Dễ quản lý, khó thực thi
Giáo dục - Ngày đăng : 07:47, 23/02/2012
Dễ quản lý hơn…
So với quy định hiện hành ban hành năm 2007 thì bản dự thảo vừa hoàn thành được nhiều cán bộ quản lý trường học đánh giá là đã được điều chỉnh và bổ sung nhiều điều khoản chặt chẽ và hợp lý hơn. Rõ nhất là vai trò, trách nhiệm của hiệu trưởng nhà trường có phần được điều chỉnh theo hướng bớt áp lực. Theo quy định hiện hành thì hiệu trưởng phải chịu trách nhiệm "kiểm tra hoạt động DTHT trong nhà trường và ngoài nhà trường của giáo viên (GV), cán bộ, nhân viên do trường mình quản lý". Thực tế thời gian qua cho thấy, đây dường như là nhiệm vụ bất khả thi, nhất là đối với hoạt động dạy thêm ngoài nhà trường. Lý do bởi mỗi trường, dù nhỏ cũng cũng có dăm bảy chục GV, lớn thì đến cả hơn trăm người, hiệu trưởng dù nghiêm khắc, năng nổ đến mấy cũng khó "vươn tay" tới mọi nhà GV hay nơi họ thuê để dạy thêm.
Với học sinh tiểu học, việc học thêm chỉ áp dụng với một số trường hợp và không được quá 2 buổi/tuần. Ảnh: Đăng Khoa |
Với dự thảo mới, quyền quản lý việc dạy thêm của GV đã được chuyển giao cho địa phương và được kỳ vọng là một giải pháp hữu hiệu, hợp lý để tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với hoạt động DTHT. Bởi lẽ, dù GV có dạy thêm ở nhà hoặc tham gia dạy ở bất cứ nơi nào thì chính quyền sở tại nơi đó khó thể nói rằng không biết và dễ bề có căn cứ để "hỏi thăm" khi cần thiết.
Điểm khác biệt lớn trong dự thảo quy chế lần này của Bộ GD-ĐT với văn bản hiện hành là dành hẳn một chương quy định các điều kiện được cấp phép tổ chức DTHT. Cụ thể như đối với người dạy thêm thì ngoài yếu tố sức khỏe, không trong thời gian bị kỷ luật… còn phải đạt trình độ chuẩn được đào tạo trở lên đối với từng cấp học và phải hoàn thành các nhiệm vụ được giao tại nơi công tác. Các yêu cầu cụ thể về điều kiện cơ sở vật chất đối với các địa điểm phục vụ DTHT cũng lần đầu được đặt ra như phải xa những nơi phát sinh các hơi khí độc hại, khói, bụi, tiếng ồn, ở xa trục đường giao thông lớn; phòng học có diện tích trung bình từ 1,1m2/HS; có bảng chống lóa, có công trình vệ sinh, có nơi chứa rác thải; kích thước bàn ghế và cách bố trí phải đạt yêu cầu theo quy định…
… vẫn thiếu khả thi
Tìm hiểu thực tế tại các nhà trường thì thấy, quy định "không DTHT đối với HS được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày" như trong dự thảo là điều khó thực thi. Hà Nội hiện có tới 90% HS tiểu học và khoảng 40% HS THCS học 2 buổi/ngày. Đáng chú ý là những trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày hầu hết đều nằm ở địa bàn thuận lợi, phụ huynh có điều kiện kinh tế. Đây cũng chính là nơi tập trung nhiều lớp DTHT. Khó cấp quản lý nào có thể kiểm đếm được xem trong lớp học thêm đó có những HS nào đang được dạy học 2 buổi/ngày ở trường, những em nào chỉ học 1 buổi/ngày. Chưa kể, những lớp học thêm này thường được tổ chức ở nhà cô giáo, nhà HS hoặc một địa điểm nào đó do cô giáo hoặc phụ huynh thuê… vào những ngày nghỉ và buổi tối.
Quy định "GV thuộc các cơ sở giáo dục phổ thông và các cơ sở giáo dục khác đang hưởng lương từ quỹ lương của đơn vị sự nghiệp công lập không được đứng ra tổ chức hoặc tham gia tổ chức DTHT ngoài nhà trường" tại dự thảo cũng là nội dung được bàn luận. Bởi lâu nay, có thể thầy, cô giáo tự mở và dạy 1-2 lớp, hoặc do phụ huynh tổ chức, nay theo dự thảo sẽ phải có người khác tổ chức lớp DTHT để GV dạy và như điều 9 (về điều kiện của người đứng ra tổ chức DTHT), thì chỉ có GV ngoài biên chế, hưu trí, thôi việc… người có đủ điều kiện trình độ nhưng không có việc làm mới có thể là người tổ chức hoạt động DTHT. Có vẻ như quy định này sẽ "khai sinh" một loại dịch vụ mới: Tổ chức lớp DTHT ngoài trường học cho HS tiểu học, THCS, tương tự các trung tâm luyện thi đối với học sinh chuẩn bị thi ĐH?
Quy định "chỉ được thu tiền phục vụ trực tiếp cho DTHT" của dự thảo cũng dễ gây nhiều cách hiểu khác nhau. Khái niệm này nên được làm rõ để tránh tình trạng nhập nhèm trong khâu thu chi - vấn đề nhạy cảm luôn thu hút sự chú ý của dư luận. Với DTHT trong nhà trường, mức thu tiền học thêm được quy định là "thỏa thuận giữa cha mẹ HS với cơ sở giáo dục" là nội dung được cho là chưa rõ ràng. Những người đảm nhận nhiệm vụ thỏa thuận với cơ sở giáo dục là ban đại diện cha mẹ HS của trường, của lớp hay là đại diện cha mẹ HS có con em đăng ký học thêm? Theo ý kiến của nhiều phụ huynh, việc xây dựng và công bố chi tiết dự kiến hạch toán thu chi của cơ sở giáo dục để làm căn cứ cho việc thỏa thuận mức thu với phụ huynh là điều cần thiết, thể hiện tính công khai, minh bạch để dễ cho công tác quản lý và góp phần kiểm soát tình trạng phải đóng tiền học thêm "tự nguyện" một cách khá phổ biến hiện nay.