Chống thất thu thuế, vì sao khó?
Kinh tế - Ngày đăng : 07:49, 11/02/2012
Thuế giá trị gia tăng thất thu nhiều nhất
Một trong những loại thuế thường bị lợi dụng để "rút tiền" của Nhà nước là thuế giá trị gia tăng (GTGT). Hầu hết cơ quan thuế của các địa phương đều cho rằng, vi phạm liên quan đến thuế GTGT là khá phổ biến, đặc biệt quản lý thuế đối với các DN ngoài quốc doanh, các hộ kinh doanh cá thể trong lĩnh vực thủy sản là vô cùng khó khăn.
Người dân giao dịch tại bộ phận “một cửa” Cục Thuế Hà Nội. |
Lợi dụng quy định khấu trừ thuế GTGT đầu vào đối với hàng nông, lâm, thủy sản để tháo gỡ khó khăn cho người trực tiếp sản xuất, không ít người đã tạo ra hiện trường "lỗ giả, lãi thật" bằng nhiều cách để khấu trừ, hoàn thuế. Chiêu trò phổ biến là bán hàng không xuất hóa đơn; mua hàng rồi tự kê khai giá, ghi địa chỉ vùng sâu, vùng xa để được ưu đãi; lập hóa đơn bán hàng giá trị thấp hơn thanh toán. Ngoài ra, rất nhiều DN có trụ sở một nơi, mua hàng một nẻo, nhưng lợi dụng lúc đêm khuya vắng vẻ mới chở hàng về nhằm trốn thuế. Thực trạng này không chỉ gây thất thu ngân sách mà còn là nguyên nhân dẫn đến tình trạng mua bán hóa đơn khống để hợp thức hóa hồ sơ.
Bên cạnh tình trạng lợi dụng thuế GTGT để chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước như nói trên, thì trốn thuế trong lĩnh vực xây dựng cơ bản cũng là vấn đề nổi cộm. Đối tượng vi phạm phần lớn là những DN lớn, nằm trên địa bàn Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng. Họ nắm được "thóp" của các DN xây dựng ở vùng sâu, vùng xa chắc chắn "đói vốn", không đủ khả năng tài chính để đứng ra nhận thầu các công trình đầu tư trên địa bàn. Các DN ''đại gia'' này liền nhảy vào đấu thầu, rồi sau đó sẽ bán thầu lại cho các DN địa phương kiếm khoản chênh lệch, rồi ung dung bỏ đi, không kê khai nộp thuế tại địa phương. Có trường hợp, cơ quan thuế phát hiện ra và "chạy theo" cưỡng chế thu hồi tiền thuế, nhưng quá trình thực hiện lại gặp rất nhiều khó khăn. Do lúc kiểm tra thì tài khoản của DN có đủ số dư để ban hành quyết định cưỡng chế thuế. Nhưng đến khi ngân hàng nhận được quyết định cưỡng chế của cơ quan thuế thì số dư trên tài khoản tiền gửi của DN đã thay đổi với số tiền còn lại rất ít, không thể thực hiện được quyết định cưỡng chế.
Cảnh báo tội phạm công nghệ cao
Theo Luật sư Nguyễn Thành Nam, Đoàn Luật sư Hà Nội, tình trạng trên không những gây thất thu ngân sách mà còn tạo ra sự bất bình đẳng về nghĩa vụ thuế của công dân, tạo thêm sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các DN. Nguyên nhân là do hệ thống pháp luật của nước ta chưa đồng bộ, nhiều nội dung còn chồng chéo, gây khó khăn cho người thực hiện và các cơ quan phối hợp. Đặc biệt, trường hợp các ngân hàng, tổ chức tín dụng vì lý do nào đấy mà không hợp tác hoặc cung cấp thông tin về tài khoản của DN nợ thuế chậm hay không chính xác, hiện cũng chưa có chế tài cụ thể để xử lý, ngoại trừ những quy định trách nhiệm chung chung tại Luật Quản lý thuế.
Luật sư Nguyễn Thành Nam cảnh báo, với trình độ CNTT phát triển mạnh mẽ như hiện nay, không lâu nữa, các hoạt động giao dịch thủ công sẽ dần được thay thế bằng giao dịch qua mạng. Khi đó, các hợp đồng mua bán hay hóa đơn chuyển tiền... đều thực hiện trên internet. Nếu ngành thuế không nâng cao trình độ CNTT, không được trang bị máy móc hiện đại và chưa có cây gậy pháp lý hữu hiệu... thì chắc chắn sẽ gặp không ít khó khăn. Bởi, các đối tượng phải nộp thuế chỉ cần dùng thủ thuật thay đổi con số, hoặc xóa trắng những hồ sơ phạm pháp hoặc sử dụng "hacker" đánh cắp các dữ liệu lưu trữ, những hóa đơn, chứng từ trên máy thì khi đó cơ quan thuế sẽ rơi vào thế bị động, khó có thể kiểm soát nổi tình hình.