TP. Hồ Chí Minh xem xét phương án điều chỉnh giờ học, giờ làm

Đời sống - Ngày đăng : 10:54, 09/02/2012

Nhiều sở, ban, ngành tại Thành phố Hồ Chí Minh thống nhất quan điểm chỉ thay đổi giờ học và giữ nguyên giờ làm việc như hiện nay.


Ngày 8/2, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (đơn vị được giao chủ trì đề án) tổ chức lấy ý kiến bổ sung về kế hoạch học lệch giờ, làm lệch ca tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo kế hoạch, ngành Giáo dục và Đào tạo thực hiện điều chỉnh giờ học trong hệ thống các trường học. Cụ thể, trường mầm non không điều chỉnh; tiểu học lớp 1 buổi không điều chỉnh, lớp buổi chiều điều chỉnh muộn 15 phút; trung học cơ sở và trung học phổ thông điều chỉnh muộn 15 phút. Đối với các trường có tổ chức mô hình bán trú, chéo buổi chủ động điều chỉnh giờ học và giờ về từ 15 đến 30 phút; trong từng khối lớp bậc tiểu học hoặc trung học cơ sở có giờ về cách nhau 10 đến 15 phút; cụm các trường Trung học cơ sở gần nhau tổ chức giờ học buổi sáng sớm hơn quy định 15 phút (6 giờ 45) hoặc trên cùng tuyến đường các trường phối hợp tổ chức lệch giờ vào học và tan trường.

Đối với giờ làm việc, các cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn không thay đổi giờ làm việc. Tuy nhiên, các đơn vị sự nghiệp công lập (trừ các cơ sở giáo dục), doanh nghiệp nhà nước và các đoàn thể, cơ sở, văn phòng làm việc theo giờ hành chính khung giờ điều chỉnh cụ thể như sau: sáng bắt đầu làm từ 7 giờ 30 phút hoặc 8 giờ; chiều kết thúc từ 16 giờ, hoặc 16 giờ 30 phút, hoặc 17 giờ. Giờ kết thúc làm việc buổi chiều sớm hơn nhằm giảm số lượng người ra về lưu thông trên đường, tập trung quá đông vào lúc 17 giờ trong ngày và cũng phù hợp với việc đón con khi tan trường.

Ông Nguyễn Văn Xê, Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, về cơ bản vẫn giữ phương án cũ đã đưa ra từ năm 2007 (thay đổi giờ học giữa các cấp chênh lệch 15 đến 30 phút) vì phương án này có kết quả ổn định nhất trong thời gian qua.

Tuy nhiên, để thực hiện được hiệu quả hơn cần đưa ra nhiều phương án khác nhau từ các sở, ban, ngành liên quan, để tìm ra được phương án hữu hiệu nhất, nhằm áp dụng một cách hiệu quả vào thực tế. Đặc biệt, cần phối hợp với chính quyền địa phương lên phương án và bố trí một cách hợp lý.

Ông Nguyễn Văn Gia Thụy, đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo cho rằng, quan điểm của Sở là không điều chỉnh giờ học so với phương án làm lệch giờ, lệch ca được trình Chính phủ vào cuối tháng 11/2011 vừa qua (thay đổi giờ học giữa các cấp chênh lệch 15 đến 30 phút). Việc nên điều chỉnh hiện nay là điều chỉnh lại không gian các cổng trường để phụ huynh đến đón con em của mình mà không phải tràn xuống lòng đuờng.

Ông Nguyễn Văn Gia Thụy kiến nghị, để giảm tình trạng ùn tắc giao thông trước các trường, sở Giao thông vận tải cần hỗ trợ các trường tăng cường các tuyến xe buýt nhỏ (loại xe lam 12 chỗ ngồi) để tiện đưa rước học sinh. Đây là giải pháp rất thuận tiện, vừa chống tình trạng ùn tắc vừa tiết kiệm được thời gian cho phụ huynh học sinh.

Ngoài những biện pháp điều chỉnh giờ học giờ làm, nhiều ý kiến nêu phải khẩn trương triển khai các biện pháp trước mắt và lâu dài nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, như xây dựng cầu đường, di dời bệnh viện, trường đại học… ra khỏi trung tâm Thành phố.

Theo VGP News