Để tránh “nhờn thuốc”
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:38, 09/02/2012
Và như phát biểu của Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị tại buổi họp của Thường trực Thành ủy chiều 6-2 để nghe báo cáo, thảo luận và cho ý kiến chỉ đạo về một số vấn đề phát sinh trong việc thực hiện điều chỉnh giờ học, làm việc: Đây chỉ là một trong nhiều biện pháp TP đang quyết liệt triển khai nhằm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông. Điều đó có nghĩa phải có đồng bộ các biện pháp, cả trước mắt và lâu dài, kết hợp tuyên truyền vận động, xây dựng ý thức, văn hóa giao thông với việc cải thiện cơ sở hạ tầng, có quy hoạch khoa học, hợp lý cũng như siết chặt kỷ cương, trật tự...
Cùng trong ngày 6-2, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 796/UBND-GT gửi Sở GTVT cùng một số đơn vị có liên quan yêu cầu thực hiện thu hồi giấy phép trông giữ phương tiện, xe đạp, xe mô tô, ô tô trên vỉa hè, lòng đường (đợt1) tại 262 tuyến phố thuộc địa bàn 9 quận là: Hoàn Kiếm, Ba Đình, Hai Bà Trưng, Đống Đa, Cầu Giấy, Thanh Xuân, Tây Hồ, Long Biên, Hoàng Mai. Theo văn bản này, công việc phải hoàn thành trước ngày 15-2-2012. Đây cũng là một trong những biện pháp nhằm trả lại "đường thông, hè thoáng" để nâng cao năng lực giao thông, thiết lập trật tự, mỹ quan đô thị. Vì vậy, việc thực hiện văn bản này cũng phải trên tinh thần quyết liệt như thực hiện điều chỉnh giờ học tập, làm việc.
Cũng cần lưu ý, đây không phải lần đầu Hà Nội siết chặt việc quản lý các điểm trông giữ xe. Những vấn đề như tùy tiện trông giữ xe không giấy phép (thực ra là "chăng dây, kẻ vạch, thu tiền"), thu phí trông giữ xe cao hơn quy định... đã tồn tại ở Hà Nội nhiều năm qua. Tuy nhiên, do hoạt động kém hiệu quả của lực lượng chức năng cùng những bất cập trong công tác quản lý vừa khiến Nhà nước thất thu về kinh tế (không kiểm soát được doanh thu của các điểm trông giữ phương tiện), vừa làm méo mó bộ mặt đô thị khi vỉa hè, lòng đường bị "xẻ thịt" không thương tiếc. Ấy là chưa kể phía sau sự tồn tại của những bãi trông giữ xe như vậy còn xảy ra nhiều chuyện "tế nhị" liên quan tới một bộ phận cán bộ. Nhiều biện pháp đã được đặt ra như thí điểm quy định phân cấp về quản lý và sử dụng vỉa hè, lòng đường; thành lập các tổ liên ngành cơ động để kiểm tra, xử lý các vi phạm... Song thực tế cho thấy, hiệu quả thu được rất thấp. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến tình trạng "nhờn thuốc", các điểm trông giữ xe vẫn tùy tiện xuất hiện như thách thức lực lượng chức năng được giao trách nhiệm quản lý.
Do vậy, trong khi Hà Nội đang kêu gọi sự chia sẻ, đồng tình ủng hộ và vào cuộc của mọi tầng lớp trong xã hội, trong khi nhiều giải pháp đồng bộ được triển khai nhằm làm giảm tai nạn và ùn tắc giao thông, việc UBND TP Hà Nội ban hành văn bản 796/UBND-GT là hết sức cần thiết. Tuy nhiên để thực hiện hiệu quả việc này, cũng cần làm rõ trách nhiệm cụ thể của lực lượng chức năng cũng như tổ chức giám sát tốt việc thực hiện... Có như vậy mới tạo nên "thuốc đặc trị" để chữa căn bệnh này, góp phần tạo nên hiệu quả chung trong việc cải thiện tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn Hà Nội.