Sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức Lễ hội Đền Trần

Xã hội - Ngày đăng : 08:15, 15/02/2012

(HNM) - PV Báo Hànộimới đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam về những vấn đề đặt ra trong công tác tổ chức Lễ hội Đền Trần (Nam Định) 2012.

Hàng vạn người đổ về Đền Trần trong ngày 14 tháng Giêng.


- Thưa ông, dư luận đang vô cùng bức xúc trước tình trạng "cháy" ấn Đền Trần (Nam Định) chỉ sau hai ngày phát ấn. Với vai trò là Chủ nhiệm đề án "Mô hình tổ chức Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012", ông có nghĩ rằng đề án đã thất bại ngay trong năm đầu tiên được đưa vào ứng dụng?

- Trước quá nhiều vấn đề bất cập của Lễ hội Đền Trần năm 2011, Bộ VH,TT&DL đã giao cho Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam xây dựng đề án "Mô hình tổ chức Lễ hội Đền Trần Nam Định năm 2012". Sau khi tìm hiểu, nghiên cứu và lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học, của người dân và chính quyền tỉnh Nam Định, Viện Văn hóa - Nghệ thuật Việt Nam đưa ra phương án tổ chức phát ấn trong nhiều ngày. Căn cứ vào nhu cầu thực tế, BTC Lễ hội Đền Trần quyết định phát ấn đến hết tháng Giêng và điều này đã được công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Còn quá sớm để khẳng định hiệu quả của đề án đến đâu, song nhìn vào sự ổn định, trật tự của đêm khai ấn cũng như ngày đầu tiên phát ấn, rõ ràng đề án đã phần nào phát huy được tác dụng. Tuy nhiên, tôi cũng phải thẳng thắn thừa nhận rằng việc "cháy" ấn ngay sau hai ngày phát ấn nằm ngoài dự kiến của ban soạn thảo đề án cũng như chính quyền TP Nam Định.

- Vậy theo ông, đâu là nguyên nhân của hiện tượng trên?

- Theo tôi, có nhiều nguyên nhân, nhưng nguyên nhân đầu tiên và cơ bản chính là sự chồng chéo trong khâu quản lý di tích, quản lý việc tổ chức lễ hội và sự phân chia lợi ích không đồng đều giữa các bên tham gia.

Lâu nay, nhiều người vẫn cho rằng ấn Đền Trần như thế nào, đóng ấn, in ấn ra sao, bao nhiêu cho đủ… là chuyện riêng của dòng họ Trần, chỉ có người của dòng họ mới được làm. Năm 2012 cũng không phải là ngoại lệ. Các cụ nhà đền nói in hơn 20.000 bản ấn (gần gấp đôi lượng ấn năm 2011) thì mọi người biết vậy, chứ lãnh đạo TP Nam Định không được nhìn thấy, ban xây dựng đề án cũng không nhìn thấy. Thậm chí, có lần, đoàn cán bộ nghiên cứu xin phép vào đền để tìm hiểu ấn Đền Trần thì bị nhà đền ngăn lại và nói "vào để làm gì, nghiên cứu để làm gì". Rất khó để kiểm tra cụ thể xem nhà đền đã in bao nhiêu ấn.

Trên thực tế thì Đền Trần, dù là thờ tổ tiên nhà Trần nhưng đã trở thành di tích quốc gia, nên Lễ hội Đền Trần không đơn giản là của dòng họ trần. Vì thế, tôi cho rằng câu chuyện quản lý di tích và phân chia lợi ích giữa các bên tham gia Lễ hội Đền Trần nói riêng, gần 8.000 lễ hội dân gian trên phạm vi cả nước nói chung đã đến lúc phải xem xét lại.

- Điều đó có nghĩa là việc tổ chức Lễ hội Đền Trần Nam Định sẽ phải có sự thay đổi nhất định trong năm 2013 phải không, thưa ông?

- Tôi chắc chắn là như vậy. Hiện một số cán bộ của Viện Văn hóa - Nghệ thuật đang "cắm chốt" ở Lễ hội Đền Trần để lắng nghe dư luận. Trên cơ sở thông tin thu thập được, kết hợp với những "lỗ hổng" đã nhìn thấy, chúng tôi sẽ tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức Lễ hội Đền Trần năm 2013 và những năm tiếp theo. Trước hết, khâu dự báo phải chuẩn xác hơn; thứ hai là phải nghiên cứu lại hình thức phát ấn. Quan trọng hơn, chúng tôi sẽ phối hợp với các cơ quan hữu quan, các nhà nghiên cứu, chính quyền tỉnh Nam Định, chính quyền và nhân dân sở tại để từng bước tháo gỡ sự chồng chéo trong quản lý di tích, tìm phương án điều chỉnh lợi ích của các bên tham gia lễ hội.

Trước những bất cập, hạn chế của lễ hội, Bộ VH,TT&DL đã giao cho Viện Văn hóa - Nghệ thuật xây dựng quy chế tổ chức lễ hội văn minh. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tổ chức một hội thảo khoa học ở An Giang, nơi có Lễ hội Bà Chúa Xứ rất đông người tham gia nhưng vẫn giữ được an ninh trật tự, an toàn, để từ đó rút ra bài học và nhân rộng.

- Ông có thể nói thêm về cách thức quản lý lễ hội nói chung?

- Đối với vấn đề quản lý di sản hiện nay, UNESCO thường đánh giá cao vai trò của cộng đồng, để cộng đồng tự tổ chức, quản lý lễ hội. Song, diễn biến của một số lễ hội cho thấy không phải lúc nào để cộng đồng tự tổ chức, quản lý thì kết quả cũng tốt.

 Nhân đây, tôi muốn nói thêm là, dù các cơ quan chức năng có cố gắng đến đâu mà mỗi người dân không tự điều chỉnh hành vi, xây dựng ý thức văn minh khi tham dự lễ hội thì những "mặt trái" bị dư luận lên án bấy lâu nay rất khó có thể khắc phục.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Thu Hiền