Doanh nghiệp hồi hộp, nông dân bất an
Kinh tế - Ngày đăng : 07:16, 04/03/2010
Kim ngạch xuất khẩu gạo có đạt 3 đến 3,2 tỷ USD?
Nhập lúa vào kho để chế biến gạo xuất khẩu ở Xí nghiệp Lương thực Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Ảnh: Đình Huệ
Theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), mục tiêu XK gạo năm nay của ta vẫn duy trì mức 6 triệu tấn, nhưng kim ngạch sẽ phấn đấu đạt từ 3 đến 3,2 tỷ USD. Để đến được đích đó, giá gạo XK sẽ phải dao động ở khoảng 500-533 USD/tấn, tăng 94,58 đến 127,58 USD/tấn so với năm trước. Nếu "cán đích" ở con số đó, thị trường XK gạo Việt Nam sẽ một lần nữa duy trì kỷ lục về khối lượng XK mặt hàng nông sản chiến lược này và giá lúa nông dân bán cho các DN cũng theo đó tăng lên. Thế nhưng, hiện giá gạo XK giảm mạnh, thị trường XK gạo thế giới bấp bênh giữa nguồn cung và cầu đã ảnh hưởng không nhỏ đến thị trường XK lúa, gạo trong nước. Thị trường gạo cấp thấp của Việt Nam sẽ phải cạnh tranh với gạo giá rẻ của Ápganixtan, Mianma và phải đối mặt với sự thiếu hụt những hợp đồng XK. Ông Phạm Văn Bảy, Phó Chủ tịch VFA cho biết, trước kia chỉ cần Ấn Độ, châu Phi, Inđônêxia, Irắc mua gạo thì thị trường XK gạo hàng hóa Việt Nam có thể vững tâm. Nhưng hiện nay thị trường này đang rất "im ắng", không có tín hiệu nhập khẩu. Điều đáng buồn hơn là nhiều hợp đồng XK gạo đã ký cũng chưa thực hiện được bởi các đối tác nước ngoài đang gặp khó khăn về tài chính. Hiện gạo tồn kho của các DN trong nước là 1,158 triệu tấn. Ông Bảy cho biết thêm, mặc dù Inđônêxia gặp phải thời tiết xấu ảnh hưởng đến sản xuất lúa, gạo nhưng vẫn không thấy họ có động thái nhập khẩu vì lượng gạo tồn kho của họ khá cao, lên đến 1,2 triệu tấn. Đặc biệt, thị trường rộng lớn Ấn Độ cũng dự báo những tín hiệu không khả quan. Được biết, sản lượng gạo của thị trường nước này tăng thêm 1,5 triệu tấn và đây cũng là yếu tố có ý nghĩa quyết định để cơ quan này đưa ra dự báo về dự trữ gạo cuối kỳ của thế giới sẽ tăng thêm 1,2 triệu tấn, còn của Ấn Độ sẽ tăng thêm 1,5 triệu tấn, thậm chí là 2,2 triệu tấn vì sản lượng gạo vụ mùa quan trọng nhất trong năm hiện đang thu hoạch. Vì thế, việc Ấn Độ sẽ nhập khẩu 2-3 triệu tấn hoặc 5 triệu tấn gạo theo dự báo đưa ra khó thành hiện thực. Ông Bảy đánh giá, tình hình lúa gạo trên thế giới nguồn cung vẫn còn thấp khá nhiều so với nhu cầu, như vậy giá lúa, gạo chắc chắn sẽ khả quan hơn. Song, do các công ty đa quốc gia đang tạo sức ép lên giá gạo Việt Nam, vì họ biết Việt Nam còn tồn kho gạo, cộng với áp lực thu hoạch vụ đông xuân 2009-2010 đang đến gần rất lớn. Một số nước khác đang chờ giá gạo Việt Nam xuống mới tiến hành đàm phán. Nếu vượt qua được sức ép lúc này thì có khả năng bước sang quý II, giá gạo sẽ bật trở lại. Với biến động đó, XK lúa, gạo liệu có đạt kim ngạch 3 đến 3,2 tỷ USD?
Hạn chế thiệt hại cho nông dân
Giá lúa tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã giảm xuống còn 4.300 đồng đến 4.400 đồng/kg. Theo dự báo của VFA, nếu các doanh nghiệp XK gạo vẫn "đắn đo" không thu mua lúa của dân, giá lúa sẽ tiếp tục giảm mạnh khi nông dân bước vào thu hoạch vụ đông xuân trong tháng tới. Để bình ổn giá lúa, gạo, tránh để nông dân phải bán lúa giá thấp, đã có rất nhiều phương án được đưa ra như hỗ trợ nông dân từ tín dụng, hỗ trợ đầu vào, đầu ra... Song, để bình ổn được thị trường này, các bộ, ngành phải có những biện pháp đồng bộ đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ hàng hóa, kết hợp cả hỗ trợ trực tiếp và hỗ trợ gián tiếp đầu vào cũng như đầu ra cho nông dân. Bộ Tài chính "hiến kế", thành lập quỹ bình ổn giá thóc, gạo để hỗ trợ nông dân và các DN giữ được mức lãi tối thiểu. Quỹ bình ổn giá thóc, gạo được hình thành từ nguồn thu một phần lợi nhuận trước thuế của lượng gạo xuất khẩu của DN. Số tiền này sẽ được sử dụng để bình ổn giá thóc, gạo khi giá xuống thấp.
Trước diễn biến bấp bênh hiện nay của thị trường lúa, gạo, để tránh thiệt hại cho nông dân, ngoài việc VFA "phân" cho 30 DN mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo, Chính phủ cũng vừa chỉ đạo Bộ Tài chính mua 50.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2010. Liệu các động thái đó có tránh được thiệt hại cho nông dân? Và việc bảo đảm lợi nhuận tối thiểu 30% cho nông dân theo chỉ đạo của Chính phủ có trở thành hiện thực? Bởi hầu hết các DN mua giá đó từ thương lái chứ không mua trực tiếp của nông dân. Thực trạng đó đã dẫn đến việc thương lái ép giá nông dân. Ông Bảy cho biết, để người dân bán được lúa với giá cao, năm nay VFA sẽ chỉ đạo các đơn vị thành viên thỏa thuận với thương lái mua đúng giá niêm yết cho người dân. Đối với các thương lái họ sẽ nhận được một khoản chênh lệch bảo đảm lợi nhuận tối đa cho họ sau khi trừ tất cả các khoản chi phí.
Lâu nay, chuyện nông dân bị thương lái ép giá, bán rẻ lúa, gạo đã là chuyện rất cũ, vẫn còn đang tồn tại. Việc tìm "thuốc chữa" cho "căn bệnh" này vẫn trở nên cấp bách ở mọi thời điểm. Trăm cái khổ, cái thiệt đều đổ vào đầu nông dân. Thiết nghĩ, ngoài các biện pháp hỗ trợ nông dân trong sản xuất, đã đến lúc các DN nên xây dựng hệ thống thu mua lúa, gạo đến tận người nông dân, xây kho tạm trữ lúa để chế biến gạo xuất khẩu, tránh thiệt hại cho nông dân.