Cùng hành lang, chung ý chí
Chính trị - Ngày đăng : 07:18, 21/02/2012
Hà Nội là đầu cầu thu hút khách du lịch trong nước và quốc tế với rất nhiều DN lữ hành. Chỉ tính riêng Tổng Công ty Du lịch Hà Nội (Hanoitourist) đã có 6 DN lữ hành trực thuộc hoạt động từ Đà Nẵng trở ra. Trong khi đó, Bắc Giang và Lạng Sơn là những vùng đất thiên nhiên trù phú với nhiều di tích, danh lam thắng cảnh nổi tiếng như khu di tích Yên Thế, hồ Cấm Sơn, suối Mỡ (Bắc Giang); hang động Nhị Thanh - Tam Thanh, khu du lịch Mẫu Sơn (Lạng Sơn)… Thế nhưng, sự liên kết trong du lịch giữa các DN ở Hà Nội với hai tỉnh còn rất khiêm tốn. Trong cuộc làm việc với lãnh đạo hai tỉnh, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhận xét: "Cái yếu nhất về hợp tác du lịch của chúng ta là liên kết tour". Nhận định này được ông Phạm Đức Hùng, Tổng Giám đốc Hanoitourist làm rõ thêm: "Chúng tôi đã tổ chức nhiều tour đến một số điểm di tích trên địa bàn Bắc Giang, nhưng chưa có sự liên kết với các DN địa phương".
Bên cạnh đó, Bắc Giang và Lạng Sơn có số dân nông thôn chiếm trên 80%, sản phẩm nông nghiệp phong phú. Hà Nội là một thị trường tiêu thụ nông sản rất lớn. Vì vậy, hướng hợp tác sản xuất nông sản phục vụ thị trường Thủ đô là điều mà các DN Hà Nội và các tỉnh có thể làm, nên làm và cần làm tốt hơn. Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang Bùi Văn Hải cho biết, hiện nay đã xuất hiện mô hình DN Hà Nội về tỉnh thuê đất, thuê nông dân và đưa quy trình công nghệ vào sản xuất rau để phục vụ thị trường. Đây là hướng đi vững chắc, có chiều sâu, đem lại nhiều mặt lợi nhưng cũng mới chỉ manh nha. Với Lạng Sơn, nhiều năm qua, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) đã thu mua hoa hồi, chè, dược liệu của nhân dân. Nhưng điều khiến Chủ tịch HĐQT Hapro Nguyễn Hữu Thắng băn khoăn là sự gắn kết với nông dân xứ Lạng còn chưa tốt, bà con Lạng Sơn vẫn còn xuất khẩu hoa hồi qua nhiều kênh nhỏ lẻ bấp bênh khác. Vì vậy, Hapro muốn gắn bó chặt chẽ hơn với nguồn hoa hồi Lạng Sơn vì lợi ích của đôi bên, nhưng cần thiết phải có sự giúp đỡ của chính quyền sở tại.
Nhiều năm thực hiện chủ trương phát triển hợp tác kinh tế của lãnh đạo TP Hà Nội với Bắc Giang, Lạng Sơn, Hapro đã chủ động phát triển kinh doanh ở hai tỉnh này. Nhưng thâm nhập thị trường hàng triệu dân của Bắc Giang và Lạng Sơn vẫn là thách thức đối với các DN Hà Nội. Đến nay vẫn chưa có trung tâm thương mại nào của các DN Hà Nội đi vào hoạt động tại hai địa phương. Các huyện chưa có siêu thị, các đô thị cũng thiếu các trung tâm thương mại, có thể nói Bắc Giang, Lạng Sơn là nơi mà các DN Thủ đô có thể phát triển thương mại. Nhắc nhở các DN về tiềm năng này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo kể về chuyến đi đến một xã vùng xa của Bắc Giang với ấn tượng về hai sản phẩm Cocacola và mì Milikét có mặt ở quán nước đầu làng. Chủ tịch cho rằng, đây là ví dụ mà những DN Hà Nội như Hapro cần suy ngẫm để hạ quyết tâm phát triển thương mại ở những tỉnh như Bắc Giang, Lạng Sơn mạnh mẽ và hiệu quả hơn.
