Một vụ việc, nhiều day dứt
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:21, 15/02/2012
Bà con địa phương cho biết, những thương tích trên người bé Phi là do bố mẹ nuôi (Nguyễn Mùi và Đoàn Thị Hồng Yến) gây ra từ tối 10-2. Dù sau đó bé Phi đã mê man bất tỉnh nhưng vẫn bị bố mẹ nuôi xích ra sau nhà, gần chuồng gà. Cho đến khi có sự can thiệp của bà con hàng xóm và các đoàn thể trong xã Hành Trung, bé Phi mới được đưa tới bệnh viện cấp cứu...
Trước đó 1 tháng, cũng tại tỉnh Quảng Ngãi, cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an huyện Sơn Tây đã bắt giữ Đinh Văn Oanh (36 tuổi, người thôn Tà Vái, xã Sơn Long) do gây ra cái chết của vợ là Đoàn Thị Kích (26 tuổi). Đây cũng là hậu quả của một vụ bạo hành.
Và nhìn lại, tại không ít địa phương đã và đang xảy ra nhiều vụ việc để lại hậu quả đáng tiếc từ bạo lực, bạo hành trong gia đình mà trên đây chỉ là những ví dụ điển hình.
Tại Việt Nam, năm 2007, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời, đồng thời Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật với chế tài xử lý nghiêm minh những hành vi bạo lực gia đình. Năm 2008, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai "Mô hình can thiệp phòng, chống bạo lực gia đình" kết hợp lồng ghép tuyên truyền giúp thay đổi nhận thức, hành vi trong ứng xử về gia đình, từ đó dần xóa bỏ bạo lực gia đình, đề cao truyền thống tốt đẹp của con người, gia đình Việt Nam. Trên thế giới hiện có 89 quốc gia có những quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình, trong đó có 60 nước có đạo luật riêng về vấn đề này, 7 nước có đạo luật chống bạo lực với phụ nữ. Dù vậy, ở nhiều nơi trên thế giới và cả ở Việt Nam, phụ nữ và trẻ em vẫn là nạn nhân của bạo lực, bạo hành gia đình. Để giải quyết thực trạng này, bên cạnh việc vận động xây dựng các thiết chế gia đình bền vững còn đòi hỏi sự quan tâm, vào cuộc của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể cùng với xử lý nghiêm các hành vi bạo lực trong gia đình theo quy định của pháp luật. Nói cách khác, việc phòng, chống bạo lực trong gia đình là trách nhiệm của mỗi người dân.
Tuy nhiên, nhìn cụ thể vụ việc xảy ra đối với bé Nguyễn Thị Thục Phi, có nhiều vấn đề cần suy nghĩ. Từ phát biểu của bà con lối xóm gần nhà nạn nhân với một số tờ báo cho thấy, việc vợ chồng Nguyễn Mùi và Đoàn Thị Hồng Yến ngược đãi, đánh đập, hành hạ bé Phi không phải mới xảy ra mà là cả một thời gian dài. Một người ở đối diện nhà bé Phi cho biết: "Con bé mới 10 tuổi mà ngày nào cũng bị bắt dậy từ 4 giờ sáng để nhóm bếp, rửa chén bát, quét dọn, bưng bê cho khách". Một người khác, cũng là hàng xóm, kể với phóng viên: "Dã man nhất là bố nó (Nguyễn Mùi) dùng dây điện quất vào người rồi cởi hết quần áo cháu bé, dùng dây xích vào sau nhà...".
Câu hỏi ở đây là, những người đó, với những gì họ biết, họ chứng kiến thì họ đã thể hiện như thế nào trách nhiệm của mình trong việc bảo vệ một đứa trẻ trước hành vi bạo lực gia đình? Câu trả lời chỉ là sự im lặng và ẩn chứa sau đó phải chăng còn là thái độ thờ ơ, vô cảm trước những việc rất không bình thường xảy ra trong xã hội, giữa cộng đồng. Vậy nên, cũng không có gì là lạ khi chính quyền địa phương - những người còn "bận" trăm công nghìn việc khác - cũng không hề hay biết những chuyện ngược đãi, hành hạ phụ nữ, trẻ em… ở địa bàn mình phụ trách.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên ký kết Công ước quốc tế về Quyền trẻ em đã vài chục năm nay; Luật Phòng, chống bạo lực gia đình ra đời đã được 5 năm và chúng ta cũng đã triển khai nhiều công việc để đưa luật vào cuộc sống. Song xem ra, qua vụ việc trên, có thể thấy để bảo vệ trẻ em, còn rất nhiều việc chúng ta phải làm.