Nhân duyên
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:43, 04/03/2010
Khó có thể diễn tả hết ý nghĩa của chuyến đi này, chúng tôi xin mượn lời của Hòa thượng Huyền Diệu, người đã có công xây dựng Việt Nam quốc Phật tự tại Bồ Đề Đạo tràng, nơi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni giác ngộ "Đây là một chuyến đi màu nhiệm sau hơn 2000 năm Phật giáo du nhập từ Ấn Độ vào nước ta". Sự màu nhiệm ấy không chỉ ở chỗ, lần đầu tiên Việt Nam được cung nghinh ngọc xá lợi của Phật bổn sư, món quà của Phó Chủ tịch Giáo hội Phật giáo thế giới, ngài U.Nyaneinds tặng Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan nhân chuyến viếng thăm chính thức nước Cộng hòa Ấn Độ hồi cuối tháng 9, đầu tháng 10-2009 của bà, mà còn là ở sự kiện này thể hiện mối quan hệ truyền thống lâu đời giữa hai nước, hai dân tộc.
Rước xá lợi rời Việt Nam Quốc Tự. |
Chuyến đi màu nhiệm
4h sáng ngày 3-3-2010, tức ngày 18 tháng Giêng năm Canh Dần, chuyên cơ Airbus 320 mang số hiệu VN980 cất cánh từ sân bay Nội Bài, Hà Nội, đưa Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam với gần 150 vị Giáo phẩm và Cư sĩ, Phật tử đến từ mọi miền đất nước lên đường sang Ấn Độ làm lễ cung nghinh ngọc xá lợi về nước. Đây là lần thứ hai Giáo hội Phật giáo Việt Nam long trọng tổ chức Đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật trên quy mô lớn và cũng là lần đầu tiên đón xá lợi Phật từ nước ngoài về. Trước đó, vào ngày 6-6-2009, Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng đã cử hành Đại lễ cung nghinh ngọc xá lợi Phật, rước mười viên ngọc xá lợi Phật và sáu viên ngọc xá lợi Thánh Tăng từ tổ đình Giác Quang (TP Hồ Chí Minh) về tôn thờ tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) và chùa Bái Đính (Ninh Bình).
Sau hơn 3 giờ bay, đoàn đáp xuống sân bay Gaya và nhận được sự tiếp đón nồng hậu của các tăng ni, phật tử. Hòa thượng Huyền Diệu đích thân quàng lên cổ mỗi đại biểu một tràng hoa và nhiệt tình sắp xếp để đoàn kịp đến Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya), một địa danh nổi tiếng ở Gaya, Ấn Độ làm lễ. Dưới bóng cây bồ đề, nơi Đức Phật đã giác ngộ lễ cung nghinh phật xá lợi đã diễn ra trang trọng. Theo truyền thuyết, vào khoảng 500 năm trước Công nguyên, hoàng tử Tất-đạt-đa Cồ-đàm, khi đó đã là một nhà tu hành đi khất thực, đến bờ sông Falgu gần thành phố Gaya và đã ngồi thiền dưới cây bồ đề trong 3 ngày, 3 đêm và đạt được giác ngộ. Anh Bình, một phật tử có nhiệm vụ đón đoàn cho biết, trải qua thời gian cây bồ đề đã chết đi sống lại nhiều lần nhưng giờ nó vẫn sừng sững đứng đó, tỏa bóng mát cho các đệ tử của Phật thích Ca Mâu Ni, dẫu họ có xuất giá đi tu hay coi Phật giáo là một tín ngưỡng đẹp để hướng theo, dẫu họ xuất thân sang hay hèn, dẫu họ là ai, từ đâu đến. Sau lễ tụng kinh, Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam do Hòa thượng Thích Giác Toàn, Phó Chủ tịch, kiêm Trưởng ban Kinh tế Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Thượng tọa Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Trung ương Hội, Hòa thượng Thích Thiện Tánh, Ủy viên kiểm soát Trung ương Hội Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Phó ban Thường trực Ban trị sự Thành hội Phật giáo TP Hồ Chí Minh và nhiều vị giáo phẩm, cư sĩ đã cung nghinh 3 tháp chứa 9 viên xá lợi quanh Tháp Bồ Đề Đạo Tràng. Tháp nhọn phía trên thờ xá lợi của Đức Phật được gọi là Mahabodhi Stupa, còn phần phía dưới là chính điện Mahadodhi Temple tráng lệ thẳng đứng cao khoảng 3,5 mét, tường tháp được xây dựng bằng gạch xanh trộn với vôi và trong hốc tường có các tượng Phật bằng vàng. Cột, cửa chính, cửa sổ được trang trí bằng vàng, bạc, trộn lẫn với xà cừ và ngọc quý, tượng Phật Quan Thế Âm và Đức Phật Di lặc cao khoảng 200cm đặt trong hốc tường bên trái và bên phải cửa ngoài chính điện. Ở giữa chính điện thờ một tượng lớn của Đức Phật Thích Ca trong tư thế chạm đất với cánh tay phải. Bồ Đề Đạo Tràng là một địa danh linh thiêng, lúc chúng tôi có mặt, khá nhiều tăng ni, phật tử đang ngồi thiền quanh tháp, trong đó có cả những người châu Âu.
