EVN sai phạm trong phân phối tiền lương
Đời sống - Ngày đăng : 07:32, 11/02/2012
* Sẽ tiếp tục thanh tra các tập đoàn, doanh nghiệp lớn
(HNM) - Chiều 10-2, Bộ LĐ-TB&XH đã công bố kết quả thanh tra việc thực hiện pháp luật lao động về tiền lương, thu nhập tại Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN). Hàng loạt hạn chế, không đồng nhất đã được công bố.
Kết quả thanh tra cho thấy tiền lương bình quân chung của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn tập đoàn năm 2008 đạt 5,794 triệu đồng/người/tháng; năm 2009 đạt 7,064 triệu đồng/người/tháng; năm 2010 đạt 7,45 triệu đồng/người/tháng (tăng 5,46% so với năm 2009). Tổng quỹ tiền lương này chiếm khoảng 5,5% tổng giá thành sản xuất kinh doanh điện. Tiền thưởng từ quỹ khen thưởng, phúc lợi bình quân năm 2008 là 135.000 đồng/người/tháng, năm 2009 là 244.000 đồng/người/tháng. Đặc biệt, năm 2010, do tập đoàn kinh doanh thua lỗ không trích được từ quỹ khen thưởng, phúc lợi, người lao động chỉ được hưởng từ quỹ khen thưởng từ các năm trước chuyển sang, với mức bình quân là 178.000 đồng/người/tháng. Theo đó, tổng thu nhập của người lao động sản xuất, kinh doanh điện toàn tập đoàn năm 2010 đạt 7,628 triệu đồng/người/tháng, năm 2009 đạt 7,308 triệu đồng/người/tháng và năm 2008 đạt 5,929 triệu đồng/người/tháng. Ông Nguyễn Tiến Tùng, Phó Chánh Thanh tra Bộ LĐ-TB&XH khẳng định, hệ số lương cấp bậc công việc và hệ số lương thực tế có sự chênh lệch cao hơn hệ số lương thực tế bình quân 0,72, do EVN sử dụng nhiều lao động có cấp bậc kỹ thuật thấp hơn so với yêu cầu. Việc áp dụng chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm ở một số đơn vị, nhất là nhà máy điện không đồng nhất, có đối tượng được xếp lương nhóm III của thang lương theo đúng chức danh nghề nhưng vẫn được hưởng phụ cấp độc hại, nguy hiểm. Ngược lại, có đối tượng xếp lương theo bảng lương có điều kiện lao động bình thường nhưng có thời gian làm việc trong điều kiện độc hại hoặc đặc biệt độc hại, nguy hiểm nhưng không được áp dụng phụ cấp độc hại, nguy hiểm, sai quy định tại Thông tư 04 ngày 5-1-2005 của Bộ LĐ-TB&XH. Riêng ở cơ quan tập đoàn, việc trả lương lại có sự chênh lệch lớn gấp hai lần so với mặt bằng thu nhập bình quân của công ty mẹ - tập đoàn, do tập đoàn tự quyết định.
Còn nhiều hạn chế được Thanh tra đưa ra như công tác quản lý lao động, tiền lương chưa được đổi mới, còn mang nặng tính hành chính, tổ chức sắp xếp lao động chưa khoa học; đội ngũ viên chức làm công tác lao động tiền lương còn thiếu (chỉ có 5 người trong tập đoàn, các đơn vị trực thuộc chỉ bố trí từ 1-2 người chuyên trách), chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra, nhất là trong điều kiện thực hiện mở rộng giao quyền tự chủ các tập đoàn tự xây dựng hệ thống thang lương, bảng lương, xác định đơn giá tiền lương. Về vấn đề này, ông Đinh Quang Tri, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã thừa nhận sự yếu kém trong đội ngũ làm chính sách quản lý tiền lương. EVN đã thực sự phó mặc cho đội ngũ cán bộ này trong khi các quy chế về tiền lương liên tục đổi mới như hiện nay lại không được cập nhật, điều chỉnh, tính toán liên tục là thiếu sót. Sở dĩ có tình trạng này là do lực lượng tham mưu cho lãnh đạo chưa hiểu rõ về cơ chế phụ cấp. Ông Đặng Huy Cường, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực, Bộ Công thương cũng cho rằng những tồn tại trong cơ chế về tiền lương của EVN cần được khắc phục trong thời gian sớm nhất. Các vấn đề liên quan khác cần được xem xét để bảo đảm yêu cầu minh bạch, rõ ràng, đúng quy định của Nhà nước. Từ đó, làm căn cứ để tính toán được giá thành điện để điều chỉnh giá điện một cách khách quan nhất.
Theo ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH, rút kinh nghiệm từ những thiếu sót trong thực hiện chính sách tiền lương của EVN, Bộ sẽ tiếp tục thanh, kiểm tra việc thực hiện tại các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong cả nước. Đồng thời, theo yêu cầu của Chính phủ, trong thời gian sớm nhất Bộ phải trình phương án điều chỉnh chính sách tiền lương, BHXH áp dụng trong từng hệ thống doanh nghiệp, tập đoàn… Và Bộ sẽ thực hiện theo từng lộ trình cụ thể để bảo đảm công khai, minh bạch, sát sườn với quyền lợi của người lao động.