Ý kiến của các Luật sư về kết luận giải quyết vụ việc Tiên Lãng

Chính trị - Ngày đăng : 13:15, 11/02/2012

Tâm đắc, đồng tình với kết luận của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết vụ việc cưỡng chế, thu hồi đất đối với gia đình ông Đoàn Văn Vươn tại xã Vinh Quang, huyện Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng, một số luật sư đã có ý kiến chia sẻ với phóng viên về vấn đề này.

Ông Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP Hà Nội đọc kết luận của Thủ tướng Chính phủ về vụ việc Tiên Lãng, Hải Phòng.


Ông Nguyễn Trọng Tỵ, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Hà Nội: Rất tâm đắc kết luận của Thủ tướng

Tôi cho rằng Thủ tướng đã đánh giá đúng đắn và nêu rõ những sai phạm, khuyết điểm của chính quyền huyện Tiên Lãng, qua đây có thể thấy Thủ tướng quyết định rất khách quan, với tinh thần kiên quyết xử lý, không để vụ việc kéo dài từ sai phạm này dẫn đến sai phạm khác. Tôi rất tâm đắc với kết luận của Thủ tướng.

Tôi nhận định việc xử lý việc giao đất, thu hồi đất theo Quyết định 220/QĐ-UB ngày 9/4/1997 của UBND huyện Tiên Lãng là quan trọng nhất. Đây chính là vấn đề mấu chốt, dẫn đến các vị lãnh đạo địa phương này lạm dụng và dẫn đến hành vi sai lệch sau này, chính quyền thu hồi đất không đúng. Thủ tướng đã có kết luận rất chính đáng.

Hành động sai phạm của ông Vươn cũng phải xem là hành vi nguy hiểm, thuộc loại tội phạm hình sự, sử dụng vũ khí nguy hiểm. Tuy nhiên, có thể xem xét các tình tiết giảm nhẹ khi truy cứu trách nhiệm hình sự.

Người dân dựa nhờ vào tòa án, nơi cầm cán cân công lý nhưng bản án, quyết định của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng và Tòa án nhân dân huyện Tiên Lãng liên quan đến vụ việc này lại làm không đúng luật vì vậy cần xử lý nghiêm khắc để củng cố lòng tin của người dân.

Ông Lê Thúc Anh, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam: Cấp thiết phải sửa đổi Luật Đất đai

Tôi rất đồng tình với ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng để giải quyết vụ việc Tiên Lãng. Sự chỉ đạo của Thủ tướng là đầy đủ, toàn diện và kịp thời. Tuy nhiên, tôi cho rằng cần kiên quyết làm rõ nguyên nhân, động cơ dẫn đến sự sai phạm của một số cán bộ.

Thực tế các vụ việc khiếu kiện, khiếu nại về đất đai là khá phức tạp, chiếm số lượng đến 70% tổng số các vụ khiếu kiện. Vừa qua, Liên đoàn đã làm việc với các địa phương và thấy rằng, luật sư có thể trao đổi, giải thích cho người dân về các quy định pháp luật về đất đai để người dân hiểu biết rõ về quy định của pháp luật, tránh khiếu nại, khiếu kiện.

Từ thực tế và qua sự việc điển hình này, tôi cho rằng cần phải sửa đổi, bổ sung các văn bản luật, nhất là Luật Đất đai. Đây là việc làm cấp thiết, không được chậm trễ.

Ông Quản Văn Minh, Ủy viên BCHTW Hội Luật gia Việt Nam: Thực hiện thủ tục giám đốc thẩm là hoàn toàn hợp lý

Dưới góc độ là một luật sư, tôi rất mong chờ và hài lòng với kết luận của Thủ tướng về vụ cưỡng chế đất ở Hải Phòng. Theo đó, có những vấn đề cần thấy rõ như sau:

- Thứ nhất, về quyết định thu hồi đất số 461/QĐ-UBND ngày 7/4/2009 của UBND huyện Tiên Lãng: Ông Đoàn Văn Vươn đã thực hiện quyền công dân của mình theo quy định pháp luật thể hiện ở việc khiếu nại quyết định hành chính nêu trên, và Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng đã có giải quyết khiếu nại theo thủ tục. Do không đồng ý với văn bản giải quyết khiếu nại của Chủ tịch UBND huyện Tiên Lãng nên ông Vươn đã gửi đơn khởi kiện tới TAND huyện Tiên Lãng để khởi kiện vụ án hành chính theo quy định pháp luật.

