Nguồn tư liệu ảnh: Di sản ảnh chưa được bảo vệ
Văn hóa - Ngày đăng : 07:58, 08/02/2012
Giá trị đã được khẳng định
Ngay cả khi chưa được bảo tồn như là một trong những loại hình di sản văn hóa, ảnh đã khẳng định được giá trị, sức sống của mình. Nếu không có ảnh, dù có mô tả thế nào chúng ta cũng không hình dung được Quảng trường Ba Đình ngày 2-9-1945 ra sao, không khí ngày Độc lập thế nào. Nếu không có ảnh chụp các di tích lịch sử, văn hóa từ thế kỷ XIX, XX, ngày nay chúng ta sẽ thiếu căn cứ thực tế để trùng tu, tôn tạo các di tích. Không có ảnh chụp phong cảnh, con người, cuộc sống sinh hoạt khắp mọi miền đất nước qua các thời kỳ chúng ta cũng khó có thể nhận biết được văn hóa các vùng miền khác nhau như thế nào, cái gì thay đổi, cái gì còn lại, cái gì đã mất… Không chỉ là "bằng chứng" của lịch sử, phản ánh cuộc sống, ảnh còn được sử dụng để tuyên truyền, giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng, tinh thần học tập, lao động, sản xuất, để trưng bày, triển lãm, giới thiệu, quảng bá, để minh họa, thậm chí là để châm biếm, phê phán, đả kích... Ảnh quý được lưu giữ cũng là nguồn tư liệu để các trung tâm triển lãm, các bảo tàng mở các cuộc triển lãm chuyên đề… giúp thế hệ trẻ hôm nay có cái nhìn chân thực, sinh động về cuộc đời, sự nghiệp của một con người vĩ đại hay một thời kỳ lịch sử đã qua.
Một bức ảnh tư liệu quý về Hà Nội xưa. |
Không ai có thể phủ định giá trị, ý nghĩa của ảnh, nhưng do chưa được nhìn nhận như di sản nên ảnh chưa được kiểm kê, chưa được bảo tồn và quan tâm đúng mức. Đề cao giá trị của ảnh, PGS Nguyễn Văn Huy, Trưởng ban Di sản văn hóa phi vật thể (Hội Di sản Việt Nam) nói: "Đã đến lúc ảnh cần phải được nhìn nhận là một loại hình di sản văn hóa. Ảnh di sản không phải cái gì quá cao siêu. Ảnh gia đình, ảnh cá nhân cũng là ảnh di sản".
Ảnh đang mất dần
Ảnh có giá trị di sản nhưng ít người coi ảnh là di sản vì ảnh sinh sau đẻ muộn (mới hơn 170 năm), vì sự đa năng (ảnh nào sẽ là di sản, ảnh nào không) nên ảnh chưa được nhìn nhận đúng với giá trị thực của nó.
Không những chưa được nhận diện đúng giá trị, di sản ảnh ở Việt Nam còn đang bị mất dần. Cách đây không lâu, gia đình GS Tôn Thất Tùng trao cho Trung tâm Di sản các nhà khoa học 200 bức ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của GS Tùng, trong đó chỉ có 20% các bức ảnh nguyên vẹn, còn lại đã bị hỏng, ố nhiều hoặc không rõ bối cảnh. Tương tự, bộ ảnh của GS Hồ Đắc Di cũng đã bị hủy hoại gần hết. Ngoài ra, rất nhiều bức ảnh phản ánh các sự kiện lớn của đất nước đang được cất giữ trong các trung tâm lưu trữ hay trong các gia đình đang bị hỏng do điều kiện bảo quản không tốt, do khí hậu khắc nghiệt, do thời gian, do chất lượng ảnh… và có thể đã bị vứt đi hằng ngày.
Trước thực trạng này, ông Vũ Quốc Khánh, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam đề nghị việc phục hồi ảnh di sản cần phải được thực hiện khẩn cấp như bác sĩ cứu bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo". Trên thực tế, một trung tâm bảo tồn, lưu trữ ảnh đang được hoàn thiện và sẽ đi vào sử dụng trong năm nay với tên gọi "Trung tâm Lưu trữ quốc gia và Bảo tàng Nhiếp ảnh Việt Nam" là tín hiệu mừng cho công cuộc phục hồi, tôn vinh di sản ảnh. Tuy nhiên, trung tâm hiện nay mới chỉ như một ngôi nhà, còn phần đầu tư khoa học, thiết bị sản xuất, phục chế ảnh chưa được quan tâm đúng mức.
Tìm cách bảo tồn, phát huy
Việt Nam đã có chính sách bảo vệ di sản được quy định bằng các văn bản pháp luật. Như vậy, nếu ảnh được coi là di sản thì ảnh sẽ nằm trong danh sách được bảo vệ bởi các văn bản pháp luật. Đó là nguyên nhân khiến nhiều bức ảnh quý của Việt Nam được mang ra nước ngoài một cách dễ dàng bởi không ai biết để giữ lại, trong khi một chiếc bình cổ hay một vật tương tự như thế sẽ bị kiểm tra kỹ càng. Vì thế, TS Lê Thị Minh Lý, Trung tâm Nghiên cứu và phát huy giá trị di sản văn hóa (Hội Di sản văn hóa Việt Nam) cho rằng: Việc quan trọng cần phải làm ngay là xây dựng chính sách bảo vệ di sản. Trước hết, cần bổ sung khái niệm di sản ảnh, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân đối với việc bảo vệ di sản ảnh, các biện pháp bảo vệ, quyền của chủ thể sở hữu vào các văn bản quy phạm pháp luật để mọi người thấy được ảnh là một đối tượng di sản. Thứ hai, cần phải có thiết chế thống nhất để quản lý di sản ảnh một cách xuyên suốt, cho dù thiết chế đó chỉ làm nhiệm vụ đầu mối. Ngoài ra, cần cấp thiết bảo quản tốt hơn các di sản ảnh ở các bảo tàng, các trung tâm lưu trữ; đồng thời đào tạo cán bộ chuyên về bảo quản ảnh...
Chia sẻ kinh nghiệm, Giám đốc Bảo tàng Anh Chaleroi cho rằng, với mảng ảnh trong các cá nhân, gia đình đang bị lâm nguy cần phải huy động các nguồn tài chính để sưu tầm, bảo vệ; với các di sản ảnh quý, những bộ sưu tập được lưu giữ ở nước ngoài cần phải mua về hoặc sao chép lại. Một phần quan trọng nữa là các bảo tàng cần bố trí không gian trưng bày, lưu trữ các tác phẩm ảnh độc đáo mới được sáng tác, tránh tình trạng vài chục năm sau phải mua lại tác phẩm này từ nước ngoài.
Với những giá trị đã được khẳng định, hy vọng ảnh sẽ sớm được đưa vào danh mục di sản và có chính sách bảo tồn, phát huy.