Chuyến công du… dầu lửa

Thế giới - Ngày đăng : 06:51, 13/02/2012

Kéo dài trong 4 ngày (từ ngày 6 đến 10-2), chuyến công du Trung Quốc lần thứ hai của Thủ tướng Canada Steven Harper kể từ khi lên nắm quyền năm 2006 nhằm tăng cường quan hệ đối tác chiến lược song phương với nội dung chính là dầu khí và Bắc cực - những vấn đề có lợi cho cả hai quốc gia.

Trong khi người láng giềng Mỹ chưa thoát khỏi cơn suy thoái và Lục địa già chìm trong khủng hoảng nợ thì Canada đang tìm kiếm những thị trường mới cho các loại hàng hóa và dịch vụ của nước này. Tháng 11-2011, Thủ tướng S.Harper tuyên bố Canada sẽ tìm cách gia nhập Hiệp định tự do thương mại Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và Châu Á hiện là trọng tâm kinh tế chủ chốt của chính phủ. Vì thế, Canada đang đặt ra mục tiêu xuất khẩu dầu và nhiều mặt hàng khác sang Trung Quốc cùng nhiều quốc gia trong khu vực. Động thái này được xem là một "cảnh báo" với Mỹ, vì chuyến đi của Thủ tướng S.Harper diễn ra sau khi Mỹ từ chối dự án đường ống dẫn dầu từ Alberta (Canada) đến Texas (Mỹ) cho thấy Canada sẵn sàng từ bỏ Mỹ (99% lượng dầu thô xuất khẩu của Canada hiện được đưa sang Mỹ). Trong khi Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về dầu mỏ, khí đốt và các tài nguyên thiên nhiên để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Hiện đất nước đông dân nhất thế giới này đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt nguồn cung dầu mỏ bởi sự bất ổn chính trị tại vùng Vịnh không ngừng leo thang. Sự gián đoạn lớn trong nguồn cung dầu từ khu vực này sẽ tác động nghiêm trọng đến nền kinh tế Trung Quốc, nơi tiếp nhận gần một nửa lượng dầu nhập khẩu từ khu vực vùng Vịnh với 10% từ Iran. Không thể thay thế được nguồn cung dầu mỏ từ Iran, Trung Quốc tập trung vào việc tìm kiếm các nguồn bổ sung. Khi Bắc Kinh đang ngược xuôi tìm nguồn cung dầu thay thế, chuyến thăm của ông S.Harper phần nào có thể làm thỏa cơn khát của Trung Quốc. Alberta có trữ lượng dầu lớn thứ 3 thế giới, chỉ sau Arab Saudi và Venezuela, với hơn 170 tỷ thùng. Mỗi ngày, nơi đây có thể sản xuất ra 1,5 triệu thùng dầu từ dầu cát, công suất này có thể tăng lên 3,7 triệu thùng vào năm 2025. Trong vòng hai năm trở lại đây, các công ty quốc doanh của Trung Quốc đầu tư khoảng hơn 16 tỷ USD vào các dự án năng lượng của Canada. Đây có thể chỉ là một khởi đầu nhỏ bé, nhưng cho thấy, Trung Quốc và Canada cùng muốn mở rộng đa dạng hóa trao đổi nguồn dầu.

Bên cạnh đó, Trung Quốc đã bày tỏ mong muốn trở thành quan sát viên tại Hội đồng Bắc cực, một tổ chức quốc tế do 8 nước thành viên tại vòng cung Bắc cực điều hành. Mối quan tâm thực sự của Trung Quốc tại vùng giá lạnh này của thế giới là một tuyến đường để vận chuyển hàng hóa sang Châu Âu, ngắn và tiết kiệm chi phí hơn nhiều so với các tuyến đường hiện nay…

Như vậy, không có gì ngạc nhiên chuyến công du của Thủ tướng S.Harper được hoan nghênh tại Bắc Kinh khi cả hai nước đều tìm thấy những "điểm tựa" trong bối cảnh kinh tế khó khăn hiện nay để thiết lập một nền tảng vững chắc thúc đẩy sự tăng trưởng lâu dài.

Kim Phượng