Huyện Gia Lâm:Làm đâu chắc đó

Xã hội - Ngày đăng : 07:13, 24/02/2012

(HNM) - Gia Lâm là huyện có nhiều lợi thế về kết cấu hạ tầng và tốc độ tăng trưởng kinh tế nông thôn (đạt bình quân 11,3%/năm). Tuy nhiên, để tăng tốc xây dựng NTM, Gia Lâm đã xác định mấu chốt cần tập trung trong những năm tới là giảm dần sự chênh lệch thu nhập giữa nông thôn và thành thị, giảm tỷ lệ hộ nghèo và khắc phục ô nhiễm môi trường...

Đột phá từ giao thông nông thôn

Huyện Gia Lâm chọn Đa Tốn là xã điểm xây dựng NTM. Chủ tịch UBND xã Đa Tốn Trần Đức Điền cho biết, xác định rõ để phát triển KT-XH, xây dựng NTM thì giao thông phải đi trước một bước nên Đa Tốn đã tập trung ưu tiên nguồn lực thực hiện tiêu chí quy hoạch, đồng thời tuyên truyền, vận động nhân dân góp công sức, tiền của cùng tham gia. Trước đây, hệ thống đường giao thông ở Đa Tốn xuống cấp nghiêm trọng khiến việc đi lại, giao lưu, vận chuyển hàng hóa nông sản rất khó khăn. Toàn xã có 5,17km đường trục thôn, liên thôn thì còn tới 3,66km đường đất, đá cấp phối; 5/5km đường liên xã xuống cấp nghiêm trọng... Triển khai xây dựng NTM, tất cả các tuyến đường được đưa vào kế hoạch cải tạo, nâng cấp và xây mới theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm. Hiện, xã Đa Tốn đang triển khai 3 dự án giao thông với tổng chiều dài hơn 4km, kinh phí 12,8 tỷ đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 50%, phần còn lại do nhân dân đóng góp. Ngoài ra, để nâng cao thu nhập cho người dân, UBND xã Đa Tốn tập trung chỉ đạo dồn điền đổi thửa, triển khai hỗ trợ các dự án sản xuất lúa chất lượng cao, đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; hỗ trợ chăn nuôi xa khu dân cư, nuôi lợn hướng nạc cho người dân. Đến nay, sau hơn 1 năm triển khai, Đa Tốn đã có 14 tiêu chí đạt và cơ bản đạt, còn 5 tiêu chí chưa đạt gồm: quy hoạch, thủy lợi, môi trường, chợ nông thôn, cơ cấu lao động.


Chăm sóc rau an toàn tại xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm.Ảnh: Phương An

Tiến độ triển khai xây dựng NTM giai đoạn 1 tại 12 xã đang được Gia Lâm tập trung đẩy nhanh. Đến nay, 100% các xã đã phê duyệt đề án xây dựng NTM; phê duyệt quy hoạch và đang triển khai các bước theo đề án đã đề ra như lập các dự án đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng KT-XH. Trong đó, Ban chỉ đạo huyện định hướng cho các xã tập trung nguồn lực thực hiện quy hoạch sản xuất. Đến thời điểm này Gia Lâm đã phê duyệt 172 phương án chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi với tổng diện tích 460,33ha. Trên cơ sở đó đã hình thành nhiều mô hình sản xuất tập trung, hiệu quả như kết hợp trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản ở Đa Tốn 36,95ha; trồng ổi ở Đông Dư 53ha; mô hình trồng cây giống, cây ăn quả ở Trâu Quỳ, Đa Tốn 16,7ha...

Năm quy hoạch và dồn điền đổi thửa

Huyện Gia Lâm đặt mục tiêu đến năm 2015, có 65% số xã đạt các tiêu chí NTM và 100% số xã đạt chuẩn NTM vào năm 2020. Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Gia Lâm Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng vẫn còn nhiều hạn chế như công tác tuyên truyền chưa đi vào chiều sâu; nhận thức của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân về xây dựng NTM chưa rõ; một số xã chưa tập trung, quyết liệt trong chỉ đạo nên việc triển khai lúng túng, bị động... Cũng theo tìm hiểu của PV tại các xã ở Gia Lâm, một vấn đề nữa đang gây cản trở tiến độ xây dựng NTM tại Gia Lâm là cơ chế triển khai xây dựng NTM chưa đồng bộ, thiếu hướng dẫn cụ thể của các sở, ngành liên quan. Điều đó gây khó khăn không chỉ cho các xã mà ngay cả huyện cũng rất lúng túng. Ví dụ như việc thực hiện nhiệm vụ quy hoạch. Theo quy hoạch N9, N11 (quy hoạch phân khu đô thị) của huyện có 7 xã nằm trong khu đô thị, nhưng đến nay quy hoạch vẫn chưa công bố nên việc thực hiện nhiệm vụ này ở các xã phải... chờ. Hơn nữa, mới đây có sự thay đổi hướng dẫn trong việc quy hoạch điểm dân cư nông thôn cũng ảnh hưởng đến việc lập quy hoạch ở các địa phương.

Trước mắt, để kịp tiến độ đã đề ra, năm 2012 huyện xác định là năm quy hoạch và dồn điền đổi thửa. Huyện đang tập trung chỉ đạo các xã khẩn trương làm công tác quy hoạch, phấn đấu đến hết quý II-2012 hoàn thành quy hoạch ở 12/12 xã giai đoạn 1; đồng thời xây dựng đề án, kế hoạch dồn điền đổi thửa quy mô toàn huyện. Huyện cũng chỉ đạo các xã tập trung làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục đích, ý nghĩa xây dựng NTM để huy động toàn dân, các doanh nghiệp góp sức để chương trình xây dựng NTM sớm về đích.

Thu Hằng