Lần đầu tiên cắt ruột thừa nội soi qua âm đạo
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:29, 26/02/2012
Vừa qua, chị Nguyễn Thị H, 48 tuổi nhập viện trong tình trạng đau bụng đã 2 ngày. Lúc đầu đau vùng thượng vị sau đó khu trú ở hố chậu phải.
Khám bụng thấy bụng mềm, hố chậu phải đau, phản ứng thành bụng vùng hố chậu phải dương tính, sốt nhẹ 37,2 độ C.Siêu âm ổ bụng bệnh nhân không quan sát được ruột thừa. Bệnh nhân được khám sản khoa trước đó nhưng không phát hiện gì bất thường. Chị H. được vào khoa điều trị, nhịn ăn, truyền dịch, không dùng kháng sinh và thuốc giảm đau, hạ sốt.
Sau 24 giờ, bệnh nhân tiếp tục đau vùng hố chậu phải, phản ứng thành bụng rõ, siêu âm vùng hố chậu phải có dịch. Bệnh nhân được chuẩn đoán viêm ruột thừa.
Theo bác sĩ Thành, bệnh nhân này có tiền sử mổ mở 2 lần. Một lần mổ tại bệnh viện Vĩnh Phúc với chẩn đoán chửa ngoài tử cung năm 1991, lần 2 mổ cắt tử cung bán phần tại viện C Thái Nguyên với chẩn đoán u xơ tử cung.
Chị H. có tiền sử viêm dạ dày có chẩn đoán nội soi dạ dày, tá tràng và điều trị nội khoa nhiều đợt.
Khi tiến hành nội soi, trên màn hình cho thấy ổ bụng dính, viêm ruột thừa chưa có giả mạc nên khá thuận lợi. Cuộc phẫu thuật kéo dài 110 phút và sử dụng 230 lít CO2.
Vì đây là ca cắt ruột thừa nội soi đầu tiên qua đường âm đạo nên các bác sĩ Thành và đồng nghiệp cũng gặp khó khăn, mất hơn 50p để đưa thiết bị phẫu thuật nội soi vào ổ bụng qua đường âm đạo.
Khi thực hiện phẫu thuật, các bác sĩ còn phát hiện bệnh nhân bị tổn thương trực tràng nên khâu lại.
Sau khi mổ, sức khỏe bệnh nhân hồi phục nhanh, dùng kháng sinh 3 ngày và truyền dịch 2 ngày sau mổ. Vào ngày thứ 3, chị H. được ra viện.
Bác sĩ Đỗ Tất Thành chia sẻ: Bệnh nhân đã có tiền sử mổ trước đó. Trong khi mổ thấy dính mạc nối lớn và dính ruột non trên thành bụng. Đây cũng là một khó khăn khiến kéo dài thời gian phẫu thuật. Vì vậy, khi mổ theo phương pháp này nên chọn những bệnh nhân chưa có tiền sử phẫu thuật trước đó.