Thiếu các vùng sản xuất tập trung

Xã hội - Ngày đăng : 07:37, 10/02/2012

(HNM) - Là huyện thuần nông, để phát triển kinh tế tiến tới xây dựng thành công chương trình NTM, huyện Mỹ Đức xác định lấy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi là nhiệm vụ trọng tâm.


Mô hình chăn nuôi lợn kết hợp nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức).

Ông Lê Hải Hồng, Phó phòng Kinh tế huyện cho biết, hiện nay Mỹ Đức đã chuyển đổi được 1.645ha, trong đó diện tích chuyển từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản và chăn nuôi kết hợp chiếm 1.551ha; chăn nuôi tập trung là 18,6ha và chăn nuôi kết hợp với trồng cây ăn quả là 74,96ha… Tuy nhiên, việc chuyển đổi gặp nhiều khó khăn bởi cơ cấu giống lúa đa phần lúa lai Khang dân năng suất, chất lượng thấp, chưa có nhiều cây trồng mới đưa vào sản xuất, chưa có vùng sản xuất rau an toàn. Việc cải tạo vườn tạp trồng cây ăn quả chưa được chú trọng và chủ yếu tập trung vào các loại cây nhãn, táo, bưởi, vải cho hiệu quả kinh tế thấp (mới đạt 50,8 triệu đồng/ha). Đặc biệt, trên địa bàn huyện chưa hình thành những vùng sản xuất nông nghiệp quy mô lớn nên giá trị sản xuất trên 1ha canh tác bình quân chỉ đạt 59 triệu đồng/năm. Những diện tích chuyển đổi sang nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi kết hợp, năng suất bình quân chỉ đạt 1,78 tấn/ha, trong khi các địa phương khác đạt 3-4 tấn/ha. Các loại giống trong nuôi trồng thủy sản chưa phong phú, chủ yếu là nuôi cá trắm, chép, trôi, mè, rô phi đơn tính… nên hiệu quả kinh tế không cao. Việc đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng như đường giao thông nông thôn, điện, thủy lợi nội đồng ở khu chuyển đổi còn ít nên chưa tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất. Thời gian qua, dịch bệnh trong chăn nuôi chưa được kiểm soát chặt chẽ, thị trường đầu ra thiếu ổn định, phần lớn do tư thương kiểm soát... Anh Nguyễn Ngọc Chiến, xã Lê Thanh cho biết, mặc dù đã hình thành cách đây 4 năm nhưng hạ tầng giao thông khu chuyển đổi chưa được tập trung đầu tư, chủ yếu là đường cấp phối, hệ thống cấp thoát nước cho các khu vực nuôi thủy sản chưa bảo đảm.

Để nâng cao tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp, huyện Mỹ Đức đã quy hoạch vùng chăn nuôi tập trung xa khu dân cư với diện tích 50-60ha ở các xã Đồng Tâm, Phúc Lâm, Mỹ Thành… đồng thời xây dựng khu giết mổ tập trung 3-5ha ở xã Tuy Lai, Phúc Lâm, Hương Sơn và thị trấn Đại Nghĩa để phát triển chăn nuôi đồng bộ.

Trên cơ sở các khu nuôi trồng thủy sản hiện có, huyện Mỹ Đức sẽ tăng cường đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để phát triển thủy sản thành 3 vùng tập trung. Vùng 1 ở các xã An Phú, Hợp Thanh với diện tích 231,5ha; vùng 2 ở các xã Tuy Lai, Hồng Sơn, Mỹ Thành, An Mỹ với diện tích 350ha và vùng 3 ở thị trấn Đại Nghĩa, Phù Lưu Tế, An Tiến diện tích 85ha.

Trước mắt, huyện Mỹ Đức sẽ thay dần giống lúa Khang dân bằng các giống lúa như Bắc thơm số 7, Hương thơm số 1, Nhị ưu 838… để tạo ra loại gạo chất lượng cho hiệu quả kinh tế cao. Thực hiện cơ giới hóa về tưới tiêu, làm đất, thu hoạch và từng bước đưa máy gặt đập liên hoàn vào sản xuất. Trong nuôi trồng thủy sản, huyện khuyến khích các địa phương đưa những giống thủy sản có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao vào sản xuất như cá lăng, cá trắm giòn… vào nuôi trồng, thay dần những giống cá truyền thống. Ngoài hỗ trợ 50% giá giống lúa lai cho nông dân, huyện hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng cho các vùng lúa hàng hóa, rau an toàn, hoa cây cảnh, cây ăn quả, khu chăn nuôi và giết mổ tập trung… để giúp các hộ sớm ổn định sản xuất và khai thác hiệu quả các vùng chuyển đổi. Từ đó, giúp nông dân sản xuất ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn vệ sinh thực phẩm, nâng cao giá bán. Mục tiêu của huyện phấn đấu đến năm 2015, giá trị/1ha canh tác đạt 75 triệu đồng/năm. Đây là những tiền đề quan trọng của huyện xây dựng nông thôn mới thành công, đạt kết quả tốt, từng bước đưa đời sống của nông dân ngày một nâng cao.

Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức Lê Văn Sang: Trong thời gian tới huyện sẽ đưa các giống lúa năng suất, chất lượng cao, cây ăn quả, vật nuôi mới vào sản xuất để tạo ra vùng sản xuất hàng hóa lớn mang tính đặc thù của từng vùng, từng xã trong huyện. Đồng thời hướng dẫn người nông dân thực hiện thâm canh, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để tăng giá trị thu nhập trên diện tích đất canh tác. Huyện sẽ xây dựng vùng lúa hàng hóa chất lượng cao ở các xã ven sông Đáy như Mỹ Thành, An Mỹ, Hồng Sơn, Lê Thanh… với quy mô mỗi xã 100ha. Quy hoạch vùng sản xuất rau an toàn ở các xã Phúc Lâm, Bột Xuyên, An Mỹ, Lê Thanh, Vạn Kim với diện tích 99,6ha và 200ha rau sắng ở xã Hương Sơn để phục vụ du khách đến lễ hội và thị trường Hà Nội. Vùng trồng cây ăn quả lớn như bưởi Diễn, nhãn lồng sẽ hình thành ở các xã Đồng Tâm, Thượng Lâm, Tuy Lai với diện tích gần 300ha để tạo đà cho các địa phương phát triển kinh tế.

Quỳnh Dung