Báo chí cần trung thực, khách quan

Chính trị - Ngày đăng : 17:40, 22/02/2012

(HNMO) - Ngày 22-2, tại Hà Nội, Hội nhà báo Việt Nam đã phối hợp với trường ĐH KHXH&VN tổ chức hội thảo khoa học “Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập” với sự tham gia của hơn 100 đại biểu là nhà báo, nhà khoa học, giảng viên và học viên ngành báo chí.


Báo chí phải trung thực

Trước sự chạy theo thị hiếu thị trường của không ít tờ báo hiện nay, GS. Hà Minh Đức (Trường Đại học KHXH&NV Hà Nội) cho rằng, văn hóa, trong đó có báo chí “không tồn tại ở trạng thái đóng kín”, tức là phải bám lấy đời sống, đi sâu vào đời sống xã hội, song không vì thế mà khai thác đời sống một cách phiến diện, thái quá. Văn hóa truyền thông phải góp phần bảo vệ quyền lợi thiêng liêng của dân tộc và bản sắc văn hóa dân tộc, phải đề cao những giá trị nhân văn trong quá khứ và hiện tại; phải trung thực,tránh khuynh hướng thực dụng, thương mại hóa. Bởi theo GS Hà Minh Đức, báo chí truyền thông là gương mặt tinh thần của một quốc gia, trong đó hoạt động văn hóa truyền thông có vị trí quan trọng. Nhìn vào các hoạt động tinh thần này để thấy tính chất ổn định, an bình của xã hội, tính thanh lịch của quan hệ giữa người với người. Một số tờ báo phản ánh, đưa tin kiểu ly kỳ, giật gân câu khách…vô hình chung đã tạo điều kiện cho cái ác, cái xấu trong xã hội có nơi lộng hành.


Không chỉ phê phán một số tờ báo vô tình hoặc cố tình cổ xúy cho cái xấu, cái ác, PGS, TS. Hoàng Tất Thắng, Đại học Khoa học Huế còn lên án một số cơ quan báo chí gián tiếp làm giảm đi văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam trong bài tham luận với chủ đề “Đôi điều suy nghĩ về tính văn hóa của quảng cáo trên truyền hình”. Trong bài tham luận này, PGS đưa ra ví dụ về quảng cáo sữa tắm Dove từng phát trên Đài truyền hình Việt Nam có hình ảnh cô gái sau khi tắm xong bằng sữa tắm Dove đã khoe làn da mịn, trắng muốt bằng cách đưa tay vuốt nhẹ vào bờ vai thon thả của mình và nói “Không tin à, sờ thử xem?”. “Chẳng lẽ cơ thể của một cô gái Á đông mà ai muốn sờ cũng được sao? Đoạn quảng cáo không chỉ thiếu văn hóa mà còn hạ thấp giá trị của người Việt Nam trong thời đại mới, khi mà người phụ nữ đang đóng vai trò rất quan trong xã hội, PGS, TS. Hoàng Tất Thắng bức xúc nói.

Nhà báo là nhà văn hóa

Nói đến văn hóa truyền thông trước hết phải nói đến người làm truyền thông- người làm báo, vì thế phẩm chất nghề nghiệp, đạo đức và văn hóa chính trị của người làm báo là một trong những nội dung được các đại biểu trao đổi, thảo luận sôi nổi tại hội thảo.

Nhà báo Phan Quang (nguyên Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam) nhấn mạnh: "Báo chí là một hoạt động văn hóa nên người làm báo phải có văn hóa, nhà báo phải coi việc tác nghiệp của mình là hoạt động văn hóa"… Tố chất văn hóa của người làm báo theo nhà báo lão thành này không đơn thuần là trình độ tri thức, học vị, cống hiến, tài hoa mà tố chất ấy cần được hiểu theo nghĩa nhân văn. Văn hóa của người làm báo thể hiện ở thái độ đối với Tổ quốc. xã hội, gia đình, tâm linh, ở cách ứng xử với thiên nhiên, môi trường, đồng nghiệp, đồng vào, thậm chí với cả đối phương khi cần thiết. Do nhu cầu nghề nghiệp, nhà báo hòa nhập với giới thượng lưu mà không lấy đó làm sang, sống chung với lớp người bị coi là hạ đẳng mà không nhiễm thói hư, tật xấu. Trong công việc, tố chất văn hóa của người làm báo thể hiện trước hết bằng sự tôn trọng pháp luật, tuân thủ các quy ước của cộng đồng. Tuy vậy, biểu hiện sâu xa nhất của văn hóa người làm báo chính là hiệu quả xã hội của từng tác phẩm…

Đồng quan điểm trên, ThS. Vũ Đình Thường (Ban Tuyên giáo TƯ) phân tích: "Cuộc sống luôn vận động, cho nên để có kiến thức, có văn hóa, người làm báo phải luôn bám sát cuộc sống, phải lăn lộn trong cuộc sống hằng ngày của xã hội.” Còn đối với một cơ quan báo chí thì năng lực định hướng giá trị hay mục đích của tờ báo, năng lực tổ chức, điều hành, phân công nhân sự phù hợp với từng nội dung, chuyên trang, chuyên mục; trình độ của biên tập viên, trình độ duyệt bài, chọn bài của cấp quản lý…là những yếu tố chủ quan làm nên chất lượng văn hóa trong sản phẩm báo chí…Cũng theo ThS. Vũ Đình Thường, kỹ năng của người làm báo không phải là năng lực trời cho mà mỗi người làm báo phải không ngừng học hỏi, quan sát và tích lũy.

Hội thảo " Văn hóa truyền thông trong thời kỳ hội nhập" đã bước đầu gợi mở các giải pháp nhằm nâng cao tính văn hoá của đội ngũ người làm báo Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hoá truyền thông đại chúng hiện nay.

Minh Ngọc