Đưa hiệu quả hợp tác lên tầm cao mới
Dẫu hợp tác giữa Hà Nội và hai tỉnh còn khiêm tốn, nhưng những cố gắng thời gian qua đang từng bước tiến triển. Hapro đang xây dựng một trung tâm thương mại 7.000m2 ở TP Bắc Giang, dự kiến hoàn thành trong tháng 3 tới và đưa vào hoạt động trong năm nay. Tổng công ty này cùng với một số DN Hà Nội khác cũng dành sự quan tâm đặc biệt đến việc phát triển khu kinh tế cửa khẩu tại Lạng Sơn. Hanoitourist cũng đang chuẩn bị nâng cấp văn phòng đại diện tại Lạng Sơn thành chi nhánh… Những tín hiệu mới này cộng hưởng với quyết tâm vừa được lãnh đạo TP và các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn khẳng định trong các cuộc làm việc vừa qua chắc chắn sẽ giúp hợp tác phát triển giữa các địa phương ngày càng cải thiện.
Trong bối cảnh đặt trọng tâm phát triển là kinh tế, Hà Nội, Bắc Giang và Lạng Sơn có một điểm chung rất đáng kể là cùng nằm trên hành lang kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Lạng Sơn - Hà Nội - Hải Phòng. Trong cuộc tiếp xúc với lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn và Bắc Giang, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo cho rằng, nước bạn muốn thông qua hành lang kinh tế này để vào Đông Nam Á, vì vậy chúng ta cần tận dụng cơ hội này để đẩy mạnh hàng hóa đi theo chiều ngược lại. Muốn làm tốt việc đó chỉ có cách phải đoàn kết, hợp tác chặt chẽ và thiết thực hơn.
Không chỉ cùng nằm trên một hành lang kinh tế, sự gắn kết giữa hai tỉnh với Hà Nội cũng rất thuận lợi nhờ hệ thống giao thông quốc gia, Lạng Sơn chỉ cách Hà Nội 154km, Bắc Giang còn giáp Hà Nội ở phía Tây (Sóc Sơn - Hiệp Hòa). Có nhiều điều kiện thuận lợi để hợp tác, nhưng kết quả còn khiêm tốn đã thôi thúc lãnh đạo TP Hà Nội và các tỉnh xích lại gần nhau hơn với quyết tâm đổi mới, nâng cao hiệu quả hợp tác. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo nhấn mạnh trong các cuộc làm việc với lãnh đạo tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn: "Chúng ta cần cố gắng đẩy cao hơn nữa chất lượng và hiệu quả hợp tác. Tới đây, các sở, ban, ngành sẽ được giao nhiệm vụ chủ động làm việc để xây dựng kế hoạch, chương trình hợp tác cụ thể". Quyết tâm này nhận được sự tán thành nhiệt liệt của lãnh đạo hai tỉnh. Bí thư Tỉnh ủy Lạng Sơn Phùng Thanh Kiểm và Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Nông Quốc Tuấn cùng bày tỏ sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các DN Hà Nội mở rộng đầu tư sản xuất, kinh doanh tại địa phương.
Mở rộng và nâng cao hiệu quả hợp tác, liên kết giữa Hà Nội với các tỉnh, TP như Bắc Giang, Lạng Sơn giờ không chỉ là nhu cầu thực tiễn mà còn là nhiệm vụ chính trị được nêu rõ trong Nghị quyết 11 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội giai đoạn 2011-2020: "Các tỉnh, thành phố cùng với Hà Nội tăng cường các hình thức liên kết, hợp tác phù hợp với nhu cầu và thế mạnh của các địa phương, tạo sự thống nhất và sức mạnh chung về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho Hà Nội, cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước". Đây là lý do để tin tưởng rằng, những hạn chế trong hợp tác hiện nay sẽ dần được khắc phục. Hà Nội - Bắc Giang - Lạng Sơn với cùng một hành lang kinh tế, sẽ chung một ý chí, quyết tâm đưa hợp tác phát triển lên tầm cao mới.