo Rejoice - nhà tài trợ chính của chương trình, chỉ trong vài ngày cả triệu người truy cập và nhân bản trên Internet, phát tán trên toàn cầu).
"Lời kêu cứu khẩn cấp" của Quỳnh Anh đăng tải trên website của trường Quốc tế châu Á - Thái Bình Dương |
Rồi sau đó Quỳnh Anh đặt câu hỏi: “Cháu đã được dạy ở trường, sống là phải ngay thẳng, phải tôn trọng sự thật. Học sinh chúng cháu luôn được dạy kỹ như vậy thì tại sao người lớn, mang danh là người có học thức, làm một chương trình lớn mang tầm cỡ quốc gia như thế lại không làm đúng được theo những bài giáo dục công dân cơ bản ạ?"
Chưa hết, cô bé còn thổn thức: “Từ ngày chương trình lên sóng, cháu không thể nào ăn nổi bát cơm hay ngủ ngon trọn một giấc. Đến trường, cho đến nay là tuần thứ hai sau khi xảy ra sự việc rồi mà cháu vẫn không thể tập trung vào việc học. Cháu cảm thấy oan ức lắm! Trong lòng cháu lúc nào cũng có một nỗi đau lớn, đau lắm bác ơi, cháu không thể chịu nổi khi nhìn thấy những giọt nước mắt của mẹ.
Chỉ trong vài ngày thôi, mẹ già đi trông thấy, còn cháu đã sụt 3kg rồi, ngày nào cũng ăn cháo, ngày nào cũng có cảm giác muốn lả đi. Có lúc cháu tưởng chừng như không còn sức để gắng gượng nổi nữa. Hôm nay cháu không thể đi học và cháu quyết định viết thư này gửi bác.
Bác cũng là người mẹ, cháu tin rằng bác hiểu được nỗi lòng của người mẹ và đứa con gái 15 tuổi này. Nếu cháu là con gái bác, chắc bác cũng đau đớn như mẹ cháu. Cháu tin rằng bác yêu trẻ em và luôn bảo vệ trẻ em. Cháu khẩn thiết xin bác hãy cứu cháu và gia đình”.
“Tối hôm qua cháu đọc trên báo còn nói: “Mỗi đứa trẻ trong thời đại này, tốt hơn hết hãy tỉnh táo để tự cứu lấy mình”. Thế người lớn ở đâu mà lại để trẻ con phải tự cứu? Cháu phải làm gì bây giờ? Sao người lớn lại đối xử với trẻ con như vậy? Sao lại lạm dụng cháu, hạ nhục cháu và mẹ cùng gia đình trước toàn thế giới thế?”
Cuối bức thư là lời kêu cứu khẩn thiết của cô bé: “Cháu khẩn thiết xin bác hãy cứu cháu và cho điều tra ngay những sự việc gian dối mang danh “truyền hình thực tế” này”.
Chưa biết bức thư này có đến được nơi mà chủ nhân của nó muốn đến, nhưng khi bức thư này được đăng lên trên website của trường Quốc tế châu Á – Thái Bình Dương và lan rộng trong cộng đồng mạng, lập tức lại tạo “sóng” dư luận. Bức thư đã mang đến hiệu ứng ngược cho người viết.
Phần lớn ý kiến bình luận đều cho rằng, những lời lẽ trong bức thư này khó có thể của một cô bé mới 15 tuổi, thậm chí cũng có ý kiến cho rằng, có thể mẹ bé Quỳnh Anh đứng đằng sau “xúi” con. Nhiều ý kiến còn chỉ trích nặng nề mẹ bé Quỳnh Anh đã vô tình làm hỏng con. Thay vì, hướng dẫn, động viên con vượt qua những vấp váp của cuộc sống lại tạo cho con thêm sự ảo tưởng và suy nghĩ phiến diện.
Từ một cuộc chơi trên truyền hình, sự việc đã bị đẩy đi quá đà và đến giờ nó thật sự đã làm ảnh hưởng đến tâm sinh lý của một cô bé 15 tuổi. Đáng ra, cô bé đã có thể quay trở lại việc học hành thì giờ đây lại bị cuốn theo dư luận chỉ vì sự “thắng - thua” của người lớn. Lẽ ra, cô bé Quỳnh Anh không đáng phải chịu sự cay nghiệt của dư luận nếu như người lớn (ở trong cuộc) tỉnh táo và biết bảo vệ con trẻ hợp lý. Và, đáng ra cô bé Quỳnh Anh có thể phát triển năng khiếu của mình tốt hơn nữa, nếu người lớn biết định hướng đúng chứ không phải chỉ biết hào phóng lời khen và tạo thêm ảo tưởng không thật.
Không biết, sau bức thư “kêu cứu khẩn cấp” này, cô bé Quỳnh Anh và gia đình sẽ có thêm phản ứng gì? Đến bao giờ cô bé Quỳnh Anh mới thoát được nỗi buồn chỉ vì bị loại khỏi cuộc chơi giải trí này?