“Chạy đua” với lãi suất huy động vàng

Kinh tế - Ngày đăng : 07:38, 21/02/2012

Lượng vàng hiện có trong dân cư khoảng 300-500 tấn (HNM) - Sau một thời kỳ


Lãi suất huy động bằng vàng đang được nhiều người quan tâm.    Ảnh: Như Ý

Vốn được coi là loại "hàng hóa" đầy biến động đối với thị trường trong nước, nhưng dưới con mắt của giới đầu tư, vàng là kênh bảo toàn tài sản tốt nhất. Vì thế không chỉ nhà đầu tư nước ngoài mà nhà đầu tư trong nước cũng tìm đến vàng để bảo toàn cho nguồn vốn. Ngay trong bối cảnh giá lên xuống thất thường theo "sức khỏe" của nền kinh tế toàn cầu, nhà đầu tư trong nước vẫn đổ tiền vào vàng. Hầu hết người dân đều có tâm lý tích trữ vàng thay cho tiền VND hay bất cứ loại tiền tệ nào khác, nên lượng vàng trong dân cư khá lớn. Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lượng vàng có trong dân cư khoảng 300-500 tấn. Các chuyên gia cho rằng, nếu huy động được lượng vàng này qua tổ chức tín dụng (TCTD) sẽ có thêm một nguồn vốn lớn phục vụ cho xã hội. Song, vấn đề là huy động vàng như thế nào để không bị rủi ro bởi sự biến động thất thường của giá vàng mà vẫn có thể thu được lợi ích từ kênh huy động này?

Theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, tại Nghị định mới thay thế Nghị định 174 về quản lý hoạt động sản xuất và kinh doanh vàng trên lãnh thổ Việt Nam, Nhà nước thừa nhận quyền sở hữu, tích trữ, mua bán vàng của người dân. Thực tế, trước đây các TCTD đã huy động vàng và cho vay bằng vàng. Nhưng thời gian qua, đặc biệt là trong năm 2010 và 2011, sự biến động quá lớn của giá vàng làm cho việc huy động và cho vay bằng vàng của các TCTD gặp nhiều rủi ro nên hoạt động này chưa phát huy hiệu quả. Trong đề án huy động vàng, thời gian tới, Nhà nước sẽ huy động vàng thông qua các TCTD, TCTD sẽ làm đại lý cho NHNN trong việc huy động vàng. Với hình thức này, Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào thị trường mà thông qua tổ chức trung gian là TCTD. Với nhiều công cụ khác nhau, ví dụ kinh doanh vàng trên thị trường quốc tế, Nhà nước sẽ bảo hiểm được rủi ro do biến động của giá vàng thế giới, vừa có thể bảo đảm giá trị tài sản của người dân mà vẫn có thể sử dụng số vàng đó quy đổi thành ngoại tệ để phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH.

Ngay sau khi NHNN "lên tiếng" về việc huy động vốn bằng vàng, các ngân hàng đã có cuộc "chạy đua". Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong chương trình "Ngày vàng ACB", khách hàng tham gia có thể mua vàng tại ngân hàng, hoặc mang vàng đến gửi tối thiểu là 10 lượng, kỳ hạn 1-3 tháng sẽ được lãi suất cao nhất là 3%/năm. Với khách hàng gửi 1 lượng, lãi suất là 2,4%/năm. Loại vàng được chấp nhận tại ACB là vàng SJC hoặc vàng ACB.

Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) điều chỉnh biểu lãi suất huy động vàng. Theo đó, từ ngày 18-2, khách hàng cá nhân mở mới tài khoản vàng giữ hộ, tham gia chương trình "Kỳ hạn vàng, ưu đãi vàng", với số vàng gửi tối thiểu 10 lượng, kỳ hạn 1, 2, 3 tháng tại Eximbank sẽ được miễn phí giữ hộ và được hưởng lợi tức 3%/năm. Với những khách hàng không tham gia chương trình, lãi suất dao động trong khoảng 1,5-2,2%/năm, tùy từng kỳ hạn.

Tuy nhiên, lãi suất huy động chứng chỉ tiền gửi ngắn hạn bằng vàng cao nhất hiện nay là Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), với mức 3,5%/năm, áp dụng cho các kỳ hạn từ 3 tháng đến 364 ngày. Mức gửi chứng chỉ vàng tại DongABank cũng đã tăng sát ngưỡng 3%/năm ở kỳ hạn gửi 1-3 tháng.

Các chuyên gia dự báo, cuộc "chạy đua" về lãi suất huy động vàng sẽ diễn ra trong toàn bộ hệ thống ngân hàng. Bởi, trong bối cảnh nền kinh tế vẫn đang "khát" vốn thì nguồn vốn có thể huy động từ vàng sẽ là "miếng bánh ngon" đối với các ngân hàng. Song, để cuộc đua này không quá "nóng" như nhiều cuộc đua lãi suất trước đây, vẫn cần sự vào cuộc kịp thời của cơ quan chức năng.

Đức Anh