Từ Đặng Huy Trứ đến Pierre Dieulefils

Xã hội - Ngày đăng : 06:05, 25/02/2012

(HNM) - Ngày 14-3-1869, một sự kiện gây xôn xao dân chúng không chỉ ở xứ Bắc kỳ mà cả xứ Nam kỳ là việc khai trương hiệu ảnh đầu tiên ở Việt Nam tại phố Thanh Hà (gần Ô Quan Chưởng). Chủ nhân của hiệu ảnh là Đặng Huy Trứ, một vị quan triều vua Tự Đức.

Như vậy là sau 30 năm kể từ ngày nhà khoa học Pháp Joseph Nicéphore Niepce tạo ra bức ảnh đầu tiên trên thế giới (khoảng năm 1826-1827), nhiếp ảnh đã xuất hiện tại Việt Nam. Không chỉ mở cửa hàng ảnh, Đặng Huy Trứ còn mở 3 cửa hàng kinh doanh gồm Lạc Sinh Điếm, Lạc Đức Điếm và Lạc Thanh Điếm cũng ở phố Thanh Hà.

Phố Hàng Đào của Pierre Dieulefils.

Đặng Huy Trứ sinh ngày16-5-1825, quê làng Bát Vọng, sau sang cư trú ở làng Thanh Lương (nay là xã Hương Xuân, huyện Hương Trà, tỉnh Thừa Thiên - Huế). Năm 1847, ông đỗ kỳ thi Hương và thi Hội nhưng khi thi Đình phạm húy nên bị triều đình cấm thi trọn đời. Tám năm sau, nhờ một vị quan tâu lên vua Tự Đức xin cho thi lại, ông đỗ Tiến sỹ vào năm 1855, qua nhiều chức vụ ở các tỉnh khác nhau rồi được bổ làm Bình chuẩn sứ Hà Nội. Năm 1866, nhân sang Trung Quốc công cán, ông chụp hai tấm ảnh ở Hương Cảng. Những bức ảnh làm ông mất ngủ và ông đã hỏi rất kỹ cách chụp, in tráng vì ông có ý định mang nghề này về Việt Nam. Năm 1867, ông lại được triều đình cử đi công cán Trung Quốc và lần này ông nhờ một thợ ảnh ở Quảng Đông mua hộ máy và vật tư. Trước cửa hiệu, Đặng Huy Trứ treo đôi câu đối:

Nhân yên trù mật Thanh Hà phố
Thiện niệm du hưng Cảm Hiếu Đường
(Dịch nghĩa:Thanh Hà phố ấy dân trù mật
Cảm Hiếu Đường đây khách nhiệt nồng)

Và:

Hiếu dĩ sự thân nhân sở cộng
Ảnh giai tiếu tượng thế tương truyền
(Dịch nghĩa: Hiếu thờ cha mẹ người người muốn
Ảnh giống chung nhau mãi mãi truyền)

Có thể coi đôi câu đối tự giới thiệu hiệu ảnh của Đặng Huy Trứ là hình thức quảng cáo đầu tiên ở Việt Nam. Khách hàng ban đầu của Cảm Hiếu Đường là các gia đình giàu có ở Hà Nội và các tỉnh, quan lại trong triều từ Huế ra. Ông tự thao tác mọi công đoạn. Cho đến nay, các tấm ảnh ông tự chụp cho ông vẫn còn lưu giữ tại bảo tàng ở Pháp. Tuy nhiên, ông phải dừng công việc chụp ảnh vào năm 1871 khi giữ chức Bang biện quân vụ Lạng – Bằng – Ninh - Thái. Ngoài nhiếp ảnh, Đặng Huy Trứ còn là người đưa công nghệ đóng tàu về Việt Nam, đồng thời ông cũng là tác giả của cuốn sách nổi tiếng “Từ thụ quy yếu” phê phán nạn hối lộ và tham nhũng chốn quan trường.

Thấy ảnh có thể lưu lại chân dung con người thật hơn vẽ nên vua Tự Đức đã cử Trương Văn Sán ra nước ngoài học “tiểu phép chụp hình”. Khi Trương Văn Sán thành thạo nghề về nước thì vua Tự Đức ra lệnh mở một cơ sở chụp ảnh ở gần cửa Thượng Tứ (Huế) để ông Sán chụp ảnh cho vua cùng hoàng thân quốc thích. Hiệu ảnh Văn Sán là hiệu ảnh đầu tiên ở Huế và là hiệu ảnh thứ hai ở Việt Nam. Năm 1883, để chứng minh cho những gia đình ở Pháp có người thân là lính đang đóng quân ở Hà Nội vẫn mạnh khỏe thông qua những tấm ảnh gửi về từ Hà Nội, Chính phủ Pháp đã gửi máy chụp ảnh sang để chụp cho binh lính. Những máy ảnh này cũng dùng để chụp ảnh lưu vào hồ sơ công chức người Việt làm việc cho bộ máy cai trị của họ tại Hà Nội.

