Hãy sát với thực tế đời sống
Chính trị - Ngày đăng : 07:10, 23/02/2012
Do đó, từ nay đến năm 2020, KHCN Thủ đô phải hướng đến gắn với phát triển kinh tế tri thức; chủ động phối hợp với các học viện, trường ĐH, trung tâm nghiên cứu trên địa bàn; coi trọng hợp tác quốc tế để đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao các thành tựu KHCN, phục vụ quá trình CNH, HĐH Thủ đô.
"Cầm vàng lại để vàng rơi"
Không ít nhà khoa học đã ví như vậy khi cho rằng, những năm qua, Hà Nội chưa phát huy tốt đội ngũ nhân lực KHCN đóng trên địa bàn. Cụ thể, hiện có hơn 80 trường ĐH, CĐ; hơn 113 cơ quan nghiên cứu KHCN. Thống kê sơ bộ cho thấy, số giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, tiến sĩ khoa học đang sinh sống, làm việc tại Hà Nội chiếm hơn 65% tổng số các nhà khoa học của cả nước. Hà Nội cũng tập trung tới 14/17 phòng thí nghiệm trọng điểm quốc gia và Khu công nghệ cao Hòa Lạc đang được khẩn trương xây dựng. Đây là nguồn lực mà các địa phương khác, ngay cả TP Hồ Chí Minh cũng không thể có được.
Để đóng góp vào tiến trình phát triển của Thủ đô, các hoạt động KHCN cần theo sát thực tế, gắn với phát triển kinh tế tri thức. Ảnh: Đình Na
Từ nhiều năm qua, quan điểm của TP là luôn coi các đơn vị KHCN trên địa bàn là thuộc Hà Nội. Hầu hết số thành viên của Hội đồng KHCN Thủ đô là thuộc các cơ quan nghiên cứu trung ương cho thấy điều đó. Tuy nhiên, trong quá trình vận dụng chính sách có nhiều hạn chế, nhất là cơ chế, chính sách và tài chính nên sự phối hợp giữa các bên chưa như mong muốn. Sự vào cuộc của các cơ quan nghiên cứu, trường ĐH thường chỉ tập trung vào một số cá nhân nhà khoa học trên cơ sở tham gia các đề tài nghiên cứu tuyển chọn "thời vụ" chứ chưa trên cơ sở hợp tác toàn diện giữa Hà Nội và các tổ chức đó. Những bài toán thời sự như: quy hoạch đô thị, giao thông, nguồn nhân lực, phát triển công nghệ cao… luôn luôn là thách thức không nhỏ đối với sự phát triển của Hà Nội nhưng những giải pháp đưa ra vẫn chưa hiệu quả và dấu ấn khoa học trong không ít quyết sách đó còn khá mơ hồ hoặc được khuyến cáo một đằng, làm một nẻo. Trong số các sản phẩm chiến lược của Hà Nội vẫn "vắng bóng" sản phẩm công nghệ cao. Hoạt động KHCN chưa gắn với chính sách phát triển của doanh nghiệp nên vai trò "đòn bẩy" chưa được phát huy… Điều này dẫn đến dấu ấn, sức lan tỏa của KHCN Thủ đô với các địa phương lân cận là không nhiều.
GS-TSKH Trần Vĩnh Diệu, thành viên Hội đồng Khoa học Thủ đô từng cho rằng, có khá nhiều vấn đề Hà Nội có thể đặt hàng các cơ quan nghiên cứu và quyết tâm thực hiện thì sẽ tạo hiệu ứng tốt.
Điều kiện "cần" và "đủ"
TS Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KHCN Hà Nội cho biết, cải cách thủ tục hành chính là một trong những giải pháp được đưa ra để nâng cao chất lượng hoạt động KHCN. Cụ thể là ấn định thời gian xét duyệt các đề tài, đổi mới cách tuyển chọn đề tài, dự án KHCN và hình thành 12 chương trình KHCN trọng điểm giai đoạn 2010-2015.
Bắt đầu từ năm 2009, sở đã công bố 30 bộ thủ tục hành chính, từ đó tập trung nghiên cứu cải tiến quy trình, hồ sơ, thủ tục quản lý nhằm bảo đảm yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả, quản lý, tránh đùn đẩy trách nhiệm. TP đã ban hành quy chế quản lý các chương trình, đề tài, dự án, đề án, phân công rõ nhiệm vụ của từng bộ phận khi quản lý các đề tài, dự án KHCN. Việc thực hiện quy trình quản lý mới đã nâng cao số lượng, chất lượng "đầu vào", rút ngắn thời gian xây dựng kế hoạch và thẩm định thuyết minh từ 9 tháng xuống còn 4 tháng. Cùng với đó, Hà Nội cũng đã mời các nhà khoa học, nhà quản lý của các bộ, ngành tham gia tư vấn "đầu vào" nhằm tránh sự trùng lặp với các đề tài đã thực hiện ở các cấp khác nhau. Hiện đã có 126 chuyên gia tham gia các ban chủ nhiệm chương trình KHCN cấp TP để thực hiện chức năng phản biện, tham gia quản lý đề tài, dự án và xây dựng kế hoạch KHCN hằng năm... Nhờ chặt chẽ trong khâu tuyển chọn nên số hồ sơ đăng ký đề tài, dự án mỗi năm khá nhiều, nhưng số được chọn lựa thực hiện chỉ khoảng 50%. Con số ấy hẳn nói lên nhiều điều...
Đáng lưu ý là từ năm 2010, hoạt động chuyển giao kết quả nghiên cứu đã có sự đổi mới đáng kể, theo hướng bàn giao cho các cơ quan, đơn vị trực tiếp có nhu cầu ứng dụng. Riêng năm 2011 có 54 đề tài, dự án thuộc 9 lĩnh vực được bàn giao cho 63 đầu mối, tăng 3 lần so với năm 2010. Đây là những đề tài, dự án được hội đồng nghiệm thu đánh giá cao và đặc biệt là nhiều ngành, nhiều lĩnh vực có thể sử dụng chung kết quả nghiên cứu. Tuy nhiên, việc áp dụng các kết quả nghiên cứu khoa học vào thực tiễn đạt khoảng 70% tổng số đề tài thực hiện là xét trên ý nghĩa tác dụng tổng thể chứ các giải pháp với ý nghĩa mới để giải quyết những vấn đề thực tiễn do các đề tài đề xuất thì chưa nhiều.
GS Trần Đình Long (Chủ nhiệm chương trình KHCN về phát triển nông nghiệp) cho biết: Hà Nội đã có nhiều nỗ lực trong đổi mới cơ chế quản lý KHCN, nhưng đây mới chỉ là điều kiện "cần" mà thiếu yếu tố "đủ". Cụ thể là quy định hiện hành không cho phép chủ nhiệm đề tài được tự chủ trong chi tiêu. Hoặc như đã thành "lệ", nhà khoa học cứ dự toán kinh phí là con số A thì bên tài chính lại "xén" bớt thành số B trong khi vẫn giữ nguyên nhiệm vụ nghiên cứu... Đó chính là câu chuyện chung về hoạt động KHCN của Hà Nội nói riêng và cả nước nói chung, trong đó vấn đề tài chính cho KHCN vốn còn nhiều bất cập.
Bắt đầu từ sự thay đổi trong tư duy
Nhiều năm qua, Hà Nội là một trong số không nhiều địa phương luôn bố trí đủ 2% ngân sách cho hoạt động KHCN nhưng vì nhiều lý do, số tiền này luôn không sử dụng hết. Đây là một thực tế "ngược" trong khi hệ thống các cơ sở nghiên cứu của Hà Nội chưa theo kịp tình hình phát triển của Thủ đô. TP chưa có cơ sở thí nghiệm hiện đại, đầy đủ phương tiện để giải quyết các vấn đề bức xúc như ô nhiễm nguồn nước, đất, gây ảnh hưởng tới tình hình sản xuất của nhân dân như một số vụ việc xảy ra gần đây. Mối liên kết giữa cơ sở nghiên cứu và DN sản xuất chưa được củng cố nên cán bộ khoa học tại các DN còn quá ít. Nếu không có sự thay đổi trong tư duy thì hy vọng có những đột phá.
Còn nhớ, cách đây vài năm, khi làm việc với lãnh đạo Hà Nội, nguyên Bộ trưởng Bộ KHCN Hoàng Văn Phong từng nói, một trong những vấn đề Hà Nội và Bộ có thể làm ngay là cùng nhau đẩy mạnh hoạt động ươm tạo công nghệ, ươm tạo DN ngay từ trường ĐH. Ông Phong đề xuất: Hà Nội có thể hỗ trợ ban đầu về địa điểm làm việc và hơn bao giờ hết, TP nên quan tâm xây dựng đội ngũ nhà khoa học trẻ có tinh thần DN. Mỗi năm, từ các nhóm nghiên cứu của các trường ĐH có vài chục DN trở lên ra đời thì chỉ sau vài năm, Hà Nội có thể có một lớp DN trẻ mạnh về tri thức, công nghệ. Nhưng có lẽ, sau hai nhiệm kỳ Bộ trưởng, đây vẫn là câu hỏi lớn với ông trên cương vị mới là Chủ tịch Hội đồng Chính sách KHCN quốc gia.
TS Trần Việt Hùng (Liên hiệp Các hội KHKT Việt Nam) cho rằng, TP nên sớm hình thành quỹ phát triển KHCN để bất cứ khi nào có đề tài, dự án tốt có thể hỗ trợ, thay vì phụ thuộc vào kế hoạch năm. Như vậy, hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ không mang tính "thời vụ", mà theo nhu cầu sáng tạo của nhà khoa học và nhu cầu của DN.
Làm thế nào để TP thu hút hết nguồn "tài nguyên chất xám'' là trí tuệ của giới khoa học rõ ràng lại phải bắt đầu từ cơ chế để không rơi vào cảnh "gần nhà, xa ngõ" như nhiều người nhận xét. "Hãy sát với thực tế đời sống" là mệnh lệnh đồng thời cũng là thước đo cho sự đóng góp của hoạt động KHCN đối với sự phát triển bền vững của Thủ đô những năm sắp tới.