Cấp bách phòng chống bệnh tay chân miệng

Xã hội - Ngày đăng : 07:57, 21/02/2012

Trước tình hình bệnh tay chân miệng có chiều hướng gia tăng ngay từ đầu năm, chiều 20/2, Bộ Y tế chủ trì cuộc họp với Ban Chỉ đạo phòng chống dịch tay chân miệng để bàn các biện pháp khống chế, không để bệnh lây lan trên diện rộng.


Các ca tử vong đều dương tính với virus EV71

Theo Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế), tích lũy từ 6 tuần đầu năm 2012, cả nước đã ghi nhận hơn 6.300 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng (TCM) tại 60 địa phương, trong đó có 9 trường hợp tử vong (An Giang 3 trường hợp, TP.HCM, Đồng Tháp, Cần Thơ, Đồng Nai, Vĩnh Long,mới nhất là Đà Nẵng, mỗi nơi 1 trường hợp.

Rửa tay bằng xà phòng sạch sẽ trước khi ăn là một trong những cách phòng bệnh hiệu quả. Ảnh minh họa


Trong đó, khu vực miền Nam có số mắc cao nhất trên 3.860 trường hợp, miền Bắc ghi nhận gần 1.600 trường hợp mắc. Tỷ lệ mắc/100.000 dân chung của cả nước là 7,1.

Theo Cục Y tế Dự phòng, các trường hợp tử vong do TCM từ đầu năm 2012 đến nay đều có kết quả xét nghiệm dương tính với virus EV71 (100%).

Như vậy, bệnh TCM năm 2012 ngay từ đầu năm đã gia tăng.

Ông Trần Thanh Dương Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, so với cùng kỳ năm 2011, số mắc TCM tăng 7,3 lần. Mặc khác số tỉnh có các ca mắc TCM tăng so với cùng kỳ. Những địa phương như Hải Phòng, Đồng Nai, Hòa Bình, Hậu Giang tăng tương đối cao.

Cục Y tế Dự phòng nhận định, năm 2012 bệnh TCM vẫn có những diễn biến phức tạp trên diện rộng, tỷ lệ mắc/100.000 dân cao, tỷ lệ tử vong sẽ giảm so với năm 2011, nguy cơ tỷ lệ mắc tăng cao vào tháng 9-11.

Lý giải cho nhận định trên ông Trần Thanh Dương cho biết, thứ nhất tình hình dịch bệnh TCM trên thế giới trong những năm gần đây có diễn biến phức tạp, xu hướng tăng cao tại nhiều nước. Thứ hai, bệnh do virus đường ruột, lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp. Không có vaccine phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu và các biện phòng chống dịch không đặc hiệu. Thứ ba là có nhiều tuýp virus gây bệnh, tỷ lệ virus EV71 lưu hành cao, đối tượng cảm nhiễm lớn và chưa đánh giá được miễn dịch của cộng đồng. Thứ tư là tỷ lệ người lành mang trùng cao tới 71% trong các ổ dịch, thời gian thải trùng kéo dài tới 6 tuần. Thứ năm là tỷ lệ người chăm sóc áp dụng biện pháp rửa tay phòng bệnh còn thấp. Và cuối cùng một số nơi chưa được sự quan tâm đúng mức của chính quyền, ban ngành đoàn thể, công tác chống dịch chưa triệt để, công tác truyền thông giáo dục sức khỏe tại cộng đồng chưa sâu rộng.

Viện trưởng Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương, TS.Nguyễn Trần Hiển cũng cho biết, dịch TCM xuất hiện sớm và gia tăng nhanh ngay từ đầu năm, tuy nhiên việc đầu tư cho phòng chống dịch còn chưa thỏa đáng, giám sát ở cơ sở chưa kịp thời. TS Nguyễn Trần Hiển cho biết, Viện sẽ tăng cường cử các đoàn đi giám sát ngay trong tuần này, trước tiên là tại TP.Hải Phòng để tập trung phòng chống dịch.

TS.Nguyễn Văn Kính, Giám đốc Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương cho biết, biến chứng của TCM chủ yếu ở trẻ em, trong đó biến chứng tử vong nhanh. Mặt khác, công tác vệ sinh không được đảm bảo. Hiện nay trang thiết bị, máy móc phục vụ cho công tác chữa bệnh còn thiếu ở tuyến dưới cần phải đầu tư hơn nữa.

Xử lý kịp thời, không để bệnh lây lan rộng, kéo dài

Đề cập đến tính cấp bách trong công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, Thứ trưởng Nguyễn Thanh Long đề nghị các Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur phối hợp với Trung tâm Y tế Dự phòng tỉnh, thành phố hỗ trợ, tổ chức thực hiện việc giám sát, xử lý ổ dịch, không để dịch lan rộng kéo dài.

Nắm chắc tình hình, diễn biến bệnh TCM tại các địa phương, đánh giá được xu hướng của bệnh và tập trung nguồn lực xử lý triệt để các ổ dịch mới phát sinh.

Tập trung vào công tác tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức rõ và có biện pháp phòng bệnh hiệu quả.

Cục Y tế Dự phòng cũng đề nghị cần phân tích đặc điểm dịch tễ học các trường mắc bệnh TCM, đặc biệt cần nêu rõ các yếu tố nguy cơ (thời tiết, khí hậu, hành vi nguy cơ…) và hiệu quả của các biện pháp phòng chống.

Tiếp tục thực hiện nghiên cứu về dịch tễ học, virus để chủ động triển khai các biện phòng bệnh phù hợp. Chủ động, sẵn sàng vật tư, hóa chất phục vụ công tác phòng chống dịch. Xây dựng kế hoạch phân tuyến điều trị phù hợp với thực tế tại địa phương, thiết lập đơn vị hồi sức nhi khoa tại bệnh viện đa khoa hoặc chuyên khoa tuyến tỉnh có đủ trang thiết bị, nhân lực để điều trị bệnh nhân TCM nặng, hạ chế vận chuyển bệnh nhâ; kịp thời rút kinh nghiệm trong điều trị để hạn chế thấp nhất các trường hợp tử vong.

Bên cạnh đó, thành lập các Trung tâm huấn luyện điều trị bệnh nhân TCM tại Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi đồng 2, Bệnh viện Nhiệt đới (TP.HCM); Bệnh viện Nhi Trung ương và Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương để huấn luyện chuyên môn về điều trị, chăm sóc bệnh nhân TCM cho các bệnh viện tuyến dưới.

Theo VGPNEWS