Phim mới - “Ngôi nhà trong hẻm”: Giản tiện, đáng xem
Giải trí - Ngày đăng : 08:18, 15/02/2012
Qua hai buổi công chiếu tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội, tuy không được đánh giá xuất sắc song "Ngôi nhà trong hẻm" ít nhiều tạo được niềm tin cho giới chuyên môn, chủ yếu là về "công thức" làm phim hiệu quả.
Ngô Thanh Vân vào vai Thảo, người vợ hứng chịu bi kịch của “Ngôi nhà trong hẻm”. |
Bộ phim thứ hai của đạo diễn trẻ Lê Văn Kiệt và nhà sản xuất Trần Trọng Dần thực hiện tại Việt Nam, sau "Bẫy cấp 3", có sự tham gia của hai diễn viên đã khẳng định được bản lĩnh diễn xuất là Ngô Thanh Vân và Trần Bảo Sơn. Phim còn tập hợp đội ngũ thiết kế và ê kíp thực hiện âm thanh của các bộ phim ăn khách trước đó như "Long Ruồi", "Để mai tính", "Cô dâu đại chiến". Ngay cả tay máy người Mỹ Joel Spezeski cũng đã từng tham gia "Khi yêu đừng quay đầu lại", "Bóng ma học đường", những bộ phim kinh dị của mùa phim Tết trước đó, nghĩa là đã quen với điều kiện làm phim ở Việt Nam.
"Ngôi nhà trong hẻm" tập trung khai thác bi kịch tinh thần trong xã hội hiện đại thông qua những mâu thuẫn của một cặp vợ chồng. Chuyện phim diễn ra trong bối cảnh hẹp, với ngôi nhà nằm sâu trong một con hẻm ngoằn ngoèo. Phần lớn các sự kiện diễn ra vào ban đêm, các nhân vật chủ yếu đối thoại tay đôi, giọng nói và tiếng động được thu âm trực tiếp, khuôn mặt diễn viên hầu như không trang điểm… Bằng đấy yếu tố, cộng với việc sử dụng khá hiệu quả máy quay "steady cam" - đi theo hành trình của nhân vật, và ý đồ sử dụng ánh sáng tông lạnh, những cú chuyển bất ngờ của đạo diễn đã góp phần làm gia tăng cảm giác hồi hộp, khiến khán giả nhiều phen giật mình thảng thốt.
Điểm trừ dễ thấy nhất của bộ phim có lẽ nằm ở kịch bản. Không khó đoán và đôi khi hơi dài dòng, đặc biệt là phần thoại của nhân vật nam chính - gượng và tối nghĩa, điều đó đã phần nào hạn chế khả năng diễn xuất của Trần Bảo Sơn. Trong khi đó, sự tái xuất của Ngô Thanh Vân, nữ diễn viên có vẻ đẹp hiện đại và kinh nghiệm diễn phim kinh dị từ "Ngôi nhà bí ẩn", được cho là khá thuyết phục.
Tiết kiệm bối cảnh, hạn chế số lượng diễn viên, không có nhiều tìm tòi trong kịch bản nhưng nhờ đi sâu khai thác hiệu ứng âm thanh - hình ảnh, "Ngôi nhà trong hẻm" vẫn là một bộ phim đáng bỏ tiền đến rạp. Không thực sự có phong độ ổn định từ đầu đến cuối phim nhưng Lê Văn Kiệt đã có cách xử lý khá thông minh đối với những cảnh quay ngoài ngôi nhà. Cảnh những người công nhân biểu tình được "nhìn" từ góc trong ngôi nhà hướng ra, qua cửa kính, rất ngột ngạt và căng thẳng. Cảnh người vợ cầm rìu truy sát chồng gây ấn tượng mạnh mẽ về hình ảnh... Điều đáng ghi nhận nữa về thủ pháp nghệ thuật là mọi góc trong ngôi nhà - bối cảnh chính của phim - đã được khai thác tối đa, với cách thiết kế và chiếu sáng hiệu quả. Poster của bộ phim cũng được thực hiện khá chuyên nghiệp với hai gương mặt diễn viên ăn khách, đánh thẳng vào tâm lý "nhìn diễn viên mà chọn phim" của số đông khán giả.
Có thể nói, món lạ ra mắt dịp Valentine này là một ví dụ tiêu biểu của lối làm phim giản tiện nhưng hiệu quả, cũng là một kinh nghiệm sản xuất đáng ghi nhận trong điều kiện làm phim hiện nay tại Việt Nam.