Quy hoạch không gian hợp lý

Xã hội - Ngày đăng : 07:30, 13/02/2012

(HNM) - Ngành chăn nuôi Hà Nội đang phát triển quá


Khắc phục tình trạng này, ngành nông nghiệp (NN) Hà Nội đã triển khai chương trình phát triển chăn nuôi đi đôi với bảo đảm môi trường bằng một không gian quy hoạch hợp lý nhằm bảo đảm thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn.


Chăm sóc đàn lợn tại một hộ chăn nuôi ở huyện Thanh Trì. Ảnh: Trung Kiên

XÃ Ba Trại huyện Ba Vì là một trong những xã có tốc độ phát triển chăn nuôi vào bậc nhất của Hà Nội. Trước đây, chỉ có vài ba trang trại (TT) chăn nuôi tập trung nhưng trong 2 năm qua, đã có trên 160 TT chăn nuôi gia cầm và chăn nuôi lợn, trong đó có 10 TT nuôi lợn, còn lại là chăn nuôi gà quy mô từ 5.000 đến 20.000 con/TT. Phát triển không theo quy hoạch, "mạnh ai nấy làm" nên ô nhiễm môi trường đã ở mức báo động. UBND xã Ba Trại liên tục nhận được các đơn kiến nghị, kêu cứu của hộ dân sống trong vùng có mật độ chăn nuôi lớn và đã phải lên phương án cưỡng chế đối với các hộ chăn nuôi gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Tạ Văn Tường, Giám đốc Trung tâm Phát triển chăn nuôi (Sở NN&PTNT Hà Nội) cho biết, chăn nuôi TT phát triển nhanh và mang tính tự phát, kéo theo tình trạng ô nhiễm môi trường. Việc quản lý trong sản xuất chăn nuôi còn yếu kém, người nông dân chỉ quan tâm tới sản xuất mà chưa quan tâm tới đầu ra của sản phẩm nên thường bị thương lái ép giá.

Theo Sở NN&PTNT, hiện nay Hà Nội đã hình thành các vùng chăn nuôi trọng điểm như 8 xã nuôi bò sữa và 9 xã chăn nuôi bò thịt ở Tản Lĩnh, Yên Bài, Vân Hòa (Ba Vì); Phù Đổng, Dương Hà (Gia Lâm)…; 3 xã chăn nuôi gia cầm là Ba Trại (Ba Vì), Thanh Bình, Nam Điền (Chương Mỹ). Một số nơi cũng đã hình thành những vùng chăn nuôi tập trung như chăn nuôi lợn ở Sơn Tây, Ứng Hòa; chăn nuôi gia cầm ở Chương Mỹ, Ba Vì, Đông Anh bước đầu đã cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, so với tiềm năng hiện có, các vùng, xã chăn nuôi trọng điểm, tập trung trên địa bàn TP chưa nhiều và người chăn nuôi còn rất lúng túng trong quản lý, xử lý môi trường... nên chưa đáp ứng được chủ trương thực phẩm an toàn từ trang trại đến bàn ăn.

Ông Tạ Văn Tường cho rằng, để chăn nuôi Hà Nội phát triển mạnh, cung cấp đủ thực phẩm cho TP, tránh gây ô nhiễm môi trường, các TT cần phải quy hoạch không gian chăn nuôi, có cây xanh, độ thông thoáng để giải quyết vấn đề môi trường. Hiện trung tâm đang thực hiện mô hình đệm lót sinh thái - công nghệ mới trong chăn nuôi. Đây là vật liệu sử dụng làm nền chuồng có khả năng làm chất xúc tác để lên men các chất thải chăn nuôi và đang được ứng dụng tại xã Ba Trại. Chế phẩm trong đệm lót sẽ làm phân giải nước tiểu và phân do gà thải ra, khử mùi hôi thối và hạn chế ruồi muỗi cho môi trường xung quanh. Theo đánh giá của Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, đệm lót sinh thái có thể sử dụng trong 4 năm. Sản phẩm này cũng chứa các vi sinh vật có lợi rất hiệu quả trong việc phòng chống các bệnh dịch có hại như lở mồm long móng, tai xanh, cúm… Trong thời gian tới, trung tâm sẽ tổ chức đánh giá kết quả cụ thể, làm cơ sở nhân rộng ra toàn TP, tiến tới xử lý triệt để vấn đề ô nhiễm trong chăn nuôi.

Mặt khác, Hà Nội khuyến khích nông dân liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị như mô hình liên kết giữa công ty và các trang trại để bảo đảm từ khâu cung cấp thức ăn đến khâu thu mua, tiêu thụ sản phẩm, vừa góp phần ổn định thị trường vừa bảo đảm thu nhập cho các bên. Bên cạnh đó là nâng cao hiệu quả sản xuất, khả năng kiểm soát dịch bệnh, môi trường và ATVSTP của hộ gia đình bằng cách gắn họ vào các chuỗi sản xuất thực phẩm dưới các hình thức HTX, tổ hợp tác. Nhà nước sẽ có chính sách hỗ trợ hạ tầng, xử lý môi trường, lãi suất tín dụng và tăng cường các biện pháp quản lý dịch bệnh, môi trường, chất lượng giống.

Phó Chủ tịch UBND TP Trần Xuân Việt:Tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, quy mô lớn
Định hướng của TP trong thời gian tới là tập trung phát triển chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và chăn nuôi quy mô lớn ngoài khu dân cư để vừa nâng cao hiệu quả sản xuất vừa giải quyết tốt ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gây ra. Đồng thời khuyến khích phát triển doanh nghiệp chế biến để tạo ra khối lượng sản phẩm chăn nuôi lớn có kiểm soát nhằm đáp ứng đủ nhu cầu của nhân dân, góp phần bình ổn giá thực phẩm và tăng thu cho ngân sách nhà nước.

Hương -Quỳnh