Đầu tư nhiều dự án sạch

Doanh nghiệp - Ngày đăng : 07:23, 22/02/2012

Nhằm bảo vệ môi trường (BVMT) bền vững, những năm gần đây, Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) đã có nhiều giải pháp BVMT và sản xuất sạch hơn (SXSH).


Vận hành thiết bị thu gom khí mỏ Rạng Đông.  Ảnh: Hà Thái - TTXVN

Gắn việc BVMT vào trong quá trình sản xuất, các đơn vị thành viên của PVN đều phải xây dựng, trình duyệt các giải pháp BVMT và SXSH. Ngoài việc tuân thủ nghiêm các quy định về BVMT, PVN còn lắp đặt hệ thống giám sát tự động chất lượng nước thải, định kỳ lấy mẫu nước thải gửi đi phân tích tại các phòng thí nghiệm, từ đó có cơ sở theo dõi, điều chỉnh kịp thời. Bởi với các công trình dầu khí trên biển, nếu không được xử lý triệt để, chất thải sẽ có nguy cơ gây ô nhiễm MT rất lớn. Bên cạnh đó, PVN đã có những biện pháp xử lý với những chất thải tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Cụ thể, khi sử dụng hóa chất, PVN luôn lựa chọn những loại hóa chất thân thiện với MT, thường xuyên đánh giá mức độ độc hại của các hóa chất đó; thay thế các dung dịch khoan giếng dầu dễ gây ô nhiễm bằng các loại dung dịch ít ảnh hưởng tới MT hơn; thiết kế, xây dựng hệ thống xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn nước thải công nghiệp TCVN 5945-2005, nước thải sinh hoạt QCVN 14:2008/BTNMT…

Với đặc thù là phần lớn công việc được thực hiện trên biển nên tiềm ẩn nhiều nguy cơ xảy ra sự cố, trong đó có nguy cơ tràn dầu, vì thế PVN đã chuẩn bị những giải pháp cụ thể để ứng phó. Trong đó có việc đã xây dựng bản đồ nhạy cảm môi trường ven biển tỷ lệ 1:50.000, tổ chức trực tràn dầu trong quá trình xuất, nhập khẩu dầu... Đặc biệt, trong lĩnh vực SXSH, PVN đã thực hiện dự án "Sử dụng khí đồng hành mỏ Rạng Đông". Đây là dự án đầu tiên về SXSH được Liên hợp quốc công nhận và cấp chứng chỉ giảm phát thải. PVN đã mạnh dạn đầu tư kinh phí để thiết kế hệ thống xử lý khí thải bảo đảm này với chiều cao ống khói phù hợp, bảo đảm khí thải ra đạt tiêu chuẩn công nghiệp TCVN 5939-2005. PVN còn triển khai nhiều đề tài nghiên cứu khoa học nhằm hoàn thiện công tác BVMT và SXSH; nghiên cứu xây dựng phần mềm tạo bản đồ số 3D cho các kênh thuộc bán đảo Cà Mau và đề xuất ứng dụng trong các hoạt động dầu khí toàn khu vực…

Với những giải pháp BVMT hiệu quả, nhiều đơn vị trong PVN đã được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 14001, OSHAS 18001 về MT. Không những thế, PVN đã nỗ lực tham gia thực hiện các mục tiêu giảm phát thải, chống biến đổi khí hậu (BĐKH) bằng các dự án, cơ chế phát triển sạch (CDM). Các dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành trong hoạt động khai thác dầu và khí để sử dụng cho mục đích cung cấp năng lượng, cũng như sản xuất các sản phẩm hóa dầu luôn là tiềm năng lớn của PVN trong phát triển CDM. Hiệu quả giảm phát thải khí nhà kính từ các dự án thuộc lĩnh vực này rất lớn. Thành công nhất là dự án thu hồi và sử dụng khí đồng hành tại mỏ dầu Rạng Đông (Vũng Tàu). Khí đồng hành thu được làm nhiên liệu cho các nhà máy điện, khí hóa lỏng dùng trong sinh hoạt... Theo tính toán, bằng cách tránh đốt bỏ khí đồng hành (đầu tư hệ thống giàn nén và đường ống đưa khí về bờ), dự án giúp giảm phát khí thải khoảng 6,7 triệu tấn CO2 trong thời gian 10 năm, với trị giá tương đương khoảng 45 triệu USD. Đây là nguồn thu đáng kể, rút ngắn thời gian hoàn vốn đầu tư cho BVMT, tạo lập nguồn kinh phí tái đầu tư phát triển CDM.

Với định hướng mở rộng đầu tư, PVN đã đầu tư vào sản xuất điện để cung cấp cho lưới điện quốc gia bằng các dự án thủy điện lớn của Tổng Công ty Điện lực dầu khí, như các thủy điện Hủa Na, Nậm Chiến, Đakđrinh… Các dự án này đều có tiềm năng để phát triển CDM trong lĩnh vực sản xuất và cung cấp năng lượng tái tạo. PVN cũng hướng tới các dự án xây dựng nhà máy điện sử dụng sức gió và năng lượng mặt trời. Đây là hướng đi cơ bản trong việc chuyển đổi sử dụng nguồn nhiên liệu có thể tái tạo và nhiên liệu sạch. Ngoài ra, lĩnh vực có tiềm năng lớn để phát triển CDM là các dự án xây dựng nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học. Nhiên liệu sinh học không những giúp giảm gánh nặng đối với nguồn nhiên liệu hóa thạch đang cạn kiệt mà còn giúp giảm đáng kể lượng khí nhà kính phát thải ra MT. PVN đã đầu tư xây dựng nhiều nhà máy sản xuất ethanol từ nguồn nguyên liệu tự nhiên sẵn có là sắn, mía và kỳ vọng gắn liền mục tiêu giảm thiểu sử dụng nhiên liệu hóa thạch bằng cách phổ biến sử dụng xăng pha cồn E5. Tại các nhà máy này, PVN xây dựng hệ thống xử lý nước thải nhằm thu hồi và sử dụng biogas để sản xuất năng lượng, cung cấp cho quá trình sản xuất, giảm bớt tiêu thụ nhiên liệu hóa thạch.

Việc triển khai các hoạt động dự án CDM với quy mô lớn và chất lượng cao là định hướng giúp PVN thực hiện các mục tiêu quan trọng kiểm kê phát thải khí nhà kính cũng như kiểm toán năng lượng. Đây là những tiêu chí quốc tế để đánh giá chất lượng phát triển của tập đoàn, góp phần thiết thực vào việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với BĐKH.

Gia Bình