Ngày 27/1/2010, TAND huyện Tiên Lãng đã đưa ra phán quyết tại Bản án số 01/2010/HCST thể hiện: Bác yêu cầu khởi kiện của ông Đoàn Văn Vươn về việc hủy Quyết định số 461/QĐ-UBND ngày 7/4/2009 của UBND huyện Tiên Lãng; và Giữ nguyên quyết định thu hồi đất nêu trên.

Sau đó, ông Vươn đã thực hiện quyền kháng cáo đối với bản án sơ thẩm nêu trên. Nhưng đến 19/4/2010, ông Vươn lại có Đơn xin rút đơn kháng cáo, do vậy TAND TP Hải Phòng đã có “Quyết định đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án hành chính”…và phán quyết tại bản án sơ thẩm của UBND huyện Tiên Lãng có hiệu lực pháp luật thi hành. Theo quy định của pháp luật thì khi Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật, không bị kháng nghị theo trình tự giám đốc thẩm, tái thẩm…thì đương nhiên có giá trị pháp luật thi hành…

Vì vậy, việc Thủ tướng Chính phủ đề nghị Tòa án nhân dân tối cao xem xét thực hiện thủ tục giám đốc thẩm đối với bản án phúc thẩm của TAND TP Hải Phòng là hoàn toàn hợp lý và cần thiết theo quy định pháp luật.

- Thứ hai, về các quyết định giao đất: UBND huyện Tiên Lãng đã có hai quyết định giao đất cho gia đình ông Vươn vào năm 1993, và 1997. Theo đó, cấp có thẩm quyền cần xem xét làm rõ về thẩm quyền, hình thức, và nội dung các quyết định này phù hợp với quy định pháp luật tại từng thời điểm, để làm căn cứ kết luận và xử lý các vấn đề liên quan…

- Thứ ba, về vấn đề cưỡng chế thu hồi đất: Cấp có thẩm quyền cần tập trung chỉ đạo, điều tra, xác minh làm rõ các hành vi sai phạm của cá nhân, tập thể trong việc thực thi cưỡng chế thu hồi đất. Cần làm rõ trách nhiệm sai phạm và xử lý nghiêm minh theo quy định pháp luật.

Ông Lê Văn Đài, Trưởng Văn phòng luật sư Khánh Hưng: Kết luận của Thủ tướng là cơ sở gợi mở các ý kiến đóng góp sửa đổi chính sách

Theo tôi, vụ việc ở Tiên Lãng xảy ra tại địa phương nhưng phản ánh thực tế về một số hạn chế hiện nay trong pháp luật đất đai ở nước ta; công tác quản lý nhà nước về đất đai cũng còn một số bất cập; các quy định về quản lý, sử dụng đất đai chưa phù hợp với yêu cầu phát triển. Kết luận của Thủ tướng về vấn đề này đã cho thấy những điểm mấu chốt và sự chỉ đạo tháo gỡ.

Qua phân tích tình hình thực hiện chính sách pháp luật, đất đai trên thực tế, không chỉ riêng tôi, một số luật gia, luật sư đã nhận thấy một số bất cập như: Những bất cập trong khu vực đất nông nghiệp do hộ gia đình, cá nhân sử dụng như thời hạn giao đất, hạn điền; bất cập trong quy hoạch sử dụng đất; Bất cập về chính sách giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất; vấn đề sở hữu đất đai,...

Tôi nghĩ, Phần III Kết luận của Thủ tướng về vụ việc ở Tiên Lãng là cơ sở gợi mở các ý kiến đóng góp trong quá trình sửa đổi Hiến pháp và sửa đổi bổ sung Luật Đất đai trong thời gian tới.

Theo VGPNEWS