Loạn hàng giả, hàng nhái!
Đời sống - Ngày đăng : 06:27, 04/03/2010
Đội quản lý thị trường số 17 kiểm đếm hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ bị tịch thu. |
(HNM) - Đã có nhiều văn bản pháp lý liên quan đến việc chống hàng giả, hàng nhái, nhưng việc điều tra, xử lý những sai phạm vẫn còn rất lúng túng. Hàng giả, hàng nhái đang có mặt ở khắp mọi nơi, với đủ loại mặt hàng, gây thiệt hại lớn cho Nhà nước và doanh nghiệp...
Theo thống kê của Ban chỉ đạo 127, năm 2009, các lực lượng chức năng của thành phố Hà Nội đã phát hiện và bắt giữ 350.000 vụ việc, trong đó có nhiều vụ là hàng nhái, hàng giả, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ... Bất cứ hàng hóa nào cũng có thể bị làm nhái, làm giả, song chủ yếu tập trung vào các thương hiệu nổi tiếng của nước ngoài như Adidas, Goliath, Amarni, Levis, Luis Vuitton... Trong số thương hiệu danh tiếng này, thì Adidas, Levis là có đại lý phân phối sản phẩm ở Việt Nam, còn các hãng khác hầu hết là hàng trôi nổi, được đưa từ nước ngoài về dưới dạng hàng xách tay.
Tại thị trường Hà Nội, một chiếc túi xách da nhỏ của phụ nữ, được sản xuất bởi hãng Luis Vuitton có giá từ 30-40 triệu đồng. Các sản phẩm khác: quần bò D&G có giá 800 USD; áo phông Amarni 200 USD; bộ vét của Versace 4.000 USD… Với giá đắt như vậy chỉ một bộ phận rất nhỏ người Việt Nam có thể sở hữu. Thế nhưng, các thương hiệu nổi tiếng lại "có mặt" ở hầu hết các khu chợ, trung tâm thương mại, siêu thị, thậm chí các chợ cóc ở quê cũng có bán. Chính sự nổi tiếng đó đã làm cho nhiều thương hiệu trở thành nạn nhân của hàng nhái, hàng giả. Không cần có danh tiếng 100 năm hay 500 năm, cũng không cần một đội ngũ thiết kế, người mẫu với mức lương hàng chục, hàng trăm ngàn USD mỗi tháng... các "ông trùm" làm hàng nhái chỉ cần mua một bộ sản phẩm, đôi khi chỉ cần xem kỹ là đã có thể cho ra đời những sản phẩm giống hệt. Không chỉ mặt hàng quần áo, các sản phẩm khác như kính, đồng hồ, bút máy, mỹ phẩm, máy tính, thiết bị vệ sinh, đồ gia dụng cũng tràn ngập hàng giả, hàng nhái.
Thông tư liên tịch số 10 ngày 27-4-2000 của Bộ Công thương và Bộ Khoa học - Công nghệ hướng dẫn thực hiện Chỉ thị 31 ngày 27-10-1999 của Thủ tướng Chính phủ về đấu tranh chống buôn bán hàng giả quy định rõ những loại hàng hóa có dấu hiệu sau đây sẽ bị coi là hàng giả, hàng nhái: giả chất lượng hoặc công dụng; giả về nhãn hiệu hàng hóa, kiểu dáng, xuất xứ, nguồn gốc... Khi phát hiện, cơ quan chức năng có quyền phạt tiền, tước giấy phép kinh doanh, tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm. Ngoài ra còn nhiều văn bản khác điều chỉnh việc sản xuất, buôn bán hàng nhái, hàng giả... Một cán bộ quản lý thị trường của thành phố Hà Nội cho rằng: Hàng giả, hàng nhái vẫn nhiều là do lực lượng xử lý quá mỏng và trình độ làm hàng giả, hàng nhái lại rất tinh vi, phát hiện không dễ. Theo quy định của pháp luật, muốn xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng nhái, bắt buộc phải có kết luận giám định hàng giả.
Trong khi đó, chi phí giám định đối với các mặt hàng giả, kém chất lượng lại khá cao và khi đưa đi giám định lực lượng thực thi phải tạm ứng kinh phí giám định, nếu đúng là hàng giả thì phải tiêu hủy. Sau khi có kết luận, những tổ chức, cá nhân vi phạm phải nộp khoản tiền giám định đó, nhưng hầu như không ai nộp và đơn vị quản lý thị trường không có thẩm quyền để cưỡng chế, bắt người vi phạm phải nộp phí giám định. Bên cạnh đó, tình trạng hàng giả, hàng nhái tràn lan cũng có một phần lỗi của người tiêu dùng. Rất nhiều người cho rằng, có hàng nhái, hàng giả thì họ mới được dùng hàng hiệu, dù là hàng "rởm". Một số khác lại có quan niệm, nếu không có hàng nhái, hàng giả thì hàng xịn còn đắt tiền hơn nữa; cứ rẻ và đẹp thì mua, không cần quan tâm đến hàng hiệu hay hàng nhái...
Mặc dù số vụ vi phạm về hàng giả, hàng nhái những năm qua là rất nhiều, song số vụ bị xử phạt còn khá khiêm tốn. Ông Lê Thế Bảo, Chủ tịch Hiệp hội Chống hàng giả và bảo vệ thương hiệu Việt Nam cho biết: Việc xử lý hàng giả, hàng nhái hiện nay vẫn chưa được quan tâm đúng mức. Chế tài xử phạt đối tượng vi phạm về hàng giả, nhái lại quá nhẹ, dẫn đến số vụ vi phạm tăng nhanh. Chẳng hạn, những người sản xuất, buôn lậu rượu giả lãi hàng chục tỷ đồng sau mỗi thương vụ trót lọt, nếu phát hiện cũng chỉ phạt vài triệu đồng, nên chẳng ai sợ. Trên thực tế có những người làm hàng giả, hàng nhái sẵn sàng chấp nhận nộp phạt để thu lợi.
Để hạn chế nạn hàng giả, hàng nhái, ngoài việc các cơ quan chức năng tăng cường biện pháp đấu tranh, tăng chế tài xử phạt, các doanh nghiệp có sản phẩm bị làm nhái, làm giả cần khởi kiện các cá nhân, đơn vị vi phạm ra tòa. Đó cũng là biện pháp tốt nhất để doanh nghiệp tự bảo vệ mình.