Cấp bách phòng chống dịch cúm gia cầm

Xã hội - Ngày đăng : 07:02, 24/02/2012

(HNM) - Chiều 23-2, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị trực tuyến về dịch cúm gia cầm (DCGC) với 63 tỉnh thành trong cả nước. Từ tháng 1 đến thời điểm này DCGC đã xảy ra ở 36 xã, phường của 29 quận, huyện thuộc 12 tỉnh thành.


Tiêm vắc xin là biện pháp hữu hiệu trong công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Ảnh: Khánh Nguyên


Tổng số gia cầm mắc bệnh, chết và tiêu hủy là 51.983 con trong đó gà 5.058 con chiếm 9,7%; vịt là 46.399 con chiếm 89,3%; ngan là 526 con chiếm 1%. Hiện còn 10 tỉnh có DCGC là Hải Phòng, Bắc Giang, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Quảng Nam, Quảng Trị, Hà Nam, Hải Dương, Thái Nguyên và Bắc Ninh. Hiện nay do chưa có vắc xin phù hợp để tiêm phòng chủng vi rút cúm đã biến đổi nhưng vắc xin H5N1 Re-1 vẫn có hiệu quả đối với nhánh vi rút 1 và 2.3.4 nhưng đối với nhánh vi rút 2.3.2.1A thì hiệu quả không cao khoảng 80% nếu tiêm mũi 1; đối với nhánh 2.3.2.1B kể cả khi tiêm 2 mũi vắc xin thì tỷ lệ bảo hộ chỉ đạt 50%. Còn đối với vắc xin H5N1 Re-5 nếu tiêm mũi 1 thì tỷ lệ bảo hộ đạt 70% với nhánh vi rút 2.3.2-A và không có tác dụng với nhánh vi rút mới 2.3.2.B mà chủ yếu lưu hành tại miền Bắc, Trung và Tây Nguyên, nên dịch bệnh vẫn có khả năng bùng phát mạnh.

Sau khi nghe các tỉnh, thành báo cáo tình hình, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Diệp Kỉnh Tần yêu cầu, thời gian tới các địa phương phải ưu tiên tập trung cao độ cho công tác phòng chống dịch bệnh. Chính quyền địa phương và các ban, ngành cần quán triệt phương châm: chủ động, phát hiện sớm ổ dịch, xử lý dịch quyết liệt và bao vây, giám sát chặt ổ dịch. Khuyến cáo người dân không được mang gia cầm ở chợ về nuôi chung với đàn gia cầm của gia đình. Tăng cường giám sát phát hiện sớm khi có dịch xảy ra phải tiêu hủy toàn bộ số gia cầm nhiễm bệnh, sau đó lấy mẫu gửi lên cơ quan thú y vùng xác định chủng vi rút gây bệnh là nhánh nào để tiêm phòng hiệu quả, tránh lãng phí vắc xin.

Quỳnh Dung