“Đệ tử Lưu Linh” trẻ - SOS!
Sức khỏe - Ngày đăng : 08:51, 11/02/2012
Độ tuổi sử dụng rượu, bia đang… trẻ hóa?
Theo bà Trần Thanh Loan (Viện Gia đình và Giới), kết quả điều tra 3.167 nam thanh niên tại 7 quận Cầu Giấy, Đống Đa, Ba Đình, Thanh Xuân, Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, Hoàng Mai và 5 huyện Sóc Sơn, Đông Anh, Gia Lâm, Thanh Trì, Từ Liêm của Hà Nội cho thấy có 67,4% nam thanh, thiếu niên đã từng sử dụng rượu, bia. Tuổi trung bình lần đầu sử dụng rượu, bia là 18 tuổi. Điều đáng lưu ý là ở độ tuổi 15 và 16, tỷ lệ nam thanh, thiếu niên đã từng sử dụng rượu, bia cũng không nhỏ (12,6% và 11,5%). Kết quả phân tích tương quan hai chiều giữa việc đã từng sử dụng rượu, bia của nam thanh, thiếu niên theo độ tuổi cho thấy mối quan hệ tỷ lệ thuận giữa độ tuổi của nam thanh, thiếu niên với việc đã từng sử dụng rượu, bia. Ở nhóm tuổi 15-17, tỷ lệ nam thanh, thiếu niên đã từng sử dụng rượu, bia là 40,3% và tỷ lệ này tăng dần ở nhóm tuổi 18-21 và 22-24 (67,6% và 84,5%). Học vấn dường như có mối quan hệ thuận chiều với việc đã từng sử dụng rượu, bia của nam thanh, thiếu niên Hà Nội. Kết quả phân tích cho thấy 49,2% thanh, thiếu niên có trình độ dưới THPT; 76,1% có trình độ THPT và 83,7% có trình độ học vấn THPT trở lên đã từng sử dụng rượu, bia.
Bác sĩ điều trị cho một trường hợp ngộ độc rượu tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: Lê Vũ |
Học lực cũng là một trong những yếu tố có tác động đến việc sử dụng rượu, bia của nam thanh, thiếu niên. Trong tổng số 3.167 người đã từng sử dụng rượu, bia chỉ có 216 người trong suốt quá trình học tập đạt học lực giỏi, 1.406 đạt học lực khá và 1.545 đạt học lực trung bình. Tỷ lệ đã từng sử dụng rượu, bia ở nhóm có học lực giỏi là 53,7%. Tỷ lệ này tăng lên ở nhóm có học lực khá và trung bình (64,8% và 71,6%).
Việc tham gia lao động có tác động nhất định đến hành vi sử dụng rượu, bia của nam thanh, thiếu niên Hà Nội. Các nhà nghiên cứu phân tích, khi nam thanh, thiếu niên đi làm, các mối quan hệ sẽ được mở rộng hơn, nhu cầu giao lưu vì thế cũng tăng lên và họ có thể tự chi trả cho việc sử dụng rượu, bia của mình… Những điều này sẽ góp phần làm tăng khả năng sử dụng rượu, bia cũng như duy trì hành vi sử dụng rượu, bia của họ so với những nam thanh, thiếu niên không đi làm.
Đâu là nguyên nhân?
Theo các nhà nghiên cứu, nhóm bạn cùng tuổi là một trong những tác nhân quan trọng đối với quá trình xã hội hóa của mỗi cá nhân. Ảnh hưởng của nhóm bạn cùng tuổi thường là nhiều nhất trong thời thanh niên, khi thanh niên bắt đầu sống xa gia đình và nghĩ về bản thân như là những người lớn có trách nhiệm. Đặc biệt, trong giai đoạn này, nhóm bạn cùng tuổi tạo áp lực mạnh khiến thành viên phải tuân thủ. Các buổi gặp gỡ, liên hoan, giao lưu là dịp để nam thanh, thiếu niên hòa nhập với bạn bè và chứng tỏ mình với bạn bè, vì vậy việc sử dụng các loại đồ uống có cồn thay cho các loại đồ uống khác dường như luôn là lựa chọn hàng đầu. Trong số 774 trường hợp cho rằng cần thiết phải uống rượu để hòa nhập hoặc chứng tỏ mình với bạn bè có 87,1% đã từng sử dụng rượu, bia. Một yếu tố áp lực khác là uống rượu, bia để có thể nhập cuộc được với những người khác, để giống các ngôi sao điện ảnh, để được bạn bè công nhận và để thể hiện các hành vi người lớn như thanh, thiếu niên mong muốn.
Lạm dụng rượu, bia gây ra nhiều hậu quả tai hại. Cụ thể, rượu, bia hiện là nguyên nhân thứ 5 gây tử vong trong 10 nguyên nhân gây tử vong cao nhất trên toàn cầu, là nguyên nhân trực tiếp gây bạo lực gia đình và dẫn đến tai nạn giao thông làm hơn 12.000 người tử vong mỗi năm. Ước tính phí tổn do rượu, bia bao gồm cả việc dung nạp và giải quyết hậu quả do rượu, bia gây ra chiếm từ 2 - 8 tỷ USD mỗi năm. Vì vậy, hạn chế lạm dụng rượu, bia là hết sức cần thiết. Theo bà Trần Thanh Loan, một trong những giải pháp cho vấn đề này là tăng cường giáo dục lối sống trong nhà trường, tạo cho thanh, thiếu niên có những hành vi ứng xử đúng mực. Ngoài ra, gia đình và nhà trường cần coi trọng vai trò của nhóm bạn trong việc thuyết phục, hạn chế thanh, thiếu niên sử dụng loại đồ uống này.