Việc khó, hay do nhận thức sai?

Xã hội - Ngày đăng : 07:14, 13/02/2012

(HNM) - Thời gian gần đây, mặc dù sự chia sẻ với những người không may có HIV/AIDS ngày càng tăng, nhưng trên thực tế, họ vẫn tiếp tục phải đối mặt với sự kỳ thị, phân biệt đối xử, ngay cả trong gia đình và ngoài xã hội.

Thiếu hiểu biết và định kiến

Bà Đỗ Thị Thanh Hà, cán bộ Viện Gia đình và Giới cho biết, nghiên cứu mới đây tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh của Viện cho thấy định kiến của cộng đồng đối với người có HIV/AIDS còn khá nặng nề. Đa số người được hỏi vẫn quan niệm HIV chủ yếu có liên quan đến tệ nạn xã hội, như tiêm chích ma túy hoặc mại dâm. Một người dân được phỏng vấn cho biết: "Theo như chúng tôi hiểu, HIV chủ yếu lây qua hoạt động tình dục và tiêm chích, còn qua đường truyền máu cũng có thể lây từ người nọ sang người kia nhưng ít xảy ra lắm. HIV là bệnh do tệ nạn xã hội gây ra!".

Tình nguyện viên tuyên truyền, tư vấn, hướng dẫn các biện pháp phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS cho thanh niên. Ảnh: Khánh Nguyên


Một vấn đề khác là nhận thức của cộng đồng về quyền của người có HIV còn rất kém. Việc công khai tên, địa chỉ, hình ảnh của người có HIV hoặc tiết lộ danh tính người có HIV khi chưa được sự đồng ý của người đó là một trong những hành vi bị nghiêm cấm, tuy nhiên, phần lớn số người tham gia trả lời phỏng vấn cho rằng cần phải công bố công khai tên, tuổi gia đình người có HIV. Một nam trung niên làm nghề tự do nói: "Nên công khai tên để bố mẹ, anh em, bạn bè, làng xóm, phố xá đều biết. Biết, không phải là để tránh anh ấy ra, mà là để giúp đỡ anh… Nếu anh đi tiêm phòng thì anh tiêm riêng, anh đi cắt tóc thì dùng dao cạo riêng". Người khác cho rằng cần phải cách ly người có HIV để tránh lây nhiễm cho cộng đồng: "Nói chung là cũng nên cách ly ra, chứ để họ sống lẫn với cộng đồng thì lo lắm. Kiểu như người ta bị rồi, cũng chẳng còn con đường nào khác, khi người ta đã nghĩ đến đường chết rồi, người ta cũng muốn cho nhiều người bị lây"… Những suy nghĩ ấy, có thể thông cảm nhưng nhất định là không tốt cho người không may và về cơ bản là không có lợi cho cộng đồng.

Bên cạnh việc coi HIV là tệ nạn xã hội, trong cộng đồng cũng xuất hiện những ý kiến mang tính định kiến về giới đối với người có HIV. Người ta cho rằng nam giới có HIV thì có thể thông cảm được, nhưng nữ giới bị HIV lại coi là có tội. Sở dĩ có quan niệm ấy là bởi nhiều người cho rằng HIV có liên quan đến hành vi không đứng đắn, mà lỗi chủ yếu thuộc về người phụ nữ "thiếu đức hạnh". Trên thực tế, sự kỳ thị, phân biệt đối xử diễn ra ở khắp nơi, với các biểu hiện như người dân trong cộng đồng xa lánh, tránh mặt, không dám ngồi ăn uống chung hoặc có tiếp xúc gần gũi, thân mật với người có HIV. Điển hình như đầu năm học 2009-2010, 15 trẻ có HIV của Trung tâm Mai Hòa (TP Hồ Chí Minh) đã bị phụ huynh học sinh Trường An Nhơn Đông chặn lối, không cho vào trường khi các em đến nhập học.

Điều đáng nói là sự kỳ thị không chỉ có ở ngoài xã hội, mà còn ở trong gia đình những người có HIV/AIDS. Biểu hiện thường là tránh dùng chung đồ dùng, không muốn cho người bị bệnh giao tiếp với trẻ nhỏ. Một nam thanh niên có HIV cho biết: "Trong nhà em có một đứa cháu, em rất quý nó. Em cũng muốn gần gũi, chăm sóc nó nhưng bà chị dâu nhiều lúc nói là không cho em gần con chị ấy".

Giảm kỳ thị góp phần ngăn chặn HIV

HIV/AIDS bị coi là đại dịch và vì vậy, nó có thể tạo nên sự kỳ thị, cũng giống như cộng đồng từng có thái độ kỳ thị đối với những người mắc bệnh phong, bệnh lao… Bên cạnh đó, do quan niệm còn khá phổ biến là HIV/AIDS đồng nghĩa với tệ nạn xã hội, nên sự kỳ thị trở nên nguy hiểm hơn. Một nữ cán bộ công chức khẳng định: "Một người có HIV thì chắc là bị nghiện ngập ma túy hoặc do hoạt động mại dâm".

Theo các chuyên gia, nguyên nhân cơ bản dẫn đến thái độ tiêu cực đối với bệnh nhân HIV là do virus gây nên căn bệnh này có khả năng lây truyền và dẫn đến tử vong. Nỗi sợ bị nhiễm căn bệnh này trở thành nỗi ám ảnh thường trực, nên mặc dù biết rõ virus không thể lây qua các dạng tiếp xúc thông thường nhưng nhiều người vẫn tìm cách hạn chế tối đa sự tiếp xúc với người có virus.

Trong những năm đầu ứng phó với dịch HIV/AIDS, các phương tiện thông tin đại chúng đã tập trung quá nhiều vào việc cảnh báo, đưa ra thông điệp và hình ảnh minh họa mang tính hù dọa. Người có AIDS thường được mô tả là những người gày gò chỉ còn da bọc xương, mụn nhọt lở loét nên mỗi khi nghĩ đến căn bệnh này, người ta thường liên tưởng đến hình ảnh của sự chết chóc. Cách thức tuyên truyền này đã gây nên hiệu ứng ngược đối với một số người dân, gây bất lợi cho công tác tuyên truyền chống kỳ thị với người có HIV/AIDS.

Theo bà Đỗ Thị Thanh Hà, để giảm bớt sự kỳ thị của cộng đồng đối với người có HIV, cần phải đổi mới công tác truyền thông thay đổi hành vi. Cần khuyến khích người có HIV tích cực tham gia các hoạt động xã hội, đề cao những tấm gương điển hình, những người mắc căn bệnh này nhưng đã đạt được những vị trí nhất định trong xã hội, ở Việt Nam cũng như trên thế giới nhằm xóa bỏ định kiến về vị thế xã hội của người có HIV/AIDS. Bà Hà nhấn mạnh: "Điều đó rất quan trọng, vì xóa bỏ sự kỳ thị đối với người có HIV/AIDS cũng chính là góp phần ngăn chặn sự lây lan của đại dịch này".

Tường Vy