Bài 2: Ùn tắc giảm, bất tiện tăng?

Giới trẻ - Ngày đăng : 07:11, 23/02/2012

(HNM) - Sáng 22-2, sau đúng một tuần thực hiện Quyết định số 796/UBND-GT của UBND TP về việc rút giấy phép trông giữ phương tiện trên 262 tuyến phố Thủ đô, chúng tôi có mặt tại nhiều điểm phải thực hiện quyết định này.

Điều đáng ghi nhận là, hầu hết các điểm trông giữ xe trên những tuyến phố bị thu hồi giấy phép này đã chấp hành nghiêm và đường đã thông, hè đã thoáng hơn. Một số nơi vốn là điểm nóng về tắc đường, ùn ứ giao thông như phố Triệu Quốc Đạt, Phủ Doãn, Đinh Lễ, Nguyễn Xí... giờ đã phong quang hơn nhiều.

Hiệu quả rõ rệt

Chia sẻ về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng phòng Hành chính, Bệnh viện Việt - Đức cho rằng, trước đây tình trạng ùn tắc giao thông trên đoạn phố Phủ Doãn chưa đầy 2km xảy ra hàng ngày, hàng giờ, bởi người bệnh thì ít mà người nhà thì nhiều nên lượng xe được gửi ở các điểm trông giữ bên ngoài lên đến vài nghìn lượt ngày. Cũng chính vì người ra người vào nhiều, lưu lượng xe lớn nên đã gây tình trạng náo loạn tại khu vực này. Thế nhưng, từ khi thực hiện quyết định của thành phố, tình hình trên phố Phủ Doãn đã được cải thiện đáng kể, không còn cảnh ùn tắc giao thông như trước nữa.

Địa điểm trông xe trước cổng Bệnh viện Việt - Đức luôn hết chỗ để gửi xe.


Trong số 9 quận nội thành thực hiện lệnh này, quận Hoàn Kiếm đang trở thành điểm nóng với 76 tuyến phố cấm trông giữ xe (chiếm tới 50% số tuyến phố trên địa bàn), trong đó có tới 57 tuyến cấm toàn bộ. Ông Trương Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị quận Hoàn Kiếm đánh giá, về cơ bản các đơn vị, tổ chức đều nghiêm túc chấp hành theo chỉ đạo của UBND TP và nhiều người dân đồng tình vì bộ mặt phố phường sạch sẽ, ngăn nắp hơn.

Tại tuyến phố Bà Triệu (quận Hai Bà Trưng), khu vực Bệnh viện Mắt TƯ, từ ngày có "lệnh cấm", khuôn viên bệnh viện đã được tận dụng tối đa. Ghế đá, cây cảnh được xếp gọn lại dành chỗ cho xe. Tuy nhiên, do chẳng được bao nhiêu nên nhiều xe vẫn phải gửi nhờ sang Bệnh viện Y học cổ truyền (phố Nguyễn Bỉnh Khiêm). Nhiều cửa hàng bán quần áo, vải vóc ở các tuyến phố ngang xung quanh Bệnh viện Mắt TƯ đã thành điểm trông giữ xe tự phát. Tất nhiên, giá trông xe không thể đúng theo quy định của thành phố.

Bà Nguyễn Thị Lam, Phó Giám đốc Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội cho biết, thực hiện quyết định của thành phố, công ty đã dừng hoạt động 49 điểm trông giữ xe, chiếm khoảng 30% lượng bến bãi của công ty. Số bến bãi này có sức chứa khoảng 1.400 ô tô và 200 xe máy. Tương ứng với số này, công ty đã phải thực hiện thanh lý hợp đồng và hoàn trả lại tiền cho các chủ phương tiện đã có hợp đồng trông giữ xe ngày và đêm với công ty.

Bất cập mới nảy sinh

Ai cũng nhận thấy cái được ở các tuyến phố không còn trông giữ xe chính là lòng đường đã được trả lại cho phương tiện lưu thông, vỉa hè đã được trả lại cho người đi bộ. Song, đối với những người có nhu cầu giao dịch, đi lại trên các tuyến phố này lại đang gặp nhiều vấn đề. Anh Nguyễn Thanh Hải, ở phường Dịch Vọng, Cầu Giấy đi thăm người nhà ở Bệnh viện Việt - Đức than thở: "Anh nhìn xem, có mấy điểm trông giữ xe thì chỗ nào cũng giăng biển: Hết chỗ. Họ chỉ tôi đi lòng vòng hết Phủ Doãn lại sang Triệu Quốc Đạt rồi sang Hai Bà Trưng. Xa quá, cuối cùng tôi phải gửi vào quán cà phê với mức giá 10.000 đồng/lượt". Chính phóng viên Báo Hànộimới, khi vào làm việc với lãnh đạo Bệnh viện Việt - Đức cũng đã phải gửi xe máy tại một quán cà phê ven đường với giá 10.000 đồng/lượt.

