4G ư? - Hãy đợi đấy!
Xe++ - Ngày đăng : 07:31, 24/02/2012
Việc triển khai 4G ở Việt Nam chưa thể thực hiện được trong thời gian tới.Ảnh: Thanh Hải
Theo quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia, từ năm 2014 trở đi Việt Nam mới nghiên cứu, thử nghiệm và đánh giá về dịch vụ viễn thông 4G. Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ này còn phụ thuộc vào yếu tố thị trường, trong đó cân nhắc tới vấn đề liệu các nhà khai thác trong nước sau khi đầu tư mạnh cho 3G đã thu hồi vốn hay chưa? Đó cũng là lý do Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết phải tới năm 2018 Bộ mới xem xét việc cấp giấy phép 4G cho các nhà cung cấp dịch vụ di động… Như vậy, với những thông tin như trên từ Bộ TT-TT - cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành cho thấy, chỉ khi thị trường trong nước hội tụ đủ các điều kiện cho phép, Bộ mới cấp phép cho DN triển khai dịch vụ 4G. Đây là điều hoàn toàn có lý. Vì, trước hết việc đầu tư cho mạng 4G phải cần một khoản vốn lớn, trong khi đó ở giai đoạn đầu, việc thương mại dịch vụ không đơn giản khi mà thiết bị đầu cuối có giá không chỉ khá đắt, mà còn thuộc loại hàng hiếm… Trong khi đó, với thu nhập, mức sống ở nước ta như hiện nay cũng hiếm người "với" tới. Một câu chuyện khác cũng quan trọng không kém là cả 4 DN (trước là 5 DN, nhưng EVN Telecom đã sáp nhập vào Viettel) đã cam kết đầu tư hơn 33.000 tỷ đồng (tương đương gần 2 tỷ USD thời điểm giữa năm 2009) thiết lập mạng 3G, là con số không nhỏ, trong đó trừ Hanoi Telecom (quản lý mạng Vietnamobile) là cổ phần với đối tác nước ngoài, còn lại đều là DN nhà nước, nên nếu không tính kỹ về thời điểm chuyển công nghệ mới, sẽ gây thiệt hại cho DN nhà nước rồi cuối cùng là người dân chịu thiệt.
Tạm gác câu chuyện về thời điểm triển khai 4G, từ thực tế các nhà mạng đang cung cấp 3G hiện nay cũng có nhiều chuyện đáng bàn, có thể coi đó là một trong những kinh nghiệm để xây dựng mạng 4G. Sau hơn 3 năm nhà mạng xây dựng mạng 3G, từ các số liệu cho thấy cả nước có 12,8 triệu thuê bao, song việc kinh doanh từ dịch vụ này vẫn chưa đem lại hiệu quả cao. Hiện, người sử dụng 3G chủ yếu là đọc báo, tìm thông tin sau khi các DN lần lượt đưa ra gói cước internet cho di động siêu rẻ chỉ 40.000 đồng/tháng; doanh thu chủ yếu của nhà mạng vẫn là thoại. Tại cuộc tọa đàm về triển vọng viễn thông năm 2012 được tổ chức vào cuối năm 2011, ý kiến của các chuyên gia đã chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến nhà mạng chưa hút được thuê bao 3G là do nội dung chạy trên nền 3G còn nghèo, không hấp dẫn. Đề cập tới vấn đề này, lại không thể không nhắc tới mối quan hệ thiếu êm ấm giữa nhà mạng và CPs này vì họ từng không ít lần "tố" nhau do mâu thuẫn ăn chia không đều khi CPs tố cáo nhà mạng "bắt chẹt" khi đòi tỷ lệ được hưởng tới 60-70%... Về vấn đề này, đại diện Tập đoàn Viettel từng phát biểu đại ý rằng, sở dĩ có chuyện này các nhà mạng đòi tỷ lệ cao là do các CPs chỉ đưa ra những nội dung đơn giản như quảng cáo bằng tin nhắn và thực tế các nhà mạng có thể tự làm được, trong khi lẽ ra họ phải làm ra được những dịch vụ giá trị gia tăng mà các nhà mạng không thể tự làm được. Vị lãnh đạo này còn nhấn mạnh, nếu CPs làm được các dịch vụ nội dung tốt, hấp dẫn khi đó họ yêu cầu đòi tỷ lệ được hưởng tới 90% thì nhà mạng cũng phải chấp nhận... Nhưng ý kiến của đại diện các DN nội dung lại cho rằng, các CPs trong nước cũng có cái khó đó là thách thức về nạn sao chép bản quyền phổ biến trên internet mà chưa kiểm soát được, vì chỉ khi sản phẩm ra đời, cả cộng đồng có thể sao chép một cách dễ dàng… Mỗi bên (cả nhà mạng và CPs) đều có lý do và cái khó, chỉ biết rằng khi nào các thuê bao 3G được cung cấp các dịch vụ nội dung hấp dẫn khi đó người sử dụng thuê bao 3G mới phát triển và mới đem lại nguồn thu quan trọng cho DN. Như thế có thể thấy rằng, việc triển khai 4G ở nước ta xem ra vẫn còn phải đợi dài dài…