Quản lý việc kinh doanh xăng dầu: Chạy theo vi phạm?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:52, 25/02/2012
Người dân mua xăng tại cây xăng Phú Thụy (Gia Lâm). Ảnh: Khánh Nguyên |
Tại hội thảo tìm nguyên nhân cháy xe xảy ra liên tục trong thời gian gần đây do Sở Khoa học và Công nghệ Hà Nội tổ chức sáng 12-2-2012, đa số nhà khoa học đều nghiêng về việc coi xăng có pha lẫn tạp chất là nghi phạm hàng đầu. Cơ quan chức năng cũng đã bắt quả tang một số vụ "rút ruột", pha chế xăng dầu trong quá trình vận chuyển và tại bồn của cửa hàng kinh doanh, thế nhưng tới thời điểm này, việc điều tra, xử lý trách nhiệm vẫn cứ dậm chân tại chỗ. Quyết định đình chỉ công tác một vài nhân viên trực tiếp vi phạm chỉ như xoa dịu dư luận, trong khi vấn đề trách nhiệm ở cấp cao hơn là doanh nghiệp đầu mối và ngành chủ quản còn bỏ ngỏ. Còn tại TP Hồ Chí Minh, từ tháng 9 đến tháng 11-2011, Chi cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng TP đã kiểm tra chất lượng xăng dầu tại 55 cửa hàng. Trong số 22 cửa hàng được lấy mẫu thì có tới 11 đơn vị sai phạm. UBND TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định xử phạt 9 đơn vị, mỗi đơn vị 30 triệu đồng kèm hình thức xử phạt bổ sung là thu hồi giấy phép kinh doanh trong 12 tháng - mức phạt "kịch trần" so với quy định tại Nghị định 107/2008/NĐ-CP.
Ông Vương Ngọc Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng, đây là hành vi gian lận thương mại, gây thiệt hại cho người tiêu dùng nhưng chỉ đình chỉ công tác các đối tượng trực tiếp "rút ruột" và pha xăng dầu, xử phạt hành chính các cơ sở vi phạm là chưa đủ. Đặc biệt, hành vi gian lận xăng dầu bị phát giác vào lúc có nhiều vụ cháy xe xảy ra đã tạo tâm lý bất an trong xã hội, trực tiếp ảnh hưởng đến lòng tin của người tiêu dùng và sự cạnh tranh bình đẳng trên thị trường. Việc xử lý nghiêm minh sai phạm sẽ góp phần lập lại trật tự, kỷ cương kinh doanh xăng dầu và bảo đảm nhất quán chính sách của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Hiện có quá nhiều cơ quan như Khoa học - Công nghệ, Công thương, Giao thông - Vận tải… tham gia quản lý xăng dầu, song nếu không thay đổi cách quản lý thì dù có tăng cường kiểm tra đến đâu, vẫn có sai phạm. Vì cách làm hiện nay chủ yếu chỉ là kiểm tra phần "ngọn", tức là ở các cây xăng trước khi nhiên liệu đến với người dùng, trong khi muốn quản lý tốt cần phải có quy trình chặt chẽ ở tất cả các khâu nhập khẩu (hoặc sản xuất trong nước) - phân phối tới đại lý - người tiêu dùng. Nhà nước chưa có chế tài buộc doanh nghiệp đầu mối phải có trách nhiệm đến cùng với xăng dầu khi đưa ra thị trường nên rất khó hạn chế những sai phạm ở cấp đại lý.
Để công tác quản lý chất lượng xăng dầu đạt kết quả cao hơn, người tiêu dùng cho rằng cơ quan chức năng phải tăng cường giám sát ở thế chủ động chứ không phải chạy theo giải quyết vi phạm. Việc xử phạt phải nghiêm minh hơn theo hướng sai phạm một lần là rút giấy phép kinh doanh vĩnh viễn chứ không chỉ phạt hành chính như hiện tại. Bên cạnh đó, cần phải đưa ra quy chuẩn chặt chẽ về hàm lượng nước, ô xy, áp suất hơi bão hòa… trong xăng dầu; thay thế những trụ bơm xăng cũ cho phép sự tác động của con người vào thiết bị bằng những trụ bơm đời mới; đưa việc có trang bị máy đo octan cầm tay vào điều kiện cấp phép hoạt động của cây xăng…
Ở góc độ quản lý vĩ mô, các chuyên gia kinh tế cho rằng, căn nguyên sai phạm cũng như sự thiếu trách nhiệm của doanh nghiệp là do chính sách quản lý giá chưa tốt, chưa phù hợp khi "thả nổi" giá xăng trên thị trường. Theo cơ chế giá hiện hành, doanh nghiệp xăng dầu không chịu rủi ro kinh doanh, không cần tiết kiệm chi phí, giá nào cũng nhập khẩu mà không sợ lỗ do đã có thị trường và người tiêu dùng "gánh" hết. Đó là bất cập lớn và là điều hết sức vô lý mà nếu không có một sự can thiệp vĩ mô và đổi thay quyết liệt, việc điều hành giá xăng dầu thời gian tới cũng sẽ trở lại như hiện nay. Các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu sẽ lại tiếp tục vin vào lý do phục vụ bình ổn giá, kêu lỗ để đòi tăng giá (tức là tăng lợi nhuận cho doanh nghiệp và hệ thống), "lờ" đi trách nhiệm xã hội của mình và trút thiệt hại lên vai người tiêu dùng.
Từ ngày 21-2-2012, các mặt hàng xăng, dầu sẽ có mức thuế mới từ 0-3% thay vì 3-5% như hiện nay theo quy định tại Thông tư số 25/2012/TT-BTC vừa được Bộ Tài chính ban hành. Trong bối cảnh giá xăng dầu thế giới tăng cao, mặc dù đã được sử dụng quỹ bình ổn nhưng các doanh nghiệp trong nước vẫn lỗ hơn 800 đồng/lít xăng dầu, quyết định giữ nguyên giá xăng và giảm thuế nhập khẩu để giảm lỗ cho doanh nghiệp của Bộ Tài chính là kịp thời và phù hợp. Thế nhưng, theo Bộ Công thương, hiện cả nước có khoảng 13.000 đại lý bán lẻ xăng dầu, trong đó chỉ có khoảng 3.000 cửa hàng trực thuộc hệ thống bán lẻ của các công ty đầu mối như Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng Công ty Dầu Việt Nam (PV Oil)... Mặc dù các doanh nghiệp đều cam kết quản lý chặt chất lượng xăng dầu trong hệ thống cửa hàng bán lẻ của mình, tuy nhiên, việc chỉ có khoảng 1/4 số cửa hàng bán lẻ xăng dầu được quản lý là bức tranh tối của hoạt động kinh doanh xăng dầu hiện nay, khiến thị trường này tiếp tục khó kiểm soát và người tiêu dùng vẫn chưa thể yên tâm.