Ông Nguyễn Hữu Tâm, Trưởng phòng Hành chính Bệnh viện Việt - Đức khẳng định, từ trước đến nay, bệnh viện đều không tổ chức trông giữ phương tiện. Hầu hết các điểm trông giữ xe khu vực bệnh viện thuộc quyền quản lý của UBND quận Hoàn Kiếm. Tới đây, khu nhà cao tầng của bệnh viện khi hoàn thành cũng chỉ đủ sức chứa phương tiện của khoảng 2.000 cán bộ, công nhân viên và học viên ở các tỉnh về học. Còn người thân của gần 1.000 bệnh nhân điều trị nội trú và người thân của gần 180.000 lượt người đến khám bệnh/năm đều phải tự lo chỗ gửi phương tiện. Bệnh viện không thể sắp xếp, bố trí chỗ để xe cho họ.

Ông Trương Minh Hải, Trưởng phòng Quản lý giao thông đô thị quận Hoàn Kiếm lo lắng, nếu tiếp tục thực hiện lệnh cấm này trên 76 tuyến phố mà không tổ chức điểm đỗ, điểm trông giữ xe được thì sẽ ảnh hưởng đến việc làm ăn của nhân dân.

Ngoài ra, theo phản ánh của nhân dân và chính lực lượng chức năng, trên nhiều tuyến phố thực hiện lệnh cấm trông giữ và dừng, đỗ xe vẫn còn những ô vạch trắng và hầu hết tuyến phố đều chưa có biển cấm đỗ. Thực tế này không chỉ khiến cho người dân không biết đường nào mà lần mà còn khiến lực lượng chức năng khó thực hiện nhiệm vụ. Ông Trần Đình Cương, Phó Trưởng CA quận Hai Bà Trưng phàn nàn về việc các lực lượng chức năng của quận thiếu phương tiện chuyên dụng để đưa các xe vi phạm về địa điểm tập kết. Có trường hợp vì chờ xe chuyên dụng đến quá lâu trong khi anh em phải làm việc ở các điểm khác, khi xe chuyên dụng đến thì không có người để thực hiện…

Vẫn còn vướng cơ chế

Từ người dân đến các nhà quản lý hay nhà khoa học đều nhận ra một thực tế rằng, Hà Nội đang thiếu nghiêm trọng các điểm phục vụ giao thông tĩnh. Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Nghiêm, nguyên Giám đốc Sở KH&ĐT, Kiến trúc sư trưởng TP Hà Nội, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Hà Nội, người đã có 20 năm giám sát và quản lý lĩnh vực này cho rằng, theo tiêu chuẩn quốc tế, các khu đô thị phải dành 20% quỹ đất cho giao thông, trong đó 3-4% diện tích phục vụ cho giao thông tĩnh. Tuy nhiên, thực tế quỹ đất dành cho giao thông lại không được bảo đảm. Khi tình hình ùn tắc giao thông ở Hà Nội trở nên nghiêm trọng, các nhà quy hoạch đã đề xuất nhiều giải pháp như hạn chế cấp mới đăng ký xe, mở đường… Nhưng các giải pháp tiến hành chậm và có nhiều vướng mắc khiến cho tình trạng ùn ứ giao thông ngày càng nghiêm trọng. Trong khi đó, một số công trình cao tầng khi thiết kế bắt buộc phải có đủ bãi đỗ xe dành cho các hộ dân và khách đến giao dịch, nhưng do thiếu giám sát của cơ quan chủ quản sau khi hoàn thành nên điểm đỗ xe đã bị chuyển mục đích khác khiến hệ thống giao thông tĩnh vốn đã thiếu càng thêm thiếu. Thậm chí, nhiều điểm đỗ xe ngầm trong các tòa nhà bị biến thành quán bar, nhà hàng, siêu thị hoặc cho thuê lại trong khi quy định của Bộ Xây dựng là cứ 200m2 sàn xây dựng thì phải có 25m2 chỗ đỗ xe, mỗi hộ dân phải có từ 1-1,5 chỗ đỗ xe. 

Cùng với việc dừng hoạt động 49 điểm trông giữ xe, Công ty Khai thác điểm đỗ Hà Nội đã phải cho gần 100 lao động nghỉ việc. Mặc dù thành phố đã giao triển khai xây dựng giàn thép 4 tầng thí điểm tại phố Trần Nhật Duật (quận Hoàn Kiếm) và Nguyễn Công Hoan (quận Ba Đình), nhưng dự kiến phải 4 tháng nữa mới hoàn thành. Sau đó, công ty sẽ xây dựng giàn thép tại Phùng Hưng và Lủ. Đồng thời, công ty vẫn đề xuất xây dựng thêm một số điểm trông giữ xe khác trên địa bàn thành phố. Song cho tới giờ, do vướng cơ chế và tài chính nên vẫn chưa thể thực hiện được.

Còn nhớ, ngày 15-2-2006, bãi đỗ xe sức chứa 100 ô tô, tầng ngầm 200 xe với thiết bị và công nghệ nâng hiện đại, đã được khởi công xây dựng tại Khu vui chơi giải trí, văn hóa thể thao Hoàng Cầu, quận Đống Đa do Công ty cổ phần Tân Hoàng Cầu đầu tư. Thế nhưng đã hơn 6 năm, dự án này vẫn chưa thể đi vào hoạt động khiến hệ thống giao thông tĩnh cho Hà Nội vẫn nan giải.

Ngọc Hải - Đức Trường