Nếu Đặng Huy Trứ là người đầu tiên mang nhiếp ảnh về Việt Nam thì Pierre Dieulefils là người đầu tiên chụp ảnh phong cảnh, con người, chùa chiền... ở Hà Nội. Trong một cuốn sách ông đã viết: “Tôi chụp Hà Nội mỏi tay mà vẫn muốn chụp”. P.Dieulefils sinh ngày 21-1-1862 ở Malestroit, một ngôi làng nhỏ xứ Bretagne miền Bắc nước Pháp. Năm 1883, ông đăng lính và đến Bắc kỳ vào năm 1885. P.Dieulefils đóng quân ở Hà Nội nhưng cũng tham gia các chiến dịch của quân Pháp ở Bắc kỳ và chính trong khoảng thời gian này, ông bắt đầu chụp ảnh. Sau 2 năm ở Bắc kỳ, ông về Pháp nghỉ phép, lấy vợ rồi trở lại Hà Nội vào tháng 7-1888, mở một hiệu ảnh. Ông đã gửi những bức ảnh chụp Hà Nội và xứ Bắc kỳ tham dự Triển lãm Ảnh quốc tế tổ chức tại Paris vào tháng 4-1889 và được ban tổ chức trao huy chương đồng. Năm 1894, ông dọn về số nhà 53 phố Jules Ferry (phố Hàng Trống ngày nay). Cho đến nay, nhiều tấm ảnh đóng dấu địa chỉ 53 phố Jules Ferry vẫn thấy bán ở các cửa hàng dành cho các nhà sưu tập ở Pháp. Cũng năm 1894, ông đã trúng thầu chụp ảnh căn cước dán trên thẻ lưu trú của người nước ngoài sống tại Bắc kỳ và Trung kỳ (chủ yếu là người Trung Quốc). Việc đó đã tạo cho ông cơ hội đi nhiều nơi hơn để sáng tác. Tại Triển lãm Ảnh quốc tế Paris năm 1900, ông nhận được huy chương vàng cho những bức ảnh chụp Hà Nội và Đông Dương. Từ khoảng năm 1900, thế giới bùng nổ phong trào bưu ảnh, không chậm trễ với trào lưu này, năm 1901, ông bắt đầu phát hành bưu ảnh. Thiết bị nhiếp ảnh hồi đó rất nặng, cồng kềnh, dễ hư hỏng trong khi đường sá ở Bắc kỳ không hề dễ dàng cho việc đi lại và đi chụp ảnh cũng đồng nghĩa là thám hiểm, đã thế còn rất nguy hiểm nhưng lòng đam mê quá lớn khiến ông vượt qua tất cả. P.Dieulefils đã tham gia Triển lãm Ảnh quốc tế tổ chức tại Hà Nội năm 1902. Không chỉ trưng bày ảnh, ông còn đưa ra những bưu ảnh đầu tiên, vì thế người ta đã gọi ông là “Nhà nhiếp ảnh thám hiểm và sản xuất bưu ảnh”. Khách du lịch Châu Âu đến Hà Nội không thể bỏ qua cửa hàng bưu ảnh của ông và trong món quà mang từ xứ Đông Dương về bao giờ cũng có những tấm bưu thiếp chụp Nhà hát Lớn, Hồ Gươm, Dinh Toàn quyền, chùa Một Cột, phố Tràng Tiền, chùa Quán Sứ... Bị ốm nặng năm 1904, ông phải trở về Pháp an dưỡng nhưng khỏi bệnh, ông quyết định đi Campuchia. Trở lại Hà Nội, ông mở một cửa hàng mới tại số 42 và 44 phố Paul Bert (nay là phố Tràng Tiền) rồi lại xuống tàu thủy về Pháp để tham gia Triển lãm Thuộc địa ở Marseille (từ ngày 15-4 cho đến tháng 11-1906). Những bức ảnh của ông về Đông Dương lại được trao huy chương vàng. Năm 1909, ông xuất bản cuốn sách ảnh “Đông Dương tráng lệ và kỳ vĩ: Bắc kỳ, Trung kỳ” trưng bày tại Triển lãm Quốc tế ở Bruxelles năm 1910 và lại thêm lần nữa ông được ban tổ chức trao huy chương vàng.

Sau Chiến tranh thế giới lần thứ nhất, P.Dieulefils đều đặn trở lại Đông Dương tiếp tục sáng tác. Ông là nhà nhiếp ảnh thành công nhờ chụp con người, cảnh vật ở Đông Dương và điều đó cũng có nghĩa là ông đã quảng bá Đông Dương với thế giới. Người ta ước tính số phim ảnh và bưu ảnh của Pierre Dieulefils lên đến 5.000 bản, phản ánh mọi mặt của đời sống thường ngày ở Đông Dương thời đó. Nó giúp cho các nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa, tôn giáo khám phá Bắc kỳ, Trung kỳ, Nam kỳ, Vân Nam (Trung Quốc) và Campuchia trong giai đoạn 1885 và 1925.

Người cháu ngoại 64 tuổi của P.Dieulefils là Lionel Labastire hiện sống ở thành phố Manosque (Pháp) đang lưu giữ rất nhiều bưu thiếp cùng những bức ảnh liên quan đến Hà Nội và nhiều tỉnh, thành khác ở Việt Nam chụp cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ra đời khi cụ P.Dieulefils đã mất, ký ức về cụ ngoại chỉ qua những câu chuyện của mẹ ông cùng các bức ảnh gia đình chụp từ thời còn ở Hà Nội. Kho tư liệu quý giá mà L.Labastire đang sở hữu không phải là thừa kế mà do ông bỏ tiền và công sức sưu tập. Sở dĩ L.Labastire tìm lại được vì trên những bức ảnh hay bưu thiếp bao giờ P.Dieulefils cũng đóng triện hình chiếc lư đồng nhỏ kèm theo mã số và địa danh như một thói quen ghi chú trên mỗi tác phẩm.

Hiện Lionel Labastire đã tập hợp được hơn 2.500 tấm ảnh gốc và bưu thiếp, trong số đó có khoảng 100 bức ảnh in trên giấy cát và khoảng 200 bức in trên giấy mịn. Đây là những tác phẩm gốc duy nhất của P.Dieulefils còn lưu giữ lại được cho đến nay. Trong hàng nghìn bức ảnh đó, bộ mặt Hà Nội một thời hiện lên và cho đến ngày nay nó lại càng có giá trị không chỉ với Hà Nội mà còn cả với lịch sử Việt Nam.

Nguyễn Ngọc Tiến