Trò chuyện với người xây dựng “Nghệ thuật mới”

Văn hóa - Ngày đăng : 07:43, 09/02/2012

(HNM) - Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam) là người cùng với các bạn văn của mình khởi dựng tờ phụ trương

Bìa “Nghệ thuật mới” số 1.


- Các tờ báo văn nghệ nói chung đang gặp nhiều thách thức trong việc thu hút bạn đọc. Vì sao anh và các bạn văn lại lao vào chốn khó khăn này?

- Chúng tôi muốn làm một tờ báo văn học nghệ thuật nghiêm túc nhằm tôn vinh các tác phẩm văn học, tôn vinh các văn nghệ sĩ và thể hiện sự trọng thị đối với bạn đọc. Tờ báo không nhằm kinh doanh, tuyệt đối không quảng cáo, dành trọn vẹn 48 trang cho người đọc. Đó là điều lớn nhất thôi thúc chúng tôi cho dù biết rằng sẽ có nhiều khó khăn. Chúng ta có nhiều tờ báo văn nghệ đã có thương hiệu. Nhưng có lẽ bạn đọc hôm nay đòi hỏi nhiều hơn những trang viết chuyển tải những tác phẩm văn chương gần gũi với cuộc sống, thể hiện tiếng nói và sự nhập cuộc của nhà văn với xã hội. Theo tôi, một tờ báo văn chương phải có hai phần: Phần sáng tạo của nhà văn và bên cạnh đó là thái độ, cách nhìn, những lý giải xã hội mang dấu ấn riêng của họ thể hiện qua những câu chuyện xung quanh tác phẩm và tác giả. Chúng tôi cũng tin tưởng bởi đội ngũ biên tập, cộng tác viên đều là những văn nghệ sĩ, nhà báo có uy tín, say mê với công việc này.

- Số đầu tiên của "Nghệ thuật mới" được đón nhận thế nào, thưa anh?

- "Nghệ thuật mới" số đầu phát hành 3 vạn bản, được người trong giới đón nhận rất hào hứng, tạo được ấn tượng tốt với bạn đọc. Nó có thể chưa được hay lắm nhưng chúng tôi thấy bạn đọc đã và đang đợi chờ một ấn phẩm sâu về văn học nghệ thuật. Tìm hiểu ngẫu nhiên, một sạp báo nhận 50 tờ, bán hết ngay trong một ngày rưỡi. Tất nhiên "Nghệ thuật mới" chưa thể rải ở tất cả các sạp báo, nó cũng mới đang có mặt ở những địa điểm cơ bản, tại thành phố lớn. Song số đầu tiên mang lại những tín hiệu tốt và nếu chúng ta làm thật sự nghiêm túc thì tờ báo chắc chắn sẽ có số lượng bạn đọc không nhỏ.

- Báo chí nói chung đang có xu thế ngắn gọn hơn, nhưng bài viết trên "Nghệ thuật mới" lại rất dài, vì sao vậy, thưa anh?

- Những bài viết về văn học nghệ thuật cần một dung lượng đủ lớn để chuyển tải sâu, kỹ lưỡng hơn về một vấn đề, một câu chuyện, một con người… Nó khác với những thông tin thông tấn, bởi bản thân ngôn ngữ trong bài viết cũng là ngôn ngữ nhiều tính văn chương. Đây cũng là đặc điểm khiến "Nghệ thuật mới" có thể "kén" bạn đọc hơn, nhưng khi bạn đọc đã tìm đến thì dễ gắn bó lâu dài với tờ báo.

- Một nhà thơ đã rất ngạc nhiên khi bài viết của chị được trả nhuận bút khá cao so với mức chung? Làm sao để duy trì được mức chi phí này một cách lâu dài, thưa anh?

- Tờ báo này nhận được sự ủng hộ về kinh phí từ những cá nhân muốn đầu tư lâu dài cho văn hóa, đó là cơ sở bước đầu rất thuận lợi. Tới đây, chúng tôi cố gắng phát hành tờ báo ở mức cân bằng chi - thu. Việc trả nhuận bút thì tùy đóng góp từng bài, song đúng là xét trên mặt bằng chung của những tờ báo văn nghệ, thì nhuận bút của "Nghệ thuật mới" gấp từ 2 đến 4 lần. Điều này chắc chắn không thể giải quyết được vấn đề kinh tế cho tác giả, nhưng là sự bày tỏ lòng trọng thị của tờ báo đối với sáng tạo của văn nghệ sĩ và những đóng góp của họ cho văn học, nghệ thuật nước nhà.

- Xin cảm ơn anh!

Hà Dương