ĐHQGHN tiến tới chỉ có 1 đề thi cho tất cả các khối ngành
Tuyển sinh - Ngày đăng : 15:11, 10/02/2012
GS Mai Trọng Nhuận, giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: Bùi Tuấn)
Thưa GS, năm nay ĐH Quốc gia Hà Nội là một trong số ít trường được Bộ GD-ĐT giao thí điểm thực hiện đổi mới tuyển sinh. Cho đến thời điểm này, ĐH QGHN đã tính toán thế nào để thực hiện việc đổi mới này?
Trước hết phải xác định mục tiêu đổi mới tuyển sinh, chọn được người có năng lực tốt nhất, phù hợp nhất vào học ĐH, CĐ và sau đại học chứ không phải chọn những người hiểu biết nhiều nhất, thuộc bài nhiều nhất vào ĐH. Mục tiêu đổi mới này gắn với cách đổi mới chuyển đổi cơ bản từ việc kiểm tra kiến thức sang việc kiểm tra đánh giá năng lực. Đây là công việc đổi mới rất mạnh, tác động rất nhiều nên phải có bước đi thận trọng và ĐH QGHN phải tính toán kỹ.
Thứ hai, việc giao quyền tự chủ cho trường ĐH, các cơ sở ĐH trong việc tuyển sinh nên đi theo hướng tự chủ chính sách tuyển sinh chứ không phải là tự chủ đứng ra làm khâu kiểm tra đánh giá năng lực. Việc kiểm tra đánh giá năng lực giao cho các tổ chức chuyên biệt, độc lập được Bộ GD-ĐT thành lập, cho phép và đánh giá. Điều đó, có nghĩa là các cơ quan nhà nước phải đứng ra tổ chức. Ví dụ: ĐH QGHN sẵn sàng đứng ra làm trung tâm đánh giá năng lực. Trong phạm vi cả nước, chúng tôi đề nghị, mỗi vùng miền sẽ có khoảng 3 trung tâm đánh giá năng lực, mỗi trung tâm đó 2 tháng tổ chức thi 1 lần. Như vậy, cả nước mỗi năm có khoảng 54 lần thi đánh giá khác nhau và giảm tải mỗi năm có 1 - 2 đợt thi như hiện nay đáp ứng yêu cầu.
Vì vậy các cơ sở ĐH, trường ĐH sẽ thực hiện tự chủ là ra chính sách tuyển sinh theo cách đánh giá năng lực, trong đó có 6 nhóm năng lực đánh giá. Ví dụ: Có trường đánh giá cao về năng lực sáng tạo, có trường đòi hỏi đồng đều cả 6 nhóm năng lực. Hiệu trưởng quyết định tất cả, họ quyết định từ cách thi, điểm chuẩn, quy mô theo điều kiện đảm bảo chất lượng mà Bộ GD-ĐT giao.
Vậy tuyển sinh năm tới có thực hiện được phương thức tuyển sinh mới này không thưa ông? Ông nhận xét gì về kỳ thi “3 chung”?
Trong bối cảnh như vậy thì phải chuẩn bị một thời gian đủ dài. Sau khi chuẩn bị xong, ĐH QGHN sẽ trình Bộ một đề án cụ thể cho cả nước chứ không chỉ riêng của ĐH QHN. Khi đề án được thực hiện thì ĐH QG HN sẽ thực hiện theo hướng đó.
Hiện nay, chúng tôi đánh giá kỳ thi “3 chung” mặc dù có điểm này điểm kia nhưng thực sự đến thời điểm này “3 chung” vẫn còn hiệu quả, có tác dụng nhằm giảm tải rất nhiều công sức cho các trường và xã hội. Đề chung, thi chung để sinh viên chuyển đổi từ trường này sang trường kia thay vì trường tự ra đề thi vì đề thi không tương thích, thí sinh khó có thể chuyển được từ trường này sang trường kia.
Trong 3 năm chuẩn bị, nếu Bộ GD-ĐT chấp thuận Đề án về kiểm tra năng lực cho thí sinh, ĐH QGHN sẽ đi tiên phong thực hiện kiểm định, đánh giá năng lực và làm cơ sở cho các trường xác định tuyển sinh. Năm nay, ĐH QGHN vẫn thực hiện theo phương thức tuyển sinh cũ và đang chuẩn bị Đề án lớn.
Điểm mới trong dự thảo tuyển sinh năm nay mà Bộ GD-ĐT dự kiến có thêm khối thi A1. Năm nay ĐH QGHN có tổ chức thi thêm khối A1?
Về khối thi A1, không phải là quan trọng lắm đối với ĐH QGHN, tùy từng trường thực hiện vì trong dự kiến chúng tôi, đánh giá năng lực thì đánh giá đồng bộ 6 năng lực của học sinh. Theo đó, chỉ có 1 đề thi cho tất cả các khối ngành chứ không phải mỗi khối ngành có 1 đề thi vì sinh viên vào đại học cần năng lực sáng tạo, năng lực phân tích, năng lực tổng hợp, năng lực tìm kiếm thông tin…chứ không phải biết nhiều toán, lý, hóa, như thế không nhất thiết biết hết về chuyên ngành cụ thể.
Tuy nhiên, với những trường đặc biệt, có tính chuyên biệt như thể thao, văn hóa, nghệ thuật… thì bên cạnh những năng lực chung thì có năng lực chuyên biệt và có kiểm tra riêng, đánh giá riêng như vậy tốt hơn là ra đề thi riêng, khối thi riêng.
Trân trọng cảm ơn ông!