Không thể xa rời cái nôi cộng đồng

Xã hội - Ngày đăng : 06:40, 22/02/2012

(HNM) - Hát Xoan Phú Thọ, một trong những di sản văn hóa phi vật thể (DSVH PVT) cần được bảo vệ khẩn cấp của nhân loại vừa được quảng bá thông qua chương trình "Tôn vinh Hát Xoan", tổ chức tại Phú Thọ vào tối 18-2. Đó là tín hiệu vui đối với công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH PVT ở Việt Nam bởi trên thực tế, không phải DSVH PVT nào cũng nhận được sự quan tâm đúng mức.

DSVH PVT không tự nó phô bày vẻ đẹp như DSVH, mà cần thông qua diễn xướng để bộc lộ nét hay, nét đẹp. DSVH PVT có tồn tại, phát huy giá trị tốt hay không phụ thuộc vào hai yếu tố: Một là nhận thức của cộng đồng, mà trực tiếp là những người làm công tác quảng bá vẻ đẹp của DSVH PVT - những "báu vật nhân văn sống" có đủ nhiệt huyết và biết thúc đẩy việc truyền dạy vốn DS cho thế hệ sau hay không; hai là DSVH PVT có không gian diễn xướng đúng nghĩa hay không.

Biểu diễn nghệ thuật Bài Chòi. Ảnh: Yến Ngọc

Cần phải thừa nhận rằng, hiện nay, DSVH PVT vẫn chưa có được sự quan tâm đúng mức. Trong kế hoạch hoạt động năm 2012, Bộ VH,TT&DL đặt ra mục tiêu lựa chọn, trình Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt cho ít nhất 10 di tích, đầu tư chống xuống cấp 50-60 di tích, hỗ trợ chống xuống cấp cho 100-150 di tích, nhưng đối với DSVH PVT thì chỉ là hoàn thiện 1-2 hồ sơ trình UNESCO xem xét. Nhiều địa phương có thể bỏ ra hàng tỷ đồng để trùng tu và phục hồi các đình, đền, chùa, nhưng sự quan tâm đến DSVH PVT không được sâu sát như thế. Số DSVH PVT được tạo điều kiện phục hồi, phát huy giá trị trong đời sống hiện đại chưa nhiều, chính sách đãi ngộ chưa đủ mức thúc đẩy nhiệt huyết của nghệ nhân…

Nếu coi không gian diễn xướng và sự quan tâm của cộng đồng là đặc biệt quan trọng đối với sự tồn tại của DSVH PVT, có lẽ bài toán nằm ở năng lực đầu tư, quảng bá DS, giúp người dân có động lực xắn tay cùng nuôi dưỡng nó. Bài học thực tiễn cho thấy điều này. Như Ca trù, sau hơn 2 năm được UNESCO vinh danh, nay vẫn phụ thuộc phần lớn vào sự tâm huyết của nghệ nhân. Chị Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn, xã Văn Nhân, huyện Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết, CLB chưa nhận được bất cứ sự hỗ trợ nào về kinh phí cũng như chuyên môn từ phía Nhà nước. Cũng ở Hà Nội, CLB Ca trù Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng sinh hoạt nhờ nguồn kinh phí eo hẹp do các thành viên của CLB cùng những người yêu Ca trù đóng góp. Tương tự, để nuôi dưỡng nghệ thuật Tuồng truyền thống, ông Phan Văn Lạng (73 tuổi) ở xã Xuân Thành, huyện Yên Thành (Nghệ An) tự bỏ tiền túi duy trì CLB, tự may trang phục cho diễn viên...

Nguồn kinh phí dành cho DSVH PVT chưa tương xứng với giá trị và tiềm năng, dẫn tới hệ quả tất yếu là di sản dần mai một, trở nên xa lạ ở chính nơi nó sinh ra và được nuôi dưỡng qua nhiều thế hệ. Chẳng phải đâu xa, những cái nôi của Ca trù trên đất Thăng Long như Thượng Mỗ (Đan Phượng), An Khánh (Hoài Đức), Chanh Thôn (Phú Xuyên)… sản sinh ra biết bao nhiêu ca nương, kép đàn tên tuổi một thời nay phải hoạt động dưới hình thức CLB, tự trang trải kinh phí, tự vận động hội viên. "Các nghệ nhân gạo cội nay đã tuổi cao, sức yếu; thế hệ trẻ, trước muôn vàn hình thức sinh hoạt, vui chơi giải trí, trước nhiều cơ hội lập nghiệp, lập thân, mấy ai có đủ đam mê để trở thành nghệ nhân khi không có chế độ đãi ngộ nào?" - chị Nguyễn Thị Ngoan, Chủ nhiệm CLB Ca trù Chanh Thôn chia sẻ. Cũng theo chị Ngoan, nếu có nguồn kinh phí đầu tư hợp lý, có chế độ đãi ngộ thỏa đáng với nghệ nhân thì chắc chắn DS Ca trù sẽ "dễ sống" hơn bởi hiện còn nhiều người say mê môn nghệ thuật này.

Nghệ thuật Bài Chòi, di sản đang được ưu tiên xây dựng hồ sơ trình UNESCO là một ví dụ khác. Phó Giám đốc Sở VH,TT&DL Bình Định Nguyễn An Pha cho biết: Bài Chòi phổ biến ở các tỉnh Nam Trung bộ, do một thời gian dài không được quan tâm đúng mức nên những bài bản cổ hầu như không còn. Một số CLB Bài Chòi đang hoạt động là do người yêu môn nghệ thuật truyền thống thành lập, thiếu sự tham vấn của các nhà chuyên môn nên đã "pha" cải lương và các loại hình dân ca khác. Tại Phú Thọ, DS Hát Xoan đang được cộng đồng góp sức phục hồi sự sống nhưng cũng phải đối diện với thực tế là thiếu không gian diễn xướng, đơn giản là nhiều đình, đền tại các phường Xoan gốc bị xuống cấp nghiêm trọng...

Điều gì xảy ra với Ca trù Thượng Mỗ, với Tuồng Xuân Thành nếu nay mai không còn "bầu sữa nhân dân"? Những bộ môn nghệ thuật ấy sẽ duy trì thế nào nếu hệ thống CLB hạt nhân ngày càng teo lại?

Nguồn kinh phí để bảo tồn, tôn tạo DSVH PVT có lẽ không nhiều như đối với DSVH VT. Bằng chứng là chỉ với khoản kinh phí hơn 6 tỷ đồng, tỉnh Đắc Lắc đã mua và cấp miễn phí 150 bộ cồng chiêng cho 150 nhà văn hóa cộng đồng mà nhờ đó, không gian văn hóa cồng chiêng ít nhiều sống lại ở các buôn làng vùng sâu, vùng xa. CLB Ca trù Lỗ Khê, huyện Đông Anh (Hà Nội) mỗi năm được huyện cấp kinh phí từ 40 đến 50 triệu đồng để mở các lớp truyền dạy, mua trang phục, đạo cụ nên có thể duy trì hoạt động khá đều đặn.

Để DSVH PVT không mai một thì ngoài kinh phí, cần phải tạo điều kiện tốt để nhân dân góp phần nuôi dưỡng nó.

Minh Ngọc