Giải pháp “vàng” cho nông nghiệp
Kinh tế - Ngày đăng : 07:10, 10/02/2012
Xuất phát từ yêu cầu thực tế
Đồng tác giả đề tài, PGS-TS Trần Đình Hòa cho biết, hầu hết các công trình ngăn sông trước đây đều xây dựng theo công nghệ truyền thống nên có nhược điểm là phải làm hố móng rộng để thi công bản đáy rộng; khẩu diện cống bị thu hẹp nên khả năng thoát lũ kém, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái; trọng lượng của cống quá lớn đặt trên nền đất yếu, giá thành cao... Để khắc phục hạn chế này, năm 1992 Viện Khoa học và Kinh tế Thủy lợi đã đề xuất đề tài: "Nghiên cứu giải pháp công nghệ tạo nguồn nước vùng ven biển" mã số KC12.10A thuộc chương trình khoa học - công nghệ (KHCN) trọng điểm cấp Nhà nước: "Nghiên cứu cân bằng, bảo vệ và sử dụng có hiệu quả nguồn nước quốc gia" (KC-12).
Công trình ngăn mặn giữ ngọt Thảo Long (Thừa Thiên Huế).
Theo đó, công nghệ ĐXL được đề xuất về nguyên lý từ năm 1995, nhưng từ đó đến năm 2002 chưa có thêm kết quả nghiên cứu, ứng dụng nào. Năm 2003, do yêu cầu thực tế ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đòi hỏi phải có một loại đập có thể di động, nhóm nghiên cứu đã đề xuất công nghệ ĐXL di động có thể linh hoạt chuyển đổi vị trí xây dựng công trình đáp ứng yêu cầu từ thực tế sản xuất.
Kết quả nghiên cứu nêu trên đã được Bộ KHCN cho tiến hành dự án sản xuất thử nghiệm hoàn thiện công nghệ, thực hiện trong giai đoạn 2003-2007. Công trình ĐXL đầu tiên được xây dựng tại cống Phước Long (tỉnh Bạc Liêu) từ tháng 1-2004 đến tháng 8-2004. Trong những năm qua, cả hai công nghệ ĐTĐ và ĐXL tiếp tục được hoàn thiện và ứng dụng rộng rãi vào sản xuất. Cụ thể: giai đoạn 2006-2008, công trình được tiếp tục hoàn chỉnh thông qua đề tài "Nghiên cứu các giải pháp thiết kế, xây dựng các công trình ngăn sông lớn vùng ven biển". Năm 2010, Bộ KHCN đồng ý cho triển khai thêm hai đề tài cấp Nhà nước về nghiên cứu chế tạo thiết bị làm bằng nền móng ĐXL và nghiên cứu các loại cửa van khẩu độ lớn áp dụng cho các công trình chống ngập úng tại TP Hồ Chí Minh. Các công trình trong dự án chống ngập TP Hồ Chí Minh và dự án cống Cái Lớn theo công nghệ ĐTĐ tiết kiệm 40% chi phí so với công nghệ truyền thống.
Điểm đặc biệt quan trọng nhất của công nghệ ĐTĐ là cho phép thi công công trình ngay giữa lòng sông trong phạm vi hẹp. Trong khi đó, cống ĐXL là hộp nổi, trọng lượng nhẹ nên có thể ổn định trên nền đất yếu không cần xử lý hoặc xử lý đơn giản, chế tạo hàng loạt theo quy mô công nghiệp ở trong hố đúc rồi lai dắt đến vị trí xây dựng để hạ chìm vào hố móng đã chuẩn bị sẵn và có thể di dời cống đến vị trí khác khi cần thiết.
Tiết kiệm hàng nghìn tỷ đồng
Theo đánh giá của các nhà khoa học, ĐTĐ và ĐXL là công trình nghiên cứu có giá trị sáng tạo rất lớn về khoa học và đổi mới công nghệ, đặc biệt là trong xây dựng các công trình ngăn sông vùng cửa sông và vùng đồng bằng ven biển. Thông qua việc áp dụng trong thực tiễn sản xuất từ gần 10 năm nay đã chứng tỏ công nghệ này đem lại hiệu quả lớn về kinh tế và xã hội. "So sánh với công nghệ truyền thống, ĐTĐ giá thành bằng 60-80% và ĐXL bằng 60%" - GS-TS Trương Đình Dụ nói.
Ngay sau khi cống Phước Long đưa vào vận hành, với tính năng ưu việt, công nghệ này nhanh chóng được nhân rộng ra hàng loạt công trình khác. Đó là: cống Thông Lưu (Bạc Liêu), 7 công trình ở địa bàn tỉnh Hậu Giang, Cần Thơ trong dự án Ô Môn - Xà No, hàng loạt công trình ở tỉnh Cà Mau, Kiên Giang và đỉnh cao là dự án phân ranh mặn ngọt Bạc Liêu - Sóc Trăng gồm 63 cống dạng ĐXL đã được thiết kế và xây dựng. Đến nay, gần 100 công trình đã được thi công theo công nghệ nói trên, giải quyết được những khó khăn mà các loại hình công trình hiện nay không thể giải quyết.
PGS-TS Trần Đình Hòa cho biết thêm, với việc ứng dụng công nghệ nói trên trong thi công các cống, đập thủy lợi đã và sẽ tiết kiệm cho ngân sách hàng nghìn tỷ đồng. ĐXL di động thực sự là một "giải pháp vàng" đối với những vùng sản xuất có chủ trương chuyển dịch cơ cấu sản xuất chưa rõ ràng như vùng bán đảo Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Những khu vực này, trước đây nhiều vùng rộng lớn được ngọt hóa để sản xuất lúa thì nay quá nửa diện tích đó đã đưa nước mặn vào để nuôi trồng thủy sản, có vùng chuyên nuôi tôm, có vùng vừa nuôi tôm vừa trồng lúa, có vùng hôm nay nuôi tôm nhưng một thời gian ngắn sau lại trồng lúa.
GS-TS Nguyễn Xuân Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Thủy lợi cho rằng, công nghệ ĐXL giải quyết những vấn đề then chốt để cải tiến công nghệ, phát triển hoặc tạo sản phẩm mới; thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu sản xuất; tạo điều kiện hình thành và phát triển ngành nghề mới; góp phần nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm, của nền kinh tế.