Muộn còn hơn... không!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:44, 23/02/2012

(HNM) - Ngày 21-2, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng 6 đơn vị thành viên gồm 5 Tổng Công ty phân phối điện và Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia đã ký vào Biên bản cam kết thực hiện tiết kiệm 1.800 tỷ đồng chi phí sản xuất kinh doanh trong năm nay.


Theo cam kết, EVN kiểm soát chặt chẽ các khoản chi phí như: tiết giảm 5% chi phí vật liệu, dịch vụ mua ngoài, chi phí điện, nước, xăng dầu, hội nghị, hội thảo, đi công tác... với giá trị tiết kiệm 162 tỷ đồng; giảm tỷ lệ điện tự dùng trong sản xuất, truyền tải và phân phối từ 9,5% kế hoạch xuống còn 9,3%, tương đương với lượng điện năng tiết giảm 255 triệu kWh, giảm chi phí 330 tỷ đồng. EVN cũng đặt ra mục tiêu tiết kiệm khoảng 1% sản lượng điện tiêu dùng trong xã hội (khoảng 1 tỷ kWh), giúp giảm chi phí sản xuất khoảng 1.300 tỷ đồng.

Cũng theo Tổng Giám đốc Phạm Lê Thanh, thời gian tới EVN sẽ tập trung vào lĩnh vực chính là sản xuất kinh doanh điện năng và đầu tư theo Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia, rút khỏi các lĩnh vực kinh doanh ngoài ngành. EVN cũng đã thực hiện bàn giao EVN Telecom sang Tập đoàn Viễn thông Quân đội quản lý. Trong lĩnh vực bất động sản, EVN có chủ trương chuyển nhượng cổ phần tại các công ty liên kết và đã giao người đại diện phần vốn của Tập đoàn tại các công ty cổ phần bất động sản tìm kiếm đối tác đầu tư để chuyển nhượng toàn bộ cổ phần. EVN đã trình Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh về chuyển nhượng vốn 5,3% tỷ lệ sở hữu cổ phần tại ABBank cho HDBank. Dự kiến lộ trình thoái vốn khỏi các lĩnh vực đầu tư nhạy cảm sẽ được EVN hoàn thành vào năm 2015.

Tại buổi cam kết, Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ đánh giá, EVN tiết kiệm 1.800 tỷ đồng nghĩa là giảm lỗ 1.800 tỷ đồng. Việc này sẽ giúp giảm bớt áp lực về tăng giá điện, giúp cho doanh nghiệp và người tiêu dùng bớt gánh nặng về chi phí và giá cả.

Như vậy có thể thấy, đây là những biện pháp rất cần thiết và lẽ ra EVN phải khẩn trương và quyết liệt thực hiện việc này trước khi nghĩ đến... đề xuất tăng giá điện. Đi ngược thời gian, ngày 4-12-2006, Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu EVN "phải chủ động áp dụng các biện pháp nâng cao năng suất lao động, chất lượng dịch vụ, phấn đấu giảm chi phí quản lý, giảm tổn thất điện năng để… mức tổn thất toàn hệ thống điện giảm xuống còn 8% vào năm 2010". Vậy nhưng năm 2010, mức tổn thất điện năng của EVN lên tới 10,15% (tăng hơn 1% so với năm 2009). Làm một con số so sánh, nếu EVN thực hiện được đúng tinh thần quyết định trên của Thủ tướng, tức là mức tổn thất điện năng đạt 8% thay vì là 10,15% như thực tế thì sẽ tiết kiệm được khoảng 2.000 tỷ đồng. Vậy việc để "thất thoát" khoảng 2.000 tỷ đồng đó có là trách nhiệm của EVN?

Ấy là lấy một ví dụ điển hình để thấy rất cần các cơ quan, đơn vị được Nhà nước giao trách nhiệm trong từng lĩnh vực cụ thể như EVN hãy dốc sức, tập trung làm tốt nhiệm vụ chính trị của mình trước khi "nhòm ngó" tới những lĩnh vực ngoài ngành.

Cam kết thực hiện tiết kiệm 1.800 tỷ đồng của EVN vào thời điểm này dù sao muộn còn hơn... không. Và chắc chắn khi đã triển khai toàn diện các biện pháp để có mức giá thành phù hợp, thì người dân, dư luận sẽ sẵn sàng hợp tác, chia sẻ với những khó khăn mà EVN phải đương đầu trong thực tế mà bằng chứng rõ nét nhất là những lần đề xuất tăng giá điện.

Được biết, cùng với EVN còn có 4 tập đoàn, tổng công ty cam kết tiết kiệm chi phí quản lý, sản xuất gồm: Tập đoàn Bảo Việt (145 tỷ đồng); Tập đoàn Dệt may (1.100 tỷ đồng); Tập đoàn Phát triển nhà và đô thị - HUD (125 tỷ đồng) và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (105 tỷ đồng). Tiếp sau đó là Tổng Công ty Xăng dầu Việt Nam và Tập đoàn Than - Khoáng sản sẽ là những đơn vị ký cam kết tiết giảm chi phí trong năm nay.

Hoàng Thu Vân