Rời Bồ Đề Đạo Tràng, chúng tôi theo Hòa thượng Huyền Diệu về chùa Việt Nam. Theo lời kể của các phật tử, quanh Bồ Đề Đạo Tràng có 19 ngôi chùa của các nước. Việt Nam Phật Quốc tự nằm cách xa xóm chùa, ẩn mình trong một không gian yên tĩnh. 20 năm trước, thầy Huyền Diệu, người đã từng đỗ Tiến sĩ sử học tại ĐH danh tiếng Sorborn (Pháp) nhưng đã tìm đến đất Phật và dùng tiền dạy học của mình cũng như công đức của các phật tử để xây nên ngôi chùa này. Chùa Việt Nam nhỏ nhắn trong một khu vườn rộng khoảng 3 hécta, trong đó trồng rất nhiều tre. Không thể nhầm lẫn chùa Việt Nam với những chùa khác bởi mái ngói cong vút hình chiếc thuyền bát nhã, trông như những cánh sen vươn lên từ bùn đen, hướng về cái thiện. Chúng tôi chỉ có hơn nửa tiếng để thắp hương cúng Phật, thăm chùa và dùng bữa cơm chay có bún canh măng, cơm chiên 3 màu và sữa đậu nành. Bữa cơm chay đạm bạc nhưng tình cảm mà các tăng ni, phật tử người Việt Nam dành cho khách đến từ trong nước trong một chuyến đi màu nhiệm thật là vô giá.
Truyền thuyết và những điều huyền diệu
Phát biểu trong lễ cung nghinh xá lợi Phật, đại diện của Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Hòa thượng Thích Giác Toàn đã nhấn mạnh: Phật giáo đã du nhập vào Việt Nam hơn 2000 năm nhưng lần đầu được rước xá lợi của Phật Thích Ca Mâu Ni về an vị tại một ngôi chùa Phật giáo đương đại Bái Đính Tân Tự là một nhân duyên lành lớn.
Xá lợi nhìn cận cảnh. |
Đại lễ cung nghinh và an vị ngọc xá lợi Phật từ Ấn Độ về chùa Bái Đính là sự kiện có ý nghĩa tâm linh đặc biệt đối với tăng ni, Phật tử trong cả nước. Vì xá lợi Phật là một pháp bảo nhiệm màu, có công năng diệu dụng trong quá trình tu tập của đạo Phật. "Những hạt cứng", nghĩa đen của từ "sarira" trong tiếng Phạn được phiên âm thành xá lị (xá lợi) cho đến nay vẫn là một bí ẩn dẫu nền khoa học của nhân loại đã phát triển ở trình độ cao. Theo những ghi chép trong lịch sử Phật giáo, khi Phật tổ Thích Ca Mâu Ni viên tịch, các tín đồ đã đem thi hài đi hỏa táng. Sau khi lửa tàn, họ phát hiện trong tro có nhiều tinh thể trong suốt, hình dạng và kích thước khác nhau, cứng như thép, long lanh và tỏa ra tia sáng muôn màu, giống như những viên ngọc quý. Họ đếm được tất cả 84 nghìn viên, đặt tên là xá lợi và là bảo vật của Phật giáo. Ngọc xá lợi Phật được phân thành 8 phần chia cho 8 nước cúng dường và thờ phụng. Phật lịch 218, đại đế Asoka đã tạo lập 84 nghìn ngôi Bảo tháp trên khắp các xứ ở Ấn Độ để tôn thờ xá lợi Đức Phật và được truyền cho đến tận ngày nay.
Những năm gần đây, lịch sử Phật giáo và giới khoa học đã ghi lại khá nhiều trường hợp các vị cao tăng sau khi viên tịch, hỏa thiêu để lại xá lợi. Bí ẩn về viên xá lợi đã được các nhà khoa học tìm cách giải thích nhưng đã gặp không ít khó khăn. Nhiều phương án đưa ra để lý giải về sự hình thành những viên xá lợi này, như thói quen ăn chay của những người tu hành đã tích lũy muối phốt pho, các bon trong các bộ phận cơ thể, hay là một hiện tượng bệnh lý nhưng lại không thể giải thích vì sao những người ăn chay khác hay những bệnh nhân bị sỏi thận, sỏi mật… khi hỏa thiêu không có xá lợi. Nhà Phật cũng có 2 quan điểm khác nhau về xá lợi, một cho rằng đó là kết quả của quá trình tu hành và khổ luyện; quan điểm kia lại khẳng định đó là kết quả của quá trình tu dưỡng đạo đức, chỉ xuất hiện ở những người có tấm lòng đại từ đại bi, luôn làm việc thiện. Trong suốt chuyến đi, chúng tôi may mắn được chiêm ngưỡng 9 viên xá lợi, to bằng hạt đậu, để trong 3 tòa tháp bằng thủy tinh để ngẫm ngợi về sự huyền diệu của nó và tự nhủ rằng cơ duyên này không phải ai cũng gặp, nên hãy sống thế nào cho xứng.
Được cùng Đoàn đại biểu Giáo hội Phật giáo Việt Nam đến quê hương của Phật Thích Ca để cung nghinh ngọc xá lợi trong một chuyến đi may mắn chỉ có ở trong mơ, đã không chỉ cho chúng tôi hiểu hơn về đạo Phật, mà còn được chứng kiến một sự kiện quan trọng thể hiện mối quan hệ bang giao truyền thống, hữu nghị giữa hai đất nước.
17 giờ cùng ngày, chúng tôi hạ cánh xuống sân bay Nội Bài trong sự chào đón của hàng nghìn phật tử. Đoàn xe rước Phật xá lợi về Ninh Bình ngày càng dài thêm, trên đường đi, không ít người biết tin lành đã đứng hai bên đường đón Đức Phật. 20 giờ, lễ an vị xá lợi Phật đã diễn ra theo nghi lễ nhà Phật với sự chứng kiến của hàng vạn người.
Bái Đính, nơi xây dựng ngôi chùa có phước duyên an vị ngọc xá lợi Phật trong cả hai Đại lễ cung nghinh do Giáo hội Phật giáo Việt Nam tổ chức, là miền đất Phật đã có từ lâu đời. Trên núi Bái Đính, có một ngôi cổ tự rất đỗi linh thiêng trong tâm thức dân gian, gắn liền với nhiều huyền thoại về cuộc đời của vị danh sư sáng lập: Lý triều Quốc sư Nguyễn Minh Không (1065-1141). Trải bao mưa gió, thăng trầm lịch sử gần ngàn năm, ngôi chùa Bái Đính cổ theo kiến trúc chùa động độc đáo, từng một thời nức tiếng là "Minh Đỉnh danh lam" này luôn được người dân địa phương gìn giữ, hương khói. Núi chùa Bái Đính cũng là một cơ sở của "căn cứ địa Trường Yên" trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên - Mông (thế kỷ XIII), cũng là nơi diễn ra những sự kiện của các cuộc chiến tranh thời Mạc (thế kỷ XVI) và thời Tây Sơn (TK XVIII). Sử sách cũng ghi, những hoạt động cách mạng chuẩn bị Tổng khởi nghĩa năm 1945 đã được tổ chức ở đây. Tiếp nối truyền thống ấy, chùa Bái Đính mới tọa lạc trên đồi Ba Rau, dựa vào chân núi Bái Đính, tổng diện tích 700ha, khởi công xây dựng năm 2006, dự kiến hoàn thành vào năm 2010 để kỷ niệm 1000 năm Vua Lý Thái Tổ thiên đô Hoa Lư, định đô Thăng Long.
Chuyến đi nhiệm màu và nhân duyên lành lớn này khó có thể trở thành sự thật nếu không có sự nỗ lực đầy quyết tâm của Công ty Trường An. Tăng ni, phật tử Giáo hội Phật giáo Việt Nam coi sự kiện này là sự khích lệ to lớn trong việc không ngừng phát huy truyền thống hộ quốc an dân, đồng hành với dân tộc theo phương châm "Đạo Pháp - Dân tộc - Chủ nghĩa xã hội". Còn với dân tộc Việt Nam, đây cũng là một nhân duyên lành lớn, hứa hẹn sự phát triển của đất nước trong tương lai.