Tạo hình ảnh đẹp cho du lịch Việt
Du lịch - Ngày đăng : 07:09, 24/02/2012
Để lấy lại lòng tin, tạo hình ảnh đẹp cho du lịch Việt chỉ có cách duy nhất là nhìn lại mình, sửa chữa những khiếm khuyết.
Hồi chuông báo động
Từ lâu, nạn "chặt chém", đeo bám, chèo kéo du khách đã là chuyện thường ngày ở các điểm du lịch, nhất là vào dịp cao điểm như lễ, Tết, nghỉ hè, mùa lễ hội đầu năm, khi lượng khách trong và ngoài nước tăng vọt. Mùa lễ hội năm nay cũng không phải là ngoại lệ. "Muôn hình, vạn trạng" cách thức "chặt chém" đã được người dân bản địa tung ra khiến du khách tá hỏa.
Một người bán hàng rong quấy rầy khách nước ngoài. Ảnh: Trường Trung |
Dù đã có nhiều năm kinh nghiệm đối phó với các kiểu "chém đẹp" ở chợ Viềng - phiên chợ chỉ họp mỗi năm một lần vào ngày mùng 8 Tết nhưng anh Nguyễn Huy Hoàng (ở Việt Hưng - Long Biên) vẫn không khỏi bất ngờ với chiêu "móc túi" tài tình của các hàng ăn nơi đây. Anh kể, đã cẩn thận mặc cả trước 35.000 đồng một bát phở bò nhưng lúc thanh toán cho 6 người chủ quán vẫn thét 300.000 đồng. Đôi co một lúc thì được biết, ngoài tiền phở, quán hàng còn thu thêm tiền chỗ ngồi, tiền khăn ăn, tiền gia vị chanh ớt, tiền dọn dẹp vệ sinh… Dịch vụ kiếm lời không kém trong phiên chợ này chính là những điểm trông xe tự phát với giá vé xe máy là 20.000 đồng, ô tô từ 70.000 đến 150.000 đồng. Còn đi xe ôm, chỉ một đoạn đường chưa đầy 3km từ ngã ba Phủ Dầy vào chợ, du khách cũng phải trả từ 30.000 đến 50.000 đồng.
Không chỉ các điểm dịch vụ tự phát mà ngay nhiều khách sạn tư nhân cũng có kiểu tăng giá vô tội vạ vào những dịp lễ, Tết. Một hướng dẫn viên chuyên tour Hạ Long (Quảng Ninh) bức xúc: cứ mỗi lần diễn ra lễ hội du lịch Hạ Long, giá phòng khách sạn, nhà nghỉ không chỉ bị "thổi lên" rất cao mà còn tăng theo từng giờ. "Tôi đã tận mắt chứng kiến một cặp vợ chồng vừa lắc đầu ra khỏi một khách sạn nhỏ vì không thể thuê phòng bình dân với giá 600.000 đồng/ngày nhưng chỉ 2 tiếng sau họ phải chấp nhận trả 800.000 đồng cho chính căn phòng đó", người hướng dẫn viên này dẫn chứng.
Nạn "chặt chém" đã tồn tại khá lâu, trở thành rào cản cho sự phát triển của ngành du lịch và cả du khách, các nhà quản lý ngành lẫn chính quyền địa phương. Thế nhưng phải đến khi Matt Kepnes viết trên blogg rằng: "Tại sao tôi không bao giờ trở lại Việt Nam?", trong đó kể về nạn "chặt chém", chèo kéo du khách nước ngoài trong một chuyến hành trình tới Việt Nam và bài viết được đăng trên tờ báo điện tử hàng đầu của Mỹ Huffington Post thì những người làm du lịch mới thấy chói tai. Thật buồn khi Matt Kepnes mở đầu bài viết: "Đến Đông Nam Á, mọi người thường hỏi tôi rằng "Bạn sẽ đi đâu?" và tôi nói "Khắp mọi nơi"… ngoại trừ Việt Nam". Sau đó là những điều anh kể ra trong chuyến du lịch ở Hạ Long, Hội An, Nha Trang, TP Hồ Chí Minh và cho rằng: "Không ai muốn quay trở về một nơi mà họ cảm thấy bị đối xử kém. Khi tôi ở Việt Nam, tôi liên tục cảm thấy mệt mỏi, bị lừa gạt, tôi cảm thấy mình không được chào đón"…
"Đãi khách" bằng sự thân thiện…
Mảnh đất "hình chữ S" luôn tự hào với nhiều danh lam thắng cảnh nổi tiếng, nhiều di sản văn hóa, thiên nhiên được thế giới công nhận. Chúng ta luôn hãnh diện vì được du khách quốc tế biết đến là điểm đến an toàn, hấp dẫn, thân thiện và mến khách. Có lẽ vì "ngủ quên" trên niềm tự hào, chỉ nhăm nhăm gặt hái theo kiểu mùa vụ mà chưa chú trọng đến việc nâng tầm chất lượng điểm đến, đồng thời biến tiềm năng đó thành thế mạnh đã khiến ngành du lịch phải trả giá và hậu quả là số du khách nước ngoài quay lại nước ta còn quá thấp. Câu chuyện của Matt là dịp để chúng ta nhìn lại mình.
Đại diện một doanh nghiệp lữ hành đã đưa ra một hình ảnh ví von rất đáng để suy ngẫm: Chúng ta đang bỏ ra rất nhiều công sức và tiền của để quảng bá, xúc tiến du lịch nhằm mời gọi khách đến nhà. Thế nhưng khi khách đến thì nhà cửa bề bộn, môi trường nhân văn và sinh thái chưa thật sự "trong lành". Bởi thế không chỉ Matt mà nhiều du khách không muốn trở lại. Khi sự tò mò về một cái lạ qua đi, điều kéo người ta trở lại chính là sự thân thiện, văn hóa, hiếu khách của con người trong tiếp đãi. Có lẽ, không một ngành kinh tế nào được xã hội hóa mạnh như du lịch, nhưng lâu nay người ta tham gia vào ngành công nghiệp này mà không được đào tạo, không được cung cấp những kỹ năng cũng như được trang bị kiến thức cần có của người làm du lịch. Cách hiểu rất đơn giản là bán được càng nhiều hàng càng tốt chứ đâu biết được rằng, làm du lịch giống với việc tiếp khách. Chỉ một sự phật ý nhỏ có thể khiến khách không muốn đến nhà mình.
Dưới góc độ của nhà quản lý, ông Nguyễn Mạnh Cường, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch thẳng thắn nhìn nhận, thực trạng "chặt chém", chèo kéo, đeo bám… như những "con sâu" đang làm xấu đi hình ảnh du lịch Việt Nam dưới con mắt du khách nước ngoài. Chúng ta mới chỉ làm du lịch theo kiểu quảng bá những thứ mình có chứ chưa quan tâm đến cái du khách cần. Chính vì vậy, hàng loạt vấn đề như "loạn giá", kinh doanh chụp giật, chất lượng dịch vụ kém… đã khiến du khách "một đi không trở lại". Giải pháp nào để giải quyết triệt để nạn "chặt chém" sẽ được bàn trong hội thảo diễn ra hôm nay 24-2. Hy vọng, những gì rút ra từ hội thảo này sẽ được đưa vào cuộc sống để thuyết phục Matt quay trở lại và các du khách sẽ tiếp tục chọn Việt Nam làm điểm đến.