Mấu chốt là cơ sở hạ tầng dịch vụ

Kinh tế - Ngày đăng : 07:43, 13/02/2012

(HNM) - Như Báo Hànộimới đã đưa tin, từ ngày 1-2, Tổng cục Đường bộ Việt Nam yêu cầu điều chỉnh hành trình một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh cố định từ Hà Nội - quốc lộ (QL) 1A - TP Vinh sang hoạt động trên đường Hồ Chí Minh.


Một đoạn đường Hồ Chí Minh.

TỔNG cục Đường bộ Việt Nam cho biết, QL1A, đoạn Hà Nội - Vinh hiện nay nhiều nơi đã phải cải tạo, nâng cấp nên thường xuyên xảy ra ùn tắc, tai nạn. Nhìn chung, chất lượng hạ tầng trên tuyến không tốt, khả năng lưu thông hạn chế. Đã vậy, tình trạng lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ diễn ra phổ biến, đấu nối đường ngang tùy tiện không theo quy định. Đây là một trong những nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn, ùn tắc, làm giảm năng lực lưu thông. Trong khi đó, đường Hồ Chí Minh, giai đoạn 1 từ Hòa Lạc tới Tân Cảnh (Kon Tum) dài 1.409km đã hoàn thành với quy mô hai làn xe nhưng rất ít phương tiện qua lại. Ưu điểm nổi bật của đường Hồ Chí Minh là không đi qua các khu tập trung đông dân cư, hành lang an toàn giao thông bảo đảm, nên việc đi lại thuận lợi.

Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam Nguyễn Văn Quyền cho biết, phân luồng một số phương tiện sang đường Hồ Chí Minh đoạn Hà Nội - Vinh là việc làm cần thiết nhằm khai thác hiệu quả đường Hồ Chí Minh và giảm tải cho QL1A. Hành trình mới sẽ dài hơn 60km nhưng tăng được tốc độ lưu thông, rút ngắn thời gian và giảm chi phí bởi không có trạm thu phí. Theo tính toán của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, đi trên đường Hồ Chí Minh, xe con, xe khách tiết kiệm từ 60 phút đến 116 phút; xe tải nhẹ và xe tải hạng trung tiết kiệm từ 37 phút đến 57 phút so với hành trình cũ. Mức phí cho 290km lưu thông trên QL1A đoạn Hà Nội - Vinh đối với các loại phương tiện xe con, xe tải, xe khách là từ 35 nghìn đồng đến 1,28 triệu đồng tùy loại, nhưng trên đường Hồ Chí Minh không mất phí. Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã gửi công văn đề nghị 22 sở GTVT điều chỉnh hành trình đối với một số tuyến xe khách liên tỉnh cố định có cự ly từ 300km đến 1.000km; lựa chọn 30% tổng số phương tiện của các DN, HTX đang hoạt động trên các tuyến điều chuyển sang lộ trình mới...

Tuy nhiên, tại cuộc họp do Sở GTVT Hà Nội tổ chức ngày 10-2, nhiều ý kiến cho rằng việc khai thác theo lộ trình mới sẽ gặp khó khăn khi hạ tầng cơ sở, dịch vụ còn thiếu. Bên cạnh đó, lợi nhuận của các nhà xe cũng bị ảnh hưởng do không đi qua các khu dân cư. Phó Giám đốc Sở GTVT Hà Tĩnh Nguyễn Việt Thắng cho biết, chuyển sang tuyến mới làm tăng chi phí, giảm doanh thu sẽ không có sức hút DN và đường Hồ Chí Minh cũng có nguy cơ mất an toàn cao do mặt đường nhỏ, ý thức tham gia giao thông của người dân các địa phương kém, khi mưa, xe ở đường nhánh ra đem theo đất gây trơn trượt…

Như đã nói, nếu đường Hồ Chí Minh có nhiều ưu điểm thì tại sao lại "vắng khách". Nguyên nhân chính là trên tuyến còn quá hạn chế về hạ tầng, dịch vụ bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện, ăn uống, trạm nghỉ, trạm xăng... Toàn tuyến đường Hồ Chí Minh từ Hà Nội đến Kon Tum, trung bình 120km mới có một trạm sửa chữa quy mô nhỏ. Các điểm cung cấp xăng dầu, dừng nghỉ dọc đường hình thành tự phát chưa cung cấp đủ dịch vụ cho lái xe, hành khách. Tính kết nối giữa đường Hồ Chí Minh với QL1A thông qua đường ngang còn hạn chế, nhiều cầu yếu hoặc có đoạn xuống cấp nghiêm trọng. Một số vùng còn chưa phủ sóng điện thoại di động. Đại diện Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, xe chạy trên tuyến đi đêm là chủ yếu, nếu không có đủ cơ sở dịch vụ, khi xảy ra sự cố, tình huống xấu giữa rừng sẽ không biết trông cậy vào đâu. Những hạn chế trên ảnh hưởng đáng kể đến tâm lý không chỉ của DN mà còn cả hành khách. Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội Bùi Danh Liên cho rằng, không đáng lo ngại về cơ sở dịch vụ, bởi khi xe hoạt động nhiều, dịch vụ sẽ tự mở để đáp ứng. Tuy nhiên, ông Liên kiến nghị cần tổ chức các đội tuần tra, kiểm soát, cứu hộ… trên tuyến. Ông Liên cũng thẳng thắn cho rằng việc yêu cầu chuyển xe sang đường Hồ Chí Minh là quá gấp gáp, các DN không được tham gia ý kiến và không có thời gian để chuẩn bị.

Như vậy, để khai thác đường Hồ Chí Minh thực sự hiệu quả, một trong những vấn đề mấu chốt là đầu tư cơ sở hạ tầng, dịch vụ bảo đảm đáp ứng nhu cầu của lái xe, hành khách. Rõ ràng, các cơ quan chức năng chưa chuẩn bị kỹ lưỡng về hạ tầng, dịch vụ để khai thác tuyến mới. Nếu cứ thực hiện theo phương châm xe chạy rồi sẽ có dịch vụ, nhiều khả năng dẫn tới phát triển tự phát, không theo quy hoạch, lấn chiếm hành lang an toàn đường bộ, gây mất an toàn. Việc quy hoạch và kêu gọi đầu tư cung cấp dịch vụ dọc tuyến ngay là rất cần thiết. Bên cạnh đó, cần tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm việc dừng, đón trả khách vô lối hiện nay nhằm tạo sự công bằng tối đa cho những DN "đi tiên phong" trong việc khai thác đường Hồ Chí Minh. Chủ trương đúng, nhưng cần phải có giải pháp, lộ trình, kế hoạch thực hiện chu đáo, hiệu quả.

Nguyễn Đức