Tiếng rao trên phố Hà Nội

Xã hội - Ngày đăng : 07:11, 11/02/2012

(HNM) - Tiếng rao của những người bán hàng rong ở Hà Nội ít nhất có từ thời Lý. Cho đến nay, phố phường Hà Nội vẫn còn những tiếng rao. Ban đầu, tiếng rao đơn giản chỉ là để báo cho dân phố biết họ bán cái gì, rồi dần dần nó có vần, có nhịp và thành


Tiếng rao xưa

Sáng sớm mùng 1 Tết Nguyên đán, khi con trẻ, thanh niên hay các cặp vợ chồng son còn đang ngủ và chỉ có người lớn tuổi trong nhà dậy thắp thêm nén hương trên bàn thờ thì tiếng rao đã văng vẳng ngoài phố: “Ai muối đi...”. Với đôi thúng nhỏ, người bán đi từ phố này qua phố khác và tiếng rao muối mở đầu cho một năm...


Sử sách chép, thời Lý ở Thăng Long đã có người gánh hàng đi bán trong kinh thành, họ bán rượu, chiếu, muối... Trong ca dao Việt Nam có một bài về thân phận cô gái bán rượu: “Em là con gái đồng trinh/Em đi bán rượu qua dinh ông nghè/Ông nghè sai lính ra ve/Trăm lạy ông nghè tôi đã có con/Có con thì mặc có con/Thắt lưng cho tròn mà lấy chồng quan”.

Tiếng rao - âm thanh không thể quên với những ai từng sống ở Hà Nội...


Vì sao có tiếng rao? Thời Lý, Thăng Long có 2 chợ nổi tiếng với nhiều mặt hàng là Bạch Mã và Cầu Đông. Lúc đầu chợ Bạch Mã gọi là chợ Cửa Đông, đến đời nhà Trần đổi thành Bạch Mã vì ở gần đền Bạch Mã (nay ở phố Hàng Buồm). Còn chợ Cầu Đông ở cạnh chùa Cầu Đông (nay ở phố Hàng Đường) nên có tên là Cầu Đông. Chợ Đồng Xuân là tiếp nối của Bạch Mã và Cầu Đông do người Pháp xây dựng năm 1889 và khánh thành vào năm 1890. Ngoài các chợ lớn, Thăng Long còn rất nhiều chợ họp theo phiên như chợ Bưởi, Mơ. Có lẽ do không có chỗ ngồi trong chợ, không có nhà mặt phố nên họ  phải đi bán rong và phần lớn người đi bán rong bán các sản phẩm do chính gia đình họ làm ra. Thăng Long là kinh đô, người tứ phương đổ về nên phố phường nhộn nhịp, người đông đúc vì thế là cơ hội kiếm sống cho người bán hàng rong. Và muốn bán được hàng họ phải rao để người ta biết họ bán gì.

Từ khi thực dân Pháp chiếm Hà Nội và Hà Nội là nhượng địa của Pháp năm 1888 thì đời sống, xã hội có nhiều thay đổi. Tầng lớp tư sản dân tộc, tiểu tư sản thành thị ra đời và chênh lệch giàu nghèo ngày càng lớn. Năm 1928, Viện Viễn Đông Bác Cổ đã cho xuất bản cuốn sách mỏng in hai mặt các ký họa bằng chì và màu nước của sinh viên Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương về những người bán phở, mía, nước chè, cháo, bánh mỳ... rong trên phố Hà Nội. Qua các chữ ký có thể nhận ra ký họa là của Lê Văn Đệ, Vũ Cao Đàm, Tô Ngọc Vân, Trần Phềnh... Cùng với ký họa đầy ẩn ý là lời bình thú vị còn có ký âm trên khuông nhạc của F.de Fénis. Song có điều là hầu hết những người bán rong đều là bán quà và đến những năm 1930 có thêm trẻ bán báo. Kẹo kéo là loại kẹo rẻ tiền dành cho con trẻ. Loại kẹo làm thủ công này được người bán đi rong khắp thị thành và thập niên 1930, người ta đã ghi lại tiếng rao của anh bán kẹo kéo: “Kẹo kéo càng kéo càng dài/Càng dai càng ngọt/Chạy tọt về nhà/Xin bà một xu/Xin bu một hào/Ra mua kẹo kéo/Ai kéo... đây!”. Câu cuối cùng người rao dài giọng và giật cục ở từ đây. Người ta cũng ghi được câu khác “Kẹo kéo vừa dẻo vừa ngon/Mua hào kẹo kéo cho con nó mừng/Ai kéo... đây!”.

Trong cuốn “Bắc Kỳ - phong cảnh và ấn tượng” (xuất bản năm 1944 tại Hải Phòng), nữ nhà văn Pháp Hilda Arnhold đã tả tiếng rao ở Hà Nội khiến người đọc không thể không ra phố để mắt thấy, tai nghe. Mới tang tảng sáng, đã có nhiều người đi lại, tiếng guốc gỗ quẹt vội vã, những bước chân trần giậm thình thịch. Một người đạp xe qua, chuông xe kêu lảnh lót, mùi thuốc lá thoang thoảng, chả hiểu sao mà người ta mở đầu một ngày làm việc sớm thế, trời đã sáng hẳn đâu. Trước tiên là ông bán phở gánh, xuất hiện với tiếng va chạm của chồng bát cùng với mùi thơm lựng của nồi nước dùng. Cái quầy phở lưu động của ông được bày trên vỉa hè nơi góc phố, có một thằng nhỏ phụ việc ngồi thổi lửa bằng cái ống tre. Mới thế mà đã có đám khách hàng vây quanh, trong ánh lửa nhập nhoạng giữa cảnh bóng tối chưa tàn. Cốp, cốp... tiếng dao băm thớt hòa nhịp với tiếng rao dõng dạc: Phở ớ ớ... vang trên phố rất kỳ dị. Cạnh đó là một người bán cà phê, cũng lại là cà phê dạo. Người bán ngồi giữa hai cái chạn, cái lò than để ngỏ, trên có một cái siêu kẽm nước sôi. Ông ta rao chỏng lỏn: Cà phê... ôlé, nhưng chẳng biết có phải là cà phê sữa không, hay chỉ quen mồm rao, tạo sự chú ý...

Bán xôi phần lớn là bà già hay phụ nữ trung tuổi người làng Tương Mai. Bên trên khăn vành dây là thúng xôi, họ đi dọc các phố đông đúc và rao rất mộc mạc: Ai xôi ơi! Dù là xôi lạc, xôi ngô hay xôi xéo thì luôn phải ủ nóng trong vỉ buồm dệt bằng cói, bên ngoài là miếng vải cũ. Khi có khách, họ đơm xôi bằng đũa và tùy theo mùa mà gói bằng lá sen hay lá chuối. Giống như người bán xôi, người bán bánh cuốn rao cũng rất đơn giản: Ai bánh cuốn đi... Người bán bánh cuốn là dân làng Thanh Trì. Bên cạnh lớp bánh cuốn là chai nước mắm và vài lạng chả cùng ít bát đĩa. Còn bà bán bún thang thì trong lúc cùng thằng nhỏ giúp việc bày biện đã rao đi rao lại: Ai bún thang nào... Giờ ngủ trưa mới đến lượt bà bán chè xuất hiện. Bà gánh hai cái chạn gỗ có nhiều ngăn, sắp đặt những bát chè: hạt sen rắc xôi, chè ướp hoa bưởi, bà này rao đúng tên món hàng: Chè hạt sen không... Những phố có nhiều cửa hàng buôn bán và bán hàng chủ yếu là đàn bà con gái, bán hàng cả ngày thường buồn ngủ và nhạt mồm nên hay  ăn quà vặt, thế nên những phố này bao giờ cũng là điểm đến đầu tiên của hàng rong. Nếu lâu lâu không thấy qua thì các bà, các cô chép miệng “Chắc nhà nó ốm đau hay làm sao rồi”. Khi người bán quà rong mỏi chân, họ dừng bên cạnh cửa nhà nào đấy và thế nào cũng mời chủ nhà ăn quà rồi nằng nặc không lấy tiền như để cám ơn đã cho ngồi nhờ trước cửa. Mùa nào thức nấy, đường phố luôn đầy ắp tiếng rao và các bà, các cô dù đang làm gì, nghe tiếng rao thứ quà mình thích là gióng ra phố gọi. Thậm chí họ biết rõ giờ này sẽ có hàng quà gì qua, giờ kia là hàng gì.

Nếu trong những năm 1920 tiếng rao chủ yếu là của những người bán quà thì sang những năm 1930 và kéo dài cho đến ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954) tiếng rao càng đa dạng và phong phú. Tờ mờ sáng, đám trẻ chạy từ nhà in ra tỏa đi các phố rao báo với tin tức nóng hổi. Tiếng rao tròn âm vang theo bước chạy của đứa trẻ như một điệu kèn có luyến láy ở những nhịp âm cuối. Các bác thợ mộc tay xách hòm đồ, vai đeo chiếc cưa đi dọc các phố rao: Ai mộc đi... Sau khi đi một vòng, nếu không có việc các bác tụ lại ở chợ Hàng Da hay chắn tàu ở Cửa Nam. Thợ mộc rong phần lớn là người Hà Nam, họ lên Hà Nội chung tiền thuê nhà và đi kiếm việc. Cánh mài dao lại khác, họ rao có vần, có điệu và khá hài hước: “Ai mài dao sắc như nước, chém nước nước đứt, chém sắt thì mẻ rao. Ai mài dao nào...”. Họ gánh một bên là hòn đá mài, bên kia là thùng nước nhỏ, đi theo lộ trình định sẵn, sáng ra là phải lượn qua các quán phở, còi tan tầm chủ nhà về mới đi vào xóm, chiều thì đến các chợ vòng qua vòng lại dãy hàng thịt. Có khi tiện tàu điện, họ vào cả chợ Hà Đông. Còn thợ khóa sau khi đi một vòng quanh phố Tây, những nhà dùng nhiều khóa nhất, thì tụ ở ngã tư Phùng Hưng - Hà Trung. Khi màn đêm buông xuống, đám tẩm quất đội mũ trắng cầm xâu xèng (làm bằng nắp bia Con cọp) lên đường. Tiếng xủng xoảng của xâu xèng khiến ai có nhu cầu đấm bóp biết ngay anh ta đang đến. Vào cuối những năm 1940, từ những tiếng rao kem trên tàu điện của những đứa trẻ, người ta chế ra lời mới cho một bài hát phổ biến trước đó: “Kem đi, kem đi, kem 1 hào 2 chiếc, kem Cẩm Bình ngon lắm, nào ai mua nào. Này chú bán kem, có rao thì rao cho khéo, đừng mà rao láo, điếc tai hành khách trên tàu”...

(Còn tiếp)

Nguyễn Ngọc Tiến