Doanh nghiệp kêu khó
Kinh tế - Ngày đăng : 08:32, 11/02/2012
Áp dụng luật nhưng chưa có tiêu chí
"Cho đến chiều hôm qua tôi cũng không nghĩ sản phẩm của mình bị đánh thuế bảo vệ môi trường, nay nghe nói tất cả sản phẩm nhựa PE đều bị đóng thuế nên mới hoảng hốt đến đây" - ông Nguyễn Xuân Tùng, Giám đốc Công ty Bao bì Tín Thành, cho biết lý do có mặt tại buổi họp báo do Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) tổ chức ngày 10-2. Cũng như ông Tùng, rất đông doanh nghiệp có mặt tại đây đều cho rằng sản phẩm của mình không thuộc diện chịu thuế nhưng vẫn phải đóng mức thuế lên đến 40.000 đồng/kg nhựa PE.
Các siêu thị khuyến khích người dân dùng túi sử dụng nhiều lần thay cho túi ni lông. |
Ông Hồ Đức Lam, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký VPA cho rằng, định nghĩa túi ni lông thuộc diện chịu thuế quá chung chung, gần như bao gồm hầu hết ngành bao bì nhựa. Chính vì vậy mà mỗi nơi hiểu một kiểu, khi thi hành luật dễ gây hiểu nhầm cho người nộp thuế và cả cán bộ thuế. VPA đề nghị phải quy định rõ loại túi ni lông chịu thuế là loại túi ảnh hưởng xấu đến môi trường, độ dày, hình thức… thật cụ thể để tránh gây nhầm lẫn, gian lận khi thực hiện thu thuế.
Một bức xúc nữa là theo Nghị định 67/2011/NĐ-CP thì túi ni lông đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường sẽ không bị chịu thuế. Tuy nhiên, do chưa có chuẩn về túi ni lông thân thiện với môi trường nên sản phẩm loại này… vẫn phải chịu áp thuế!
Cũng theo Nghị định 67, bao bì đóng gói sẵn hàng hóa sẽ không bị chịu thuế bảo vệ môi trường. Thế nhưng khái niệm này cũng không được làm rõ khiến nhiều loại bao bì đóng gói sẵn bị đánh thuế. Ông Phạm Trung Cang, Phó Chủ tịch VPA, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng cho biết, sản phẩm bao bì đựng phân bón 2 lớp (ngoài là PP và trong là PE dày) của công ty ông cũng bị đánh thuế vì có nhựa PE. Tương tự, nhiều doanh nghiệp khác làm bao bì đóng gói sẵn cũng phải đóng thuế bảo vệ môi trường. Theo các doanh nghiệp, việc đánh thuế tràn lan vào túi ni lông không phân biệt sẽ làm hạn chế sự cạnh tranh, vì hiện hầu như sản phẩm nào cũng dùng túi ni lông. Ví dụ, ngành thủy sản, ngành điều, gạo… cần dùng túi ni lông để đóng gói, thậm chí cả ngành gỗ cũng cần dùng. Vì vậy, khi giá túi ni lông tăng sẽ đội giá thành sản phẩm, cuối cùng là người tiêu dùng chịu thiệt.
Mất khả năng cạnh tranh
Theo các doanh nghiệp, thuế bảo vệ môi trường là 40.000 đồng/kg bao bì nhựa, trong khi giá thành 1kg nhựa PE khoảng 30.000 đồng nên muốn được lợi nhuận như cũ thì buộc phải tăng giá thành sản phẩm lên khoảng gấp 2 lần. Tuy nhiên, sự tăng giá này làm các công ty mất khả năng cạnh tranh vì đối tác không chấp nhận. Ông Nguyễn Xuân Tùng đưa ra một ví dụ đơn giản, cùng một bao gạo 5kg có giá bao bì khoảng 2.500 đồng; nhưng một công ty kinh doanh gạo của Thái Lan ít nhất cũng lãi hơn doanh nghiệp Việt Nam 2.500 đồng vì họ không bị đánh thuế môi trường đối với bao bì; chưa nói đến chuyện sản phẩm của Việt Nam giá cao nên không bán được. Và nguy cơ cũng tương tự ở các ngành khác…
Ông Lê Minh Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty CP Bao bì nhựa Tân Tiến, tính toán: Công ty này sản xuất khoảng 300 tấn hàng hóa/tháng, nếu áp thuế 40.000 đồng/kg sản phẩm có nhựa PE thì mỗi tháng tiền thuế phải nộp thêm là vô cùng lớn. Tiền thuế tăng khiến DN đối diện với nguy cơ mất khả năng cạnh tranh. Một đối tác lớn của Tân Tiến (trung bình mỗi tháng tiêu thụ khoảng 30% sản phẩm của Tân Tiến) đã "đánh tiếng" không chấp nhận phương án tăng giá bao bì nhựa và sẽ nhập các sản phẩm thay thế từ Indonesia, Thái Lan… bởi thuế suất từ các nước này vào Việt Nam bằng 0%.
Ông Nguyễn Xuân Tùng cho biết, mỗi tháng Công ty Tín Thành sản xuất khoảng 1.000 tấn nhựa. Nếu áp thuế 40.000 đồng/kg thì số tiền nộp thuế mỗi tháng lên tới 40 tỷ đồng. Tương tự, ông Phạm Trung Cang cho biết, Công ty CP Nhựa Tân Đại Hưng cũng đứng trước nguy cơ mất thị trường. Cụ thể, các đối tác ở nước ngoài không chấp nhận Công ty Tân Đại Hưng tăng giá sản phẩm bao bì đựng phân bón và tuyên bố sẽ nhập của các nước ASEAN, vì thuế từ các nước này bằng 0%.
Các doanh nghiệp cho rằng, đánh thuế để bảo vệ môi trường là chủ trương đúng, tuy nhiên việc đánh thuế phải có lộ trình. Các cơ quan chức năng cần nghiên cứu kỹ những mặt hàng chịu thuế môi trường, quy định thật rõ ràng và hợp lý việc nộp thuế, tránh tình trạng đánh thuế tràn lan như hiện nay.