Sách mới: “Kinh nghiệm và Giáo dục”

Văn hóa - Ngày đăng : 13:58, 13/02/2012

(HNMO) - “Kinh nghiệm và Giáo dục” (Experience and Education) của John Dewey là một cuốn sách mỏng được xuất bản năm 1938 dựa trên một bài nói chuyện do ông thực hiện cùng năm đó theo lời mời của Hội Kappa Delta Pi.


Đây là lần thứ hai John Dewey được Kappa Delta Pi mời nói chuyện về giáo dục. Và mục đích của lần mời này đã được Kappa Delta Pi nêu như sau: “Vì lợi ích của cách hiểu sáng sủa và một sự hiệp lực, Ban Giám đốc của Kappa Delta Pi đã đề nghị Tiến sĩ Dewey đề cập một số vấn đề tranh luận đang chia rẽ nền giáo dục Mỹ thành hai phe và do đó làm cho nền giáo dục này suy yếu vào thời điểm nó cần có trọn vẹn sức mạnh để hướng dẫn một dân tộc đang hoang mang để vượt qua những rủi ro do đổi thay xã hội.

Triết gia Mỹ nổi tiếng (có thời gian ông và John Dewey cùng dạy tại Đại học Columbia) là Mortimer J. Adler (1902-2001) trong cuốn sách viết chung với Milton Mayer xuất bản năm 1958 có tên Revolution in Education (Cuộc cách mạng trong giáo dục) đã viết: “Trong vòng chưa đầy 50 năm, kể từ năm 1840 đến 1883, tỉ lệ trẻ em đến trường đã tăng 520 phần trăm… Trong nhiều thế kỷ trước đó, chưa có ai từng mơ tới một thời đại ở đó bất cứ ai là công dân thì đều bắt buộc phải trải qua giáo dục nhà trường. Chưa có ai khi nghĩ tới giáo dục lại dám nghĩ rằng giáo dục nghĩa là giáo dục toàn dân”. Năm 1776, năm ký bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Mỹ được coi là cuộc cách mạng thứ nhất của đất nước này. Gần ba chục năm sau cuộc “Cách mạng giáo dục”, nước Mỹ bước vào cuộc cách mạng thứ ba – cuộc cách mạng công nghiệp, Kỷ nguyên Tiến bộ (Progressive Era), kéo dài từ những năm 1890 cho tới những năm 1920. Một nền kinh tế tự do chưa từng có trong lịch sử nhân loại, đã ra đời. Nền kinh tế này được đặc trưng bởi tính năng động và hiệu quả. Henry Ford (1863 – 1947) với phát minh ra phương pháp sản xuất kiểu dây chuyền lắp ráp (assembly line), Frederick Winslow Taylor (1856 – 1915) với việc tìm ra những nguyên tắc của “quản lý theo khoa học” (scientific management), đó mới chỉ là kể tới hai gương mặt điển hình của một kỷ nguyên đã đem lại sự thay đổi hoàn toàn cho không chỉ nền công nghiệp của nước Mỹ, mà còn cho toàn bộ nền công nghiệp thế giới.

Một nước Mỹ ngày đó sôi sục với công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, và kéo theo đó là những đổi thay to lớn chưa từng thấy trong xã hội và trong tâm lí cũng như cung cách ứng xử của con người. Vậy mà, nhà trường Mỹ vẫn như kẻ đi dạo, bàng quan với tất cả mọi sự, và hệ quả tất yếu là nhà trường đó mỗi ngày càng trở nên lạc hậu hơn so với xã hội ở bên ngoài. Điều đáng để suy ngẫm là ngay cả những bộ óc thông minh của thời bấy giờ (chẳng hạn như chính Mortimer J. Adler) vẫn không thấy là nhà trường đang lạc hậu! Adler vẫn tiếp tục say sưa với những “chân lí vĩnh cửu”, những “giá trị vĩnh cửu” …tách rời khỏi cuộc sống thực tế, giống như ngày hôm nay ở nền giáo dục của nước ta vẫn có những nhà giáo dục tiếp tục hô khẩu hiệu Chân, Thiện Mỹ, như một cách lảng tránh trách nhiệm nhìn thẳng vào thực tế để giải quyết những bài toán thực tiễn! Vì thế, nhà trường của nước Mỹ vẫn tiếp tục duy trì dai dẳng lối dạy nhồi nhét, áp đặt còn trẻ em thì ghi nhớ thụ động, học vẹt.

Vào những năm cuối thế kỉ 19, một trào lưu cải cách sư phạm xuất hiện ở Mĩ, trào lưu này được gọi tên là tân-giáo dục (progressive education). Tân-giáo dục được xem là một sự đoạn tuyệt về “triết học” với nhà trường cổ truyền, đặc biệt là nhà trường của thế kỉ 19, và tiếp tục có ảnh hưởng rất lớn về mặt “tư tưởng” tới nhà trường tiến bộ sau này.

John Dewey, sinh năm 1859, mất 1952, triết gia theo thuyết hành dụng (pragmatism), sau này ông phát triển con đường riêng là công cụ luận (instrumentalism), được coi là cha đẻ của trào lưu tân-giáo dục. Ở Việt Nam, từ đầu những năm 1940, John Dewey đã được giới thiệu qua một bài báo của Vũ Đình Hòe trên tạp chí Thanh Nghị do ông làm chủ bút (Vũ Đình Hòe là bộ trưởng giáo dục đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa). Gần 70 năm sau, John Dewey được dịch sang tiếng Việt, đầu tiên là cuốn sách được coi là quan trọng nhất của ông: Dân chủ và giáo dục – một dẫn nhập vào triết lý giáo dục (Phạm Anh Tuấn dịch, nhà xuất bản Tri thức xuất bản năm 2008), và lần này là bản dịch độc giả đang cầm trên tay, Kinh nghiệm và Giáo dục. Chúng tôi hi vọng, qua bản dịch này, bài học được rút ra từ Kinh nghiệm và giáo dục của John Dewey có thể được lắng nghe bởi tất cả các nhóm quan điểm cải cách khác nhau trong sự nghiệp xây dựng giáo dục Việt Nam hiện nay.

H.T