Dự án “buýt đường sông”: Bao giờ thành hiện thực?
Xã hội - Ngày đăng : 06:52, 22/02/2012
Vẫn chỉ là ý tưởng
Ý tưởng xây dựng các tuyến vận tải hành khách công cộng đường sông ("buýt đường sông") có từ năm 2001, do Sở Giao thông công chính (nay là Sở GTVT) đề xuất, tuy nhiên đến nay vẫn không thực hiện được vì cơ sở hạ tầng, phương tiện, bến bãi, quy hoạch tổng thể bố cục không gian… chưa phù hợp. Cuối năm 2010, Công ty TNHH Thường Nhật đề xuất thí điểm mở 2 tuyến canô buýt, mỗi tuyến dài 11km, thời gian di chuyển 30 phút. UBND TP đã chấp thuận và giao các đơn vị liên quan khảo sát, lập dự án, chậm nhất ngày 31-12-2011 phải hoàn thành. UBND TP cũng yêu cầu Tổng Công ty Cơ khí GTVT Sài Gòn (Samco - đơn vị trực thuộc UBND TP) phối hợp cùng Công ty TNHH Thường Nhật nghiên cứu, thực hiện dự án.
Canô buýt của Công ty TNHH Thường Nhật đưa đón nhân viên một số doanh nghiệp làm việc tại Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai). |
Ông Nguyễn Kim Toản, Giám đốc Công ty TNHH Thường Nhật, cho biết: "Chúng tôi đã làm việc trực tiếp với các địa phương để hình thành các bến đón trả khách. Tuy nhiên, việc tìm vị trí rất khó khăn bởi phần lớn mặt bằng bờ sông, kênh rạch đã bị lấn chiếm từ nhiều năm nay". Lãnh đạo Samco thì cho rằng, để triển khai dự án, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ lãi suất vay vốn ngân hàng, trợ giá vé và giải tỏa mặt bằng. "Ngoài ra, hiện nay hệ thống cơ sở hạ tầng để kết nối giữa đường bộ và đường sông hầu như không có, nếu đưa "buýt đường sông" hoạt động khó thu hút khách. Trên thực tế, một doanh nghiệp tư nhân không thể cáng đáng nổi nếu không có sự ủng hộ, phối hợp của các cơ quan, ban, ngành có thẩm quyền" - ông Toản nêu rõ.
Ông Phan Công Bằng, Trưởng phòng Quản lý giao thông đường thủy (Sở GTVT TP), cũng cho rằng, Nhà nước cần có cơ chế hỗ trợ vốn vay, trợ giá nhiên liệu, giá vé, miễn giảm thuế... để bảo đảm quyền lợi hài hòa giữa Nhà nước và doanh nghiệp. Bởi, nếu không có sự hỗ trợ từ phía Nhà nước, doanh nghiệp sẽ khó thực hiện.
Nhiều lợi thế
TP Hồ Chí Minh có 112 tuyến sông, kênh, rạch với tổng chiều dài gần 1.000km; trong đó tuyến đường thủy nội địa dài 574,1km. Khảo sát sơ bộ cho thấy có khả năng thu hút hành khách từ các khu vực dân cư dọc các tuyến sông đi lại bằng phương tiện thủy và kết nối với vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.
Hiện, Công ty Thường Nhật đã ký hợp đồng đưa đón nhân viên một số doanh nghiệp tại Nhơn Trạch (tỉnh Đồng Nai) bằng đường thủy, xuất phát từ Công viên Bạch Đằng (quận 1) với 8 tàu canô buýt, sức chở 20 người/tàu. Tuy giá vé hơi cao (dao động từ 2 đến 8 USD), nhưng đi canô buýt rút ngắn đáng kể thời gian (chỉ gần 1 giờ so với 3-4 giờ nếu đi đường bộ). Chị Nguyễn Thị Diệp Anh, nhân viên một công ty đóng tại Nhơn Trạch, cho biết, dù chi phí hơi cao nhưng đi lại rất an toàn, không khí trong lành, cảm giác như đang đi du lịch, tạo sự thoải mái trước khi làm việc và đặc biệt là rút ngắn thời gian đi lại rất nhiều.
Theo Công ty TNHH Thường Nhật, dự kiến kinh phí thực hiện dự án "buýt đường sông" khoảng hơn 100 tỷ đồng, trong đó 70% là vốn vay, gồm 2 tuyến. Tuyến số 1 lộ trình từ bến Bạch Đằng đi theo sông Sài Gòn qua kênh Thanh Đa đi tiếp ra sông Sài Gòn đến khu vực Linh Đông (quận Thủ Đức), dài khoảng 11km, có 10 bến, thời gian khoảng 29 phút; tuyến số 2 cũng xuất phát từ bến Bạch Đằng theo sông Sài Gòn ra kênh Bến Nghé, kênh Tàu Hủ đến khu vực quận 8 gần cầu Lò Gốm trên đường Võ Văn Kiệt, dài khoảng 11km, có 7 bến, hành trình khoảng 30 phút, dự kiến sẽ đi vào hoạt động sau khi hoàn thành dự án nạo vét và cải tạo kênh Tàu Hủ. Giai đoạn đầu sẽ đầu tư 8 tàu sức chứa 80 ghế/tàu. Nếu hoạt động 50% công suất, mỗi ngày 2 tuyến này vận chuyển gần 5.000 khách, đáp ứng một phần nhu cầu đi lại của người dân. "Buýt đường sông" hoạt động từ 7h sáng đến 18h chiều hằng ngày với 3 loại hình: "buýt" cắm cờ xanh đi qua tất cả các bến, "buýt" cắm cờ vàng chỉ đi qua 1/2 số bến và "buýt" cắm cờ đỏ chỉ dừng ở hai đầu trạm. Chắc chắn giá vé "xe buýt" đường thủy cao hơn đường bộ do tiêu hao năng lượng lớn hơn, chưa kể chi phí bảo trì bảo dưỡng... tuy nhiên nếu được Nhà nước hỗ trợ thì giá vé chỉ dao động 10.000-15.000 đồng/lượt.
Theo các chuyên gia, nếu thu hút được người dân sử dụng "buýt đường sông" thay phương tiện giao thông cá nhân đường bộ, mỗi ngày TP sẽ tiết kiệm gần 1,5 triệu USD (do nạn kẹt xe gây ra). Ông Trần Thế Kỷ, Phó Giám đốc Sở GTVT nhận định, ngoài việc giảm áp lực cho giao thông đường bộ, rút ngắn thời gian và quãng đường đi, tạo sự kết nối, hoàn thiện và đa dạng hóa dần cơ sở hạ tầng, hệ thống giao thông… "buýt đường sông" còn giúp phát triển du lịch sông ngòi, kênh rạch TP, đặc biệt là khơi dậy vẻ đẹp và giá trị văn hóa lịch sử "trên bến dưới thuyền" của vùng đất Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh.