Nỗ lực phòng, chống tội phạm mua bán người

Đời sống - Ngày đăng : 06:58, 23/02/2012

(HNM) - Từ ngày 14 đến 16-2, tại Hà Nội đã diễn ra Hội nghị các nước Tiểu vùng sông Mekong về phòng, chống mua bán người, đánh dấu quá trình Việt Nam tích cực tham gia hợp tác quốc tế trên lĩnh vực này


Theo Đại tá Lê Văn Chương, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Phòng, chống tội phạm và ma túy - Bộ CA, tội phạm mua bán người ở Việt Nam còn diễn biến phức tạp, tiềm ẩn còn lớn và xu hướng hoạt động xuyên quốc gia, có yếu tố nước ngoài đang gia tăng. Hiện, tội phạm mua bán người đã xảy ra ở hầu hết các tỉnh, TP, tập trung chủ yếu tại các tỉnh biên giới, trong đó khu vực biên giới Việt - Trung chiếm đến 65% số vụ, Việt Nam - Campuchia chiếm 11% số vụ, Việt Nam - Lào chiếm 6% số vụ, còn lại là các vụ việc có tính chất nội địa và qua đường hàng không... Nạn nhân của tội phạm chủ yếu là phụ nữ, trẻ em (hơn 80%) nhưng cũng đã xuất hiện cả những vụ mua bán đàn ông, mua trẻ sơ sinh, trẻ trong bào thai, mua bán nội tạng, đẻ thuê... Tính chung từ năm 2005 đến 2011, cả nước xảy ra hơn 2.550 vụ, với hơn 5.700 nạn nhân. Riêng năm 2011, cả nước phát hiện 454 vụ việc mua bán người với 821 nạn nhân, tăng 5,8% số vụ so với năm 2010.
Qua các vụ án đã được cơ quan chức năng khám phá, CA khẳng định, đối tượng phạm tội mua bán người chủ yếu là bọn lưu manh chuyên nghiệp, có tiền án, tiền sự. Song, bên cạnh đó cũng có không ít đối tượng người nước ngoài, lợi dụng chính sách mở cửa, hội nhập của Việt Nam để nhập cảnh, cấu kết với một số đối tượng "cò mồi" trong nước, dần hình thành đường dây mua bán người xuyên quốc gia. Nạn nhân của chúng đa số có trình độ nhận thức thấp, hoàn cảnh kinh tế khó khăn hoặc éo le nhưng cũng đáng buồn là còn không ít nạn nhân rơi vào tay bọn buôn người do hư hỏng, ăn chơi, đua đòi trác táng...

Bên cạnh những yếu tố khách quan, cơ quan chức năng cũng thẳng thắn chỉ ra những nguyên nhân chủ quan đáng lo ngại. Đó là việc xem nhẹ giáo dục đạo đức và truyền thống văn hóa dân tộc, ở phạm vi gia đình cũng như toàn xã hội, làm cho một bộ phận dân cư bị cuốn vào vòng xoáy của vật chất, xem thường đạo lý. Công tác quản lý còn nhiều sơ hở, buông lỏng...

Cam kết dài lâu


Đánh giá đúng những tác động nguy hiểm của tội phạm mua, bán người, Chính phủ Việt Nam đã sớm có những chủ trương lớn để ứng phó. Trước tiên là việc chú trọng xây dựng những chính sách, hành lang pháp luật cho công tác phòng, chống, đấu tranh trấn áp loại tội phạm này. Qua rà soát, những năm qua, các cơ quan chức năng đã kiến nghị Quốc hội, Chính phủ sửa đổi, bổ sung 16 văn bản và xây dựng mới 11 văn bản liên quan. Bước đi nổi bật nhất trong mặt công tác này là việc Luật Phòng, chống mua bán người được thông qua và bắt đầu có hiệu lực từ tháng 1-2012.

Song song đó, thời gian qua, công tác truyền thông đã được triển khai trên địa bàn cả nước, tập trung ở 104 xã điểm thuộc 27 tỉnh, TP, với nhiều hình thức khá phong phú. Hiểu rõ tầm quan trọng của hợp tác quốc tế, Việt Nam đã sớm phối hợp với các nước láng giềng trong Tiểu vùng sông Mekong và tham gia các tổ chức quốc tế liên quan.

Việt Nam cũng đã ký kết các hiệp định song phương với Campuchia (2005), Thái Lan (2008), Trung Quốc (2010), Lào (2010) về phòng, chống mua bán người và bảo vệ nạn nhân. Trong 6 năm gần đây, CA, Bộ đội Biên phòng đã điều tra, khám phá 2.214 vụ (đạt tỷ lệ 85,42%), bắt hơn 3.500 đối tượng, giải cứu gần 2.000 nạn nhân và tiếp nhận gần 5.000 nạn nhân khác. Các địa phương đạt kết quả khá là Lạng Sơn, Lào Cai, Quảng Ninh, Hà Nội, Nghệ An, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Hậu Giang... Qua các vụ án được đưa ra xét xử, đã có 90 bị cáo bị kết án chung thân.

Thiếu tướng Vũ Hùng Vương, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm - Bộ CA khẳng định, dù còn có những tổ chức, quốc tế chưa đánh giá hết nỗ lực của Việt Nam nhưng có thể khẳng định, chúng ta đã có nhiều hành động cụ thể, hiệu quả trong công tác này và bước đầu đã kiềm chế được đà tăng của tội phạm mua bán người. Cùng với thành công của Hội nghị các nước Tiểu vùng sông Mekong, lãnh đạo Bộ CA Việt Nam khẳng định tiếp tục chủ động đấu tranh, đồng thời phối hợp với các tổ chức, quốc gia liên quan, góp phần kiềm chế sự gia tăng hoạt động của tội phạm mua bán người ở mỗi quốc gia và khu vực, góp phần bảo đảm ANTT, phát triển kinh tế - xã hội, vì một thế giới an toàn, hòa bình và tiến bộ...

Thành Tâm