Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo
Đời sống - Ngày đăng : 14:53, 09/01/2023
Cụ thể, với 449 đại biểu tán thành/489 đại biểu có mặt (chiếm 90,52% tổng số đại biểu), Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết, trong đó, nhấn mạnh mục tiêu phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt…
Trước khi biểu quyết thông qua, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Cụ thể, tại kỳ họp bất thường lần thứ hai, Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết này với 191 lượt ý kiến phát biểu tại tổ và hội trường, 370 ý kiến tham gia vào dự thảo nghị quyết, trong đó, có 215 ý kiến hoàn toàn nhất trí, 155 tham gia trực tiếp của các đại biểu Quốc hội.
Nghị quyết gồm 15 điều, trong đó đặt ra mục tiêu giai đoạn 2031-2050, phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong nước (GDP) bình quân khoảng 6,5 - 7,5%/năm. Đến năm 2050, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 27.000 - 32.000 USD; tỷ lệ đô thị hóa đến năm 2050 đạt 70-75%. Chỉ số phát triển con người (HDI) đạt từ 0,8 trở lên, đời sống của người dân hạnh phúc; quốc phòng, an ninh được bảo đảm vững chắc.
Về mục tiêu, chỉ tiêu cụ thể, Nghị quyết đặt mục tiêu phấn đấu tốc độ tăng trưởng GDP cả nước bình quân đạt khoảng 7%/năm giai đoạn 2021-2030. Đến năm 2030, GDP bình quân đầu người theo giá hiện hành đạt khoảng 7.500 USD. Tỷ trọng trong GDP của khu vực dịch vụ đạt trên 50%, khu vực công nghiệp - xây dựng trên 40%, khu vực nông, lâm, thủy sản dưới 10%. Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đạt trên 6,5%/năm. Đóng góp của năng suất nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng đạt trên 50%.
Nghị quyết cũng đặt mục tiêu phát huy lợi thế của từng vùng kinh tế - xã hội; tập trung phát triển hai vùng động lực phía Bắc và phía Nam gắn với hai cực tăng trưởng là Thủ đô Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh, hành lang kinh tế Bắc - Nam, các hành lang kinh tế Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Mộc Bài - thành phố Hồ Chí Minh - Biên Hòa - Vũng Tàu với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, có tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp lớn vào phát triển chung của đất nước.
Về định hướng phân bố các vùng đô thị lớn, trong đó xây dựng hệ thống đô thị vùng Thủ đô Hà Nội gồm Thủ đô Hà Nội và các đô thị lân cận của các tỉnh xung quanh thuộc vùng Đồng bằng sông Hồng, vùng trung du và miền núi phía Bắc, nhằm chia sẻ chức năng về giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học, công nghệ, thương mại, dịch vụ, du lịch và hạn chế sự tập trung quá mức vào đô thị trung tâm Hà Nội.
Tập trung phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và hạ tầng kết nối đồng bộ, hiện đại, bao gồm các trục từ Hà Nội kết nối với các đô thị lớn của vùng, các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội và các tuyến đường sắt đô thị, đường sắt vành đai phía Đông Thủ đô Hà Nội, thúc đẩy liên kết và lan tỏa phát triển kinh tế - xã hội cho cả khu vực phía Bắc. Hình thành các vành đai công nghiệp, đô thị, dịch vụ dọc theo các đường Vành đai 4, Vành đai 5 Thủ đô Hà Nội.
Phát triển Thủ đô Hà Nội trở thành đô thị thông minh, năng động, sáng tạo, dẫn dắt; đầu tàu trong khoa học, công nghệ; trung tâm giao dịch quốc tế, dịch vụ giáo dục, đào tạo, y tế, tài chính, ngân hàng chất lượng cao; đầu mối giao thông quan trọng của khu vực và quốc tế. Tập trung xây dựng hạ tầng đô thị hiện đại, nhất là hạ tầng giao thông, thoát nước, sớm khắc phục tình trạng tắc nghẽn, ngập úng.
Đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các dự án đường sắt đô thị; xây dựng thêm các cầu qua sông Hồng, sông Đuống. Quản lý, khai thác không gian ngầm gắn với nâng cao hiệu quả sử dụng quỹ đất đô thị. Xây dựng các thành phố trực thuộc Thủ đô Hà Nội, các đô thị vệ tinh có hạ tầng đồng bộ, tiện ích và dịch vụ đô thị, giao thông kết nối thuận tiện với trung tâm, giảm tải khu vực nội đô và mở rộng không gian phát triển của Hà Nội.