Các vị ấy làm gì?
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:46, 11/02/2012
Thủ tướng đã kết luận cụ thể với từng vấn đề trên tinh thần mọi người bình đẳng trước pháp luật, đúng - sai như thế nào đều phải minh bạch, được xử lý theo pháp luật. Các kết luận của người đứng đầu Chính phủ được dư luận đặc biệt hoan nghênh.
Hẳn nhiều người khi theo dõi vụ việc ở Tiên Lãng đều nhớ về sự kiện xảy ra cách đây 15 năm ở tỉnh Thái Bình, một điển hình của sự yếu kém và lạm quyền của cán bộ chính quyền cơ sở. Sau vụ việc ở Thái Bình, nhiều đảng viên và cán bộ đã bị kỷ luật với nhiều hình thức khác nhau, nhờ đó đã lấy lại niềm tin trong nhân dân và sự bình yên của quê hương 5 tấn.
Vụ việc ở Tiên Lãng vừa qua cũng bộc lộ những yếu kém trong quản lý, điều hành của chính quyền cấp cơ sở, nhiều "công bộc của dân" ở Tiên Lãng đã vượt quá xa chức trách của mình. Hành vi vi phạm pháp luật chống người thi hành công vụ, gây hậu quả nghiêm trọng của anh em và gia đình Đoàn Văn Vươn đã rõ ràng, chắc chắn sẽ phải chịu hình phạt thích đáng của pháp luật. Nhưng nếu chính quyền nghiêm túc, làm đúng quyền hạn, thực thi đúng pháp luật, trách nhiệm với dân, có cách giải quyết hợp lòng dân hơn sẽ không dẫn đến chuyện căng thẳng như vậy.
Trên cơ thể, nhiều cái ung nhọt nhỏ chụm lại sẽ tạo nên vết thương lớn. Vụ việc ở Tiên Lãng là một điển hình gây bức xúc trong dư luận cả nước, ảnh hưởng xấu đến tình hình an ninh chính trị của địa phương. Chưa bàn đến việc có động cơ mục đích bất minh nào trong vụ việc này không, nhưng về cách làm, chính quyền Tiên Lãng đã hành động vượt hẳn ra ngoài nguyên tắc quản lý hành chính và tình người trong khi hoàn toàn có cách giải quyết hợp lý hơn, bằng sự thỏa thuận, vận động. Việc dùng biện pháp cứng rắn cưỡng chế, có sự tham gia của các lực lượng vũ trang là đỉnh điểm đẩy vấn đề đến mức cao trào.
Chính quyền các cấp của ta là cơ quan do nhân dân bầu ra, nhằm bảo đảm, bảo vệ và phục vụ quyền, lợi ích chính đáng của nhân dân. Chính nhân dân mới là chủ thể của quyền lực nhà nước. Song, sự thật là lâu nay năng lực của đội ngũ cán bộ, công chức ở một số chính quyền cấp xã, huyện đã bộc lộ những yếu kém rõ ràng. Một bộ phận công chức ở cơ sở bị tha hóa về đạo đức, lối sống, lệch lạc về nhận thức lý tưởng dẫn đến cá nhân hóa quyết định hành chính, tác động xấu đến hiệu quả hoạt động quản lý nhà nước của chính quyền địa phương.
Dù thực tế dư luận nhân dân đặc biệt mong chờ chỉ đạo trực tiếp của Thủ tướng với vụ việc Tiên Lãng, song quả thực nếu mà bộ máy chính quyền địa phương hoạt động trơn tru thì chắc chắn vụ việc không đến mức phải Thủ tướng "xắn tay". Chúng ta đang thực hiện phân cấp quản lý, nhưng có lẽ chính vì phân cấp chưa rành mạch, còn nửa vời nên đã hình thành tư duy ỷ lại, lạm dụng hoặc né tránh trách nhiệm. Khi có vấn đề phức tạp nảy sinh, cấp dưới đẩy trách nhiệm lên cho cấp trên, thế là vô can, nhẹ gánh. Về nguyên tắc tổ chức thì Thủ tướng chỉ quản lý ở cấp quốc gia. Các phần việc của bộ, ngành, địa phương thì lãnh đạo ở đó phải chịu trách nhiệm. Mỗi cơ quan đều được quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, hoạt động trên phạm vi nhất định, xử lý công việc theo đúng các quy định của pháp luật. Thế nhưng, thực tế đã diễn ra rất nhiều vụ việc, khi thi hành chức trách thì cấp dưới sai phạm hoặc để xảy ra sai phạm, nhưng khi xử lý thì lại đẩy việc lên... Thủ tướng. Ở Hải Phòng cũng vậy, sau khi vụ việc xảy ra, chính quyền đã thể hiện rõ sự lúng túng, thậm chí là bao biện, chậm chạp trong kiểm tra, báo cáo và xử lý. Kết quả là việc lại phải đến tay Thủ tướng.
Rõ ràng khi bộ máy chính quyền vận hành minh bạch, có trách nhiệm sẽ hạn chế được việc lạm quyền, guồng máy ấy sẽ chạy trơn tru hơn. Sau vụ việc ở Tiên Lãng, nên xem xét lại việc thực thi chức trách của chính quyền địa phương, kể cả cấp xã, huyện hay tỉnh. Từ một việc ở cơ sở mà để "cái sảy nảy cái ung", gây bức xúc dư luận cả nước, để Thủ tướng phải ra tay, thử hỏi các vị ấy